Cần thực hiện ngay chính sách đãi ngộ cho nhà giáo

(VOH) - Nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo VN, sáng 8/11, Ban Tuyên giáo Thành Ủy TPHCM phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề “Người thầy - Nhân tố quan trọng trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo” nhằm phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc ta; khẳng định yếu tố quan trọng của người thầy và nâng cao vị thế của đội ngũ nhà giáo trong nhà trường và xã hội.

Người thầy là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của nền giáo dục. Ảnh minh họa: xaluan

Trong điều kiện hiện nay, đội ngũ nhà giáo đã và đang trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, từ mầm non đến sau đại học, đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước. Có thể nói, nhà giáo là linh hồn của nền giáo dục, hình thành và tạo nên nhân cách cho người học. Vậy điều gì đã trở thành động lực thúc đẩy người thầy luôn say mê trên bục giảng? Đó không phải là vì: lương cao, danh tiếng, hay chức vụ, công việc nhàn nhã… 50 năm gắn bó công tác trong ngành giáo dục, PGS.TS Nguyễn Tấn Phát - nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ đúc kết gói gọn trong mấy chữ, đó là: Tin - Yêu - Tinh thần trách nhiệm:

Khi chúng ta có một bài giảng giàu chất sáng tạo được học viên nhiệt tình hưởng ứng, khi chúng ta cùng đồng nghiệp trao đổi chuyên môn với tinh thần khoa học cầu thị, trung thực. Khi bước chân khỏi nhà, chúng ta gặp sự kính trọng của người đời và bao cựu sinh viên do mình đào tạo đã trưởng thành đang làm việc nhiều nơi… thì lúc ấy, chúng ta không thấy làm nhà giáo nhàm chán, buồn tẻ. Chúng ta mới nhận ra dưới dòng sông yên ả, phẳng lặng bề ngoài của trường học lại cuộn chảy bao sức mạnh của cuộc sống trẻ trung, đầy niềm tin, tình thầy trò, đồng nghiệp.

 Thế nhưng, động lực ấy, nhiệt huyết ấy đang bị đè nặng bởi nguồn thu nhập của nhà giáo không tương xứng. Trăn trở về đồng lương, phụ cấp một lần nữa lại dấy lên nỗi lo mai một thế hệ nhà giáo trẻ tương lai. Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng đã thử làm một phép so sánh về lương của một số ngành nghề trong một tháng: Ngân hàng hơn 7 triệu; Dược 7 triệu, Điện tử Viễn thông 5,5 triệu, giáo viên từ tiểu học đến THPT: từ 3 - 3,5 triệu, trong đó quá nửa giáo viên hưởng dưới mức này. Thử hỏi với đồng lương như thế này, nhà giáo sẽ sống ra sao?

Thử hỏi hiện nay lương nhận được từ trường đủ nuôi gia đình nhà giáo trong bao lâu? Một tuần, hai tuần hay ba tuần? Không sống được bằng lương Nhà nước, nhà giáo phải tự cứu lấy mình, trước hết bằng nghề chuyên môn của mình. Trong cuộc mưu sinh nhọc nhằn này, nhiều người giữ được phẩm chất không sa ngã, nhưng tiếc thay nhiều người không giữ được. Thế là, dạy thêm, học thêm bị xem là hành vi tiêu cực và bị làm khó. Và đó cũng là tâm tư của người đứng đầu ngành giáo dục thành phố, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo thành phố:

Mỗi người thầy không ai muốn ngoài giờ dạy và làm việc cả ngày trong trường lại phải tiếp tục xách cặp đi dạy thêm, nhưng cũng có nhiều người đã làm và đang làm, vì nhiều nguyên do khác nhau, nhưng chắc chắn không phải vì để làm giàu mà là cách vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ cao quý - nhà giáo.

Để phát triển đội ngũ nhà giáo, đảm đương sứ mệnh lịch sử, phải nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và thay đổi những chính sách dành cho giáo viên hiện nay. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng - Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Đào tạo - Dạy nghề, Ban Tuyên Giáo Trung ương, cần xây dựng và hoàn thiện một số chính sách, chế độ đối với đội ngũ nhà giáo, đặc biệt là chế độ lương bổng hợp lý:

Nghị quyết Trung ương 2 đề ra là lương của giáo viên được xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương của ngạch hành chính. Nhưng cho đến nay, ngành giáo dục và các nhà giáo luôn tha thiết mong mỏi Trung ương và toàn xã hội thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết. Đến nay, chế độ nhà giáo có được nâng lên về chế độ thâm niên, chế độ phụ cấp nhưng lương giáo viên thì chưa thực hiện.

Người thầy là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng của nền giáo dục, do vậy phải có đội ngũ nhà giáo có chất lượng để đáp ứng yêu cầu nâng chất giáo dục và nguồn nhân lực trong thời kì đổi mới. Bà Thân Thị Thư - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành Ủy TPHCM nhấn mạnh, muốn nâng chất đội ngũ nhà giáo thì rất cần chính sách bền vững cho người thầy yên tâm công tác:

Người học và xã hội luôn đặt niềm tin vào người thầy về năng lực cũng như về phẩm chất đạo đức. Thế nên, vượt qua những tác động của xã hội vào nhân cách của người thầy là đòi hỏi người thầy phải luôn luôn phấn đấu, phải luôn luôn rèn luyện, phải luôn luôn giữ gìn. Xã hội phải thấy được cuộc sống của người thầy, phải thấy được những khó khăn của người thầy trong giảng dạy, trong cuộc sống và phải phấn đấu vượt qua biết bao khó khăn, rất cần thiết phải có được chính sách bền vững cho người thầy.