31/400 trường đại học “dò dẫm” tuyển sinh riêng

(VOH) - Đã có hơn 30 trường đề xuất phương án tuyển sinh cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014. Nếu được Bộ GD-ĐT đồng ý thông qua, mùa tuyển sinh năm 2014 sẽ là năm đầu tiên thật sự có những đổi mới liên quan đến thi cử. Bởi ngoài các trường tham gia kỳ thi chung do Bộ tổ chức, còn có nhiều hình thức tuyển sinh phong phú: thi riêng, thay đổi môn thi, thi tuyển kết hợp xét tuyển và phỏng vấn.

Có thể thấy trong số hơn 30 trường có đề án tuyển sinh riêng năm nay, phương án thi tuyển kết hợp xét tuyển vào một số ngành được các trường “thí điểm” nhiều nhất. Mỗi ngành dành khoảng 30% chỉ tiêu xét tuyển, dựa trên kết quả ở bậc phổ thông và đảm bảo ngưỡng tối thiểu từ trung bình, khá trở lên tuỳ theo từng trường. Cụ thể, trường ĐH Lạc Hồng xét tuyển riêng 6 ngành với 30% chỉ tiêu, điểm trung bình 5 học kỳ bậc phổ thông từ 6.0 điểm trở lên; trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TPHCM cũng có 6 ngành tổ chức thi kết hợp xét tuyển, đồng thời phỏng vấn bổ sung các ngành sư phạm kỹ thuật; ĐH Quốc tế Hồng Bàng thi tuyển kết hợp xét tuyển các ngành năng khiếu; ĐH Đồng Tháp áp dụng cả ba phương thức: thi chung, xét tuyển và thi tuyển một số ngành…..


Thí sinh sẽ có sự lựa chọn: Thi “3 chung” hoặc thi tuyển sinh riêng vào đại học từ năm 2014. Ảnh: Laodong.

Theo Ths Lâm Thành Hiển, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Lạc Hồng, nhiều học sinh trong quá trình học phổ thông có kết quả học tập khá, tuy nhiên với áp lực trong kỳ thi đại học có thể không làm tốt bài thi như mong muốn. Trong khi đó, lựa chọn thí sinh vào đại học là đánh giá cả quá trình học tập, chính vì vậy nhà trường đã quyết định mở thêm một cơ hội cho những thí sinh này bằng hình thức xét tuyển, Ths Lâm Thành Hiển nói:

“Về mặt cơ bản vẫn giữ ba chung, không thay đổi. Những em muốn vào ngành này vẫn có thể thi theo ba chung bình thường, chỉ có thêm một phương án cho các em lựa chọn thêm, tạo thuận lợi thêm cho các em, không gây khó khăn gì cho các em. Còn đối với nhà trường công việc đương nhiên sẽ khó hơn một chút, nhưng đó cũng là cái để mình tìm hiểu xem sắp tới nếu Bộ cho thi riêng hoàn toàn, trường nên lựa chọn phương án nào. Mình cũng chọn một số ngành đại diện cho mỗi nhóm ngành để có thể theo dõi trong quá trình học của các em có đúng như nhận định của mình hay không” .

Trong khi đó, trường ĐH Kiến Trúc TPHCM đã mạnh dạn thay đổi khối thi với mong muốn đánh giá toàn diện hơn năng lực người học, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo. Thay vì tuyển sinh khối V (Toán, Lý, Vẽ mỹ thuật) và H (Hình hoạ mỹ thuật, Văn, Vẽ trang trí màu) như trước đây, nhà trường đề xuất thi theo khối V1 (Toán, Văn, Vẽ mỹ thuật) và H1 (Toán, Văn, Vẽ trang trí màu). TS Ninh Quang Thăng, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho hay, việc thay đổi môn thi đã được trường đề xuất từ năm 2011, do đó sẽ không gây ảnh hưởng nhiều đến tâm lý thí sinh:

“Việc trường ĐH Kiến Trúc có dự tính thay đổi môn thi đã được xã hội biết đến từ năm 2011. Thứ hai, khi thay môn Lý bằng môn Văn không có gì lạ, bởi hai môn Văn và Toán và hai môn cơ bản của học sinh phổ thông trong bất cứ kỳ thi tốt nghiệp phổ thông nào thí sinh cũng phải chuẩn bị, đó là hai mảng kiến thức quan trọng nhất. Vì vậy, thí sinh có sự chuẩn bị hai môn này nhiều. Đứng về mặt tổ chức tuyển sinh, trường cũng không có gì khó khăn, ngoại trừ việc sau khi thay đổi, phần lớn các ngành sẽ thi vào đợt 2, bởi vì để lấy đề thi khối D hai môn Văn, Toán nên sẽ dồn về đợt 2” .

Là trường đại học duy nhất thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có đề án tuyển sinh riêng, trường ĐH Đồng Tháp kết hợp hình thức thi chung và xét tuyển riêng, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực các ngành thuộc lĩnh vực khoa học xã hội mà vùng đang thiếu như: quản lý văn hoá, công tác xã hội, ngôn ngữ Trung Quốc…..Thật ra đây cũng là cách để trường tự “cứu” mình bởi nhiều năm qua thí sinh trúng tuyển vào các ngành trên rất ít nên mở rộng thêm cơ hội cho thí sinh, tuy nhiên TS Nguyễn Văn Đệ, Hiệu trưởng trường ĐH Đồng Tháp bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thí sinh ảo trong năm nay:

“Khó khăn thứ nhất là sẽ bị thí sinh ảo, đây là vấn đề trường rất lo lắng. Tuy nhiên có thể năm đầu trường cũng phải chấp nhận cái “ảo” này. Chẳng hạn mỗi ngành Trường chỉ tuyển 80 chỉ tiêu, mặc dù trúng tuyển vào ĐH Đồng Tháp nhưng thí sinh vẫn thi kỳ thi ba chung vào trường hoặc một trường nào khác. Quyết định của các em có thể sẽ vào học sau khi được xét trúng tuyển, nhưng vẫn có thể đi thi tiếp. Khi đó trường không kiểm soát được. Các em có thể có hai, ba nguyện vọng trúng tuyển, khi đó sẽ sinh ra ảo, sẽ dẫn đến tình trạng khi trường gọi vào trường không dám gọi thêm, mình vẫn phải dành chỉ tiêu đó cho các em, nhưng khi đến thì các em không đến” .

Còn theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng phát triển chiến lược, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, để chuẩn bị cho tự chủ tuyển sinh đến năm 2017, những khó khăn bước đầu ở kỳ thi năm nay là không tránh khỏi: “Khâu tuyển sinh sẽ có nhiều thứ phức tạp hơn. Trước đây cứ thi xong, chấm xong, căn cứ theo điểm sàn để gọi thí sinh trúng tuyển, còn bây giờ phải tiếp tục khâu sàng lọc nữa. Nhưng đây là bước ban đầu để mình tập dợt và xem như thế nào. Nếu tính toàn trường, hệ chính quy tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 - 4.000 thí sinh, nếu không tập trước thì đến năm 2017 làm với chừng đó thí sinh, thế cho nên cũng là bước đầu tập dợt về công tác tự chủ tuyển sinh” .

Có thể nói, 31 đề án tuyển sinh riêng trong số hơn 400 trường là không lớn, tuy nhiên nó đã thể hiện sự chủ động của các trường. Trong các đề án tuyển sinh, các trường đã nêu ra nhiều phương án, cơ hội thí sinh cũng được mở rộng, không bỏ sót thí sinh có năng lực phù hợp, hình thức xét tuyển cũng góp phần hạn chế nạn luyện thi tràn lan. Tất cả các trường đều xác định ngưỡng tối thiểu về kiến thức đối với thí sinh.

Dù mới nhen nhóm ở một số trường, chưa mạnh dạn tự tổ chức thi riêng, thế nhưng đây là những động thái đầu tiên tạo tiền đề đến năm 2017, các trường sẽ tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh. Chính vì vậy, bản thân các trường có đề án tuyển sinh riêng chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn ở khâu tổ chức kỳ thi năm nay, nhưng đó là bước đi cần thiết để rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo trong lộ trình đổi mới. Trước mắt, các đề án này đang được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến xã hội. Đến ngày 10/03, sau quá trình tham khảo ý kiến của xã hội, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để quyết định và công bố chính thức các đề án đạt yêu cầu, áp dụng ngay trong kỳ thi tuyển sinh năm 2014.