Các trường tiểu học chuyển mình theo đổi mới

(VOH) - Các trường đang chuyển mình để thích ứng với những thay đổi về đánh giá học sinh ở bậc tiểu học trong năm học 2014-2015.

Một tiết học của học sinh lớp 1 Trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận 1 - Ảnh: TTO

Từ đầu năm học 2014-2015 đến nay Bộ GD-ĐT đã liên tiếp thực hiện nhiều đổi mới ở bậc tiểu học như thay chấm điểm bằng nhận xét, bỏ các danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, không ra bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày…Lúc này, các trường học đang chuyển mình để thích ứng với những đổi thay.

Thay đổi tư duy cũ bằng cách làm mới, đây là thử thách không hề nhỏ cho các trường, nhất là khi chuyển từ đánh giá thường xuyên bằng điểm số sang nhận xét. Trong thời gian đầu thực hiện, nhiều giáo viên không khỏi lo lắng vì sĩ số lớp từ 40-50 học sinh mà nếu nhận xét dài thì không đủ thời gian, còn nếu nhận xét ngắn thì học sinh không nắm rõ.

Trước tình trạng này, không ít giáo viên đã dùng nhiều cách để động viên học sinh, cụ thể đối với bài làm nhiều lỗi sai thì thầy cô nhận xét kỹ lưỡng những phần cần điều chỉnh, còn bài làm tốt thì lời nhận xét ngắn gọn, cô đọng. Đến nay do điều chỉnh lời nhận xét và thực hiện nhận xét luân phiên theo tổ nên việc đánh giá bằng nhận xét đã bước đầu phát huy tác dụng tích cực và không còn quá áp lực đối với giáo viên.

Cô Phạm Khoa Khánh Phương, Phó Hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng cho biết các sự thay đổi đều có khó khăn trong thời gian đầu, cần thời gian để thích nghi và thực hành. Nhưng không phải bắt buộc 100% ghi lời nhận xét, có nghĩa là đánh giá thường xuyên đảm bảo chữa bài cho học sinh đầy đủ, còn ghi lời nhận xét luân phiên theo tổ nên cũng không phải là gánh nặng quá đối với giáo viên.

Một trong những thay đổi khá bất ngờ nữa trong năm nay là tuyên dương, khen thưởng học sinh sẽ không còn tờ giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến, thay vào đó, các trường sẽ đổi mới theo hướng khen thưởng thành tích nổi bật về môn học, năng khiếu, phẩm chất…cũng như nhận xét thường xuyên, để đổi mới tuyên dương khen thưởng, giáo viên cũng buộc phải theo dõi sát sao học sinh trong lớp, nắm rõ đặc điểm năng lực của từng học sinh. Năm nay, những học sinh nào dù học lực chưa bằng các bạn khác nhưng có sự nỗ lực vươn lên về phầm chất, năng lực, khả năng riêng… thì vẫn được ghi nhận và khen ngợi như những bạn học giỏi.

“Khen thưởng năm nay sẽ theo các mặt về năng lực, học tập, phẩm chất. Giáo viên sẽ căn cứ vào quá trình học tập, phát triển của học sinh để đánh giá, trường cũng soạn quy trình đánh giá có thể được khen từ một đến ba mặt”, cô Vũ Thị Kim Hoa, Hiệu trưởng trường tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ.

Sau khi đổi mới cách đánh giá, tuyên dương khen thưởng, tiếp đến Bộ GD-ĐT đã ra chỉ thị không ra bài tập về nhà để giảm tải cho học sinh. Với các em học sinh học hai buổi/ ngày được hướng dẫn làm bài tập ngay trên lớp. Tuy nhiên, khi thực hiện chỉ thị này trên thực tế cũng phát sinh một số khó khăn trong giảng dạy.  Với các em học sinh lớp 1, 2, 3 thì  không cần thiết phải làm thêm bài tập ở nhà nhưng với học sinh lớp 4, lớp 5 thì cần phải truyền đạt lượng kiến thức lớn và những dạng bài phức tạp. Vì vậy, đối với những em tiếp thu chậm, nếu giao bài tập về nhà ở mức độ nhẹ nhàng thì sẽ không gây áp lực mà còn giúp phụ huynh theo dõi việc học hành của con em qua việc hướng dẫn ôn bài cũng như chuẩn bị bài vỡ cho ngày hôm sau.

Thầy Dương Hùng Tuấn, Hiệu trưởng trường tiểu học Nguyễn Minh Triết  nhìn nhận: “Trong trường, các em đã được cung cấp hết kiến thức cơ bản theo quy định. Tuy nhiên cũng tùy đối tượng, đối với học sinh lớp 1, 2 kiến thức chưa nhiều lắm nên không nhất thiết cho bài tập về nhà để làm thêm. Còn ở cuối tiểu học, mặc dù trên lớp đã học hai buổi nhưng có một bộ phận các em chưa nắm kịp, cần cho bài củng cố thêm, rèn kĩ năng mới nắm vững bài được”.

Tuy đánh giá thường xuyên bằng nhận xét nhưng cuối học kỳ 1, học kỳ 2 và cả năm, học sinh vẫn được đánh giá qua điểm số. Đặc biệt là khi học sinh học hết cấp tiểu học muốn vào trường THCS có yêu cầu sàng lọc học sinh đầu vào bằng điểm số. Phụ huynh có nhu cầu cho con vào các trường này cần thầy cô bồi dưỡng thêm kiến thức cho con, điều đó là chính đáng nên không thể cấm hoàn toàn cho bài tập về nhà. “Phụ huynh có nhu cầu muốn cho con vào trường THCS sàng lọc đầu vào nhưng không có thời gian và chuyên môn, cũng có những phụ huynh nhờ giáo viên giúp đỡ, kèm cặp, các em được ra những bài ngang sức, bài giỏi để các em ôn thi”, cô Đỗ Thị Yến, Hiệu trưởng trường tiểu học Phước Bình cho hay.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Trưởng Phòng giáo dục tiểu học (Sở GD- ĐT TPHCM) cho biết: những đổi mới được thực hiện trong năm học này nhằm giảm tải cho học sinh, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất từng em, khuyến khích học sinh ham học, thích đến trường. Tuy nhiên, thử thách của đổi mới không dễ, nó đòi hỏi mỗi giáo viên phải từ bỏ lối tư duy mòn cũ, thay đổi phương pháp giảng dạy và cần sâu sát học sinh hơn. Trong khi thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn, giáo viên trao đổi với các cấp quản lí để thực hiện tốt chuyên môn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần gần gũi và quan tâm việc học của con em hơn nữa, tránh áp lực lên học sinh hay khoán việc học của con cho nhà trường.

“Bộ GD-ĐT triển khai nhiều hoạt động trong năm học này nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường. Đối với học sinh được thầy cô nhận xét, hướng dẫn và giúp đỡ, các em khắc phục những điều mà các em cần phấn đấu rèn luyện. Đối với giáo viên, có thể hiểu được rõ học sinh của mình, từ đó có những giải pháp cụ thể giúp đỡ cho từng em hoàn thành việc học. Chúng tôi cũng mong rằng phụ huynh hằng ngày đón con sẽ không còn đặt vấn đề hôm nay con được mấy điểm mà sẽ quan tâm tìm hiểu con học được những gì là bổ ích đối với các em để có thể phát triển hết khả năng, năng lực, phẩm chất của học sinh”, ông Vinh cho biết thêm.

Muốn đổi mới có hiệu quả điều quan trọng trước tiên là cần thay đổi nếp nghĩ của đội ngũ giáo viên lẫn phụ huynh học sinh. Với người thầy phải vận dụng tư duy sáng tạo, còn với  phụ huynh học sinh nhất thiết phải quan tâm hơn nữa đến việc học của con em mình. Bên cạnh đó, để giảm tải thực sự cho học sinh, cần  đổi mới đồng bộ cách dạy học, cách đánh giá đi vào thực chất chứ không mang tính hình thức, chiếu lệ đối với học sinh.