Các trường THPT nặng gánh ôn thi “2 trong 1”

(VOH) - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố quy chế kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2015, các trường THPT đều tập trung ôn luyện cho học sinh lớp 12 bám sát yêu cầu đổi mới trong thi cử. Năm nay kì thi THPT quốc gia tổ chức muộn hơn một tháng, nên thí sinh có nhiều thời gian để ôn tập nhưng ngoài ôn thi tốt nghiệp thì các trường sẽ hỗ trợ thí sinh ôn thi đại học. Một việc chưa từng có trước đây.

(ảnh minh họa: Vietbao)

Có lúng túng trong ôn thi !

Đến thời điểm này Bộ GD-ĐT chưa công bố cấu trúc đề thi dù khẳng định đề thi sẽ tương tự đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ 2014.  Tuy nhiên, học sinh và giáo viên cần hướng dẫn cụ thể hơn vì đây là năm đầu tiên đề thi với hai mục đích vừa xét tốt nghiệp vừa tuyển sinh vào ĐH - CĐ. Không có cấu trúc đề thi nên giáo viên và học sinh khó chủ động được mức độ phân hóa kiến thức giữa nhóm câu xét tốt nghiệp THPT và nhóm câu hỏi tuyển sinh ĐH – CĐ. Thầy Trần Thu Quang, trường THPT Nguyễn Khuyến bày tỏ: “Hướng đề thi chưa biết thế nào nên cũng khó khăn. Các thầy họp lại trong khối 12 liệt kê kế hoạch, cách ôn tập, hướng dẫn học sinh như thế nào…chú trọng kiến thức phong phú trong từng bài, thực hành kĩ năng nhiều chừng nào tốt chừng nấy ”.

Phải đến tháng 7 học sinh mới thi tốt nghiệp THPT trong khi  cuối tháng 5 thì các trường THPT đã kết thúc chương trình học. Nếu để học sinh tự do ôn thi thì các trường không yên tâm vì không ai quản lý, hướng dẫn vậy nên hầu hết các trường vẫn bám sát tổ chức ôn tập cho học sinh cho đến khi kì thi diễn ra.

Hiện nay, các trường THPT đều lên kế hoạch ôn tập phù hợp với tình hình mới. Việc gom học sinh tập trung một chỗ dò bài như trước đây không còn hữu dụng, cách biên soạn phải hạn chế câu hỏi thuộc lòng, tăng cường vận dụng kiến thức... Ngoài ra, để giúp học sinh làm quen, đề kiểm tra học kì II ở các môn sẽ có tỉ lệ câu hỏi 60% dành cho tốt nghiệp THPT và 40% ở mức độ đề thi ĐH-CĐ. Đối với môn xã hội sẽ hướng vào những vấn đề thời sự, mang hơi thở cuộc sống chứ không theo khuôn mẫu. Thầy Nguyễn Văn Cải, Phó Hiệu trưởng trường THPT Quang Trung nhìn nhận: “Những năm gần đây đề thi tiến gần với cuộc sống hơn, mang tính nhân văn so với việc chỉ tiếp cận trên sách vở. Sự thay đổi từ đề thi sẽ tác động đến việc dạy và học”.

“Bỡ ngỡ” ngoại ngữ

Đầu năm, Bộ GD-ĐT cho biết môn ngoại ngữ được xếp thi trắc nghiệm nhưng nay “bỗng dưng” có thi tự luận. Thầy Nguyễn Minh Triết, hiệu trưởng THPT Nguyễn Hữu Cầu cho rằng sự thay đổi nào cũng cần thời gian để làm quen, rèn luyện. Việc thay đổi gấp rút khiến cho việc tăng tốc ôn luyện kỹ năng viết  khó có thể tránh tình trạng cập rập: “Quan trọng là phương án để học sinh tiếp cận dần, ngay năm học này thực hiện phương án khác sẽ gây khó khăn cho học sinh và cả giáo viên”.

Hiện nay tổ bộ môn của các trường lên kế hoạch tăng tốc ôn tập môn ngoại ngữ theo hướng có cả trắc nghiệm và tự luận. Theo đó, trường giới thiệu một số chủ đề để học sinh tham khảo và tập viết đoạn văn. Cô Nguyễn Thị Ánh Mai, Hiệu trưởng trường THPT Võ Trường Toản cho biết các thầy cô  cũng linh động thay đổi cho kịp với yêu cầu của Bộ. Môn ngoại ngữ yêu cầu có thêm phần tự luận thì trường cũng thực hiện cho các em ráp câu, viết một đoạn văn”.

Để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia, Sở GD-ĐT TPHCM đã chỉ đạo các trường THPT tổ chức nghiêm túc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học. Trong nội dung ôn tập, vừa đảm bảo ôn kiến thức vừa giúp học sinh làm quen với cách thức làm bài thi, đảm bảo đáp ứng yêu cầu cơ bản (để xét tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh ĐH, CĐ). Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho rằng, trong chỉ đạo kì thi học kì II của các trường bằng đề thi chung, chia học sinh ra từng phòng thi và chấm tập trung để đảm bảo kết quả học tập ở lớp 12 chính xác, công bằng. Các trường tổ chức ôn tập tất cả các môn học, không phải chỉ học thuộc lòng mà còn vận dụng kiến thức tổng hợp để giải quyết nhiều vấn đề, bắt buộc các em chủ động hơn trong lĩnh hội kiến thức để làm sao có trình độ tốt nhất dự thi tốt nghiệp THPT”.

Từ tình hình trên cho thấy, các trường THPT đang gặp khá nhiều khó khăn trong tổ chức ôn thi cho học sinh kỳ thi, đặc biệt về hướng ra đề thi có khá nhiều khác biệt so với mọi năm. Do vậy, việc sớm công bố cấu trúc đề thi sẽ giúp nhà trường và học sinh tham khảo, làm quen với đổi mới, chuẩn bị tốt cho học sinh về kiến thức, kỹ năng, tâm lý khi bước vào kỳ thi.