Cẩn thận với sốt xuất huyết trong những tháng mùa mưa

Cục Y tế Dự phòng cho biết, 3 tháng đầu năm 2015, cả nước ghi nhận 8.320 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 40 tỉnh thành tập trung ở các tỉnh phía Nam, trong đó có 6 trường hợp tử vong.

Muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết (Ảnh: Soha)

Số bệnh nhân tăng từ 25-40% so với cùng kỳ năm trước và có chiều hướng gia tăng, nhất là trong những tháng mùa mưa.

Dịch có thể phức tạp

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút dengue gây ra. Bệnh có thể gây thành dịch do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Bệnh xảy ra ở tất cả các nước nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới.

Ở Việt Nam, bệnh xuất hiện tại các vùng miền, kể cả thành thị lẫn nông thôn. Do chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh nên sốt xuất huyết thường diễn tiến thành dịch lớn với nhiều ca mắc cùng lúc. Công tác điều trị sốt xuất huyết hết sức khó khăn và có thể gây tử vong nhất là với trẻ em.

Năm 2014, cả nước có 31.848 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 20 trường hợp tử vong; xử lý 5.480/5.588 ổ dịch. 

Đang là thời điểm mùa khô nhưng sốt xuất huyết đã lưu hành trên diện rộng. Theo nhận định của các chuyên gia y tế, thực trạng trên cho thấy vẫn còn tâm lý chủ quan trong công tác phòng chống dịch tại nhiều địa phương. Nếu không có những giải pháp xử lý triệt để, khi bước vào mùa mưa, sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp. 

Phải chủ động phòng ngừa

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có màu đen, thân và chân có những đốm trắng thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn thường trú đậu trong nhà, trên quần áo, chăn màn, dây phơi và các đồ dùng trong nhà và muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, nhất là vào sáng sớm và chiều tối.

Muỗi vằn đẻ trứng, sinh sản ở các ao tù, vũng nước đọng hoặc các dụng cụ chứa nước như bể nước, chum, vại, lu, khạp, giếng nước, hốc cây..., các đồ vật hoặc đồ phế thải có chứa nước như lọ hoa, bát kê chạn, lốp xe, vỏ dừa.

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo người dân nên chủ động phòng ngừa sốt xuất huyết bằng cách: vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát; phát quang bụi rậm quanh nhà, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy; rửa các dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ (lu, khạp…).

Bên cạnh đó, người dân cần thường xuyên thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...; dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.

Để phòng chống muỗi đốt, người dân cần mặc quần áo dài tay, ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày, dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...; dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.