Chất và lượng đều tăng

(VOH) - Theo lộ trình số hóa thì từ đầu năm 2016, 5 tỉnh thành phố sẽ tắt hoàn toàn sóng truyền hình tương tự (analog) chuyển sang truyền hình số mặt đất.

So với truyền hình analog, truyền hình số có ưu thế hơn về số lượng kênh và chất lượng hình ảnh cao. Tương lai, khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất khu vực được thành lập và tham gia vào thị trường truyền dẫn phát sóng, người dân ở một tỉnh không chỉ xem được kênh truyền hình của riêng tỉnh đó mà còn có thể xem được kênh truyền hình của các tỉnh khác trong khu vực.

Tuy nhiên, thực tế, sự mơ hồ của người dân về lộ trình số hóa truyền hình không phải là điều khó hiểu. Sau khi số hóa truyền hình, ngắt sóng analog các thuê bao truyền hình cáp có xem được không ? Sẽ bị ảnh hưởng những gì ? Sau khi xóa bỏ truyền hình analog thì người dân phải mua thêm thiết bị gì ? Họ có phải trả tiền để được xem không ? Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, phóng viên Đài TNND TPHCM trao đổi với ông Nguyễn Hà Yên – Phó Cục Trưởng Cục phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử:

Ảnh minh họa: VTC

* Thưa ông, nhiều người dân đang băn khoăn trước thông tin số hóa truyền hình và bỏ phát sóng analog. Ông cho biết khái quát nhất về truyền hình số là gì, analog là gì?

Ông Nguyễn Hà Yên: Nhà nước đang thực hiện chủ trương số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất để giới hạn phạm vi tuyên truyền đúng trọng tâm, trọng điểm. Như chúng ta đã biết, khi thu tín hiệu truyền hình analog (tương tự) mặt đất thì chất lượng hình ảnh, âm thanh không ổn định, sẽ bị suy giảm đáng kể khi mưa hoặc địa hình có vật cản không thể hướng thẳng anten về phía đài phát. Kết quả là tín hiệu truyền hình có thể bị muỗi, nhòe, có viền bóng ma. Còn với truyền hình số khi thực hiện số hóa phát sóng truyền hình mặt đất, yêu cầu người dân phải có thiết bị thu phù hợp. Có thể là máy thu hình kỹ thuật số hoặc đầu thu kỹ thuật số gắn với máy thu hình thông thường và có thể sử dụng anten thông thường để thu tín hiệu truyền hình kỹ thuật số. Điểm khác biệt của truyền hình kỹ thuật số mặt đất là với một kênh tần số dò được người dân có thể xem được 20 kênh chương trình chứ không phải là 1 kênh chương trình như trước đây. Điểm nổi bật là chất lượng hình ảnh, âm thanh ổn định không bị suy giảm khi thời tiết xấu như thu truyền hình analog (tương tự).

* Như vậy, khi chuyển từ analog sang kỹ thuật số thì người dân đang xem qua sóng analog, tức là xem qua ăng-ten giàn, có phải mua tivi mới, thay ăng-ten mới không ? Họ có phải trả tiền để xem “truyền hình số” không thưa ông?

Ông Nguyễn Hà Yên: Khi người dân chuyển qua xem truyền hình số mặt đất thì sẽ phải có thiết bị thu phù hợp là một ti vi kỹ thuật số hoặc là một đầu thu kỹ thuật số gắn với ti vi đã có. Với anten thì có thể sử dụng anten đã có hoặc cũng có thể xem xét để sử dụng những anten hiện đại hơn của các nhà cung cấp, tăng thêm khả năng linh hoạt khi có thể thu ngay trong phòng, trong căn hộ, trong nhà. Về nội dung thì trước đây người dân được xem các kênh truyền hình nào, được phát bởi các đài truyền hình nào thì khi chuyển sang số thì cũng sẽ được xem tối thiểu là những kênh chương trình đó bằng kỹ thuật mới, đó là kỹ thuật số. Đồng thời, Nhà nước khẳng định người dân sẽ không phải trả phí để xem các kênh chương trình mà người dân đang xem bằng kỹ thuật analog hiện nay.

* Còn những người đang xem truyền hình cáp và những đối tượng khác có bị ảnh hưởng không thưa ông?

Ông Nguyễn Hà Yên: Truyền hình cáp là dịch vụ trả tiền để đáp ứng nhu cầu tăng thêm của người dân. Nhà nước đã ban hành danh mục các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương và hiện nay chúng ta đang có 72 kênh trong danh mục này. Đối với truyền hình cáp, khi thực hiện hợp đồng đối với đơn vị cung cấp dịch vụ thì người dân sẽ được xem những kênh chương trình ngoài những kênh phục vụ nhiệm vụ chính trị. Như vậy, trong lộ trình số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất thì thuê bao những người sử dụng truyền hình cáp nói riêng và dịch vụ truyền hình nói chung là không bị ảnh hưởng.

* Vì sao phải chuyển đổi từ analog sang số ? Về phía nhà quản lý cũng như người dân sẽ được lợi ích gì và sẽ gặp khó khăn gì thưa ông?

Ông Nguyễn Hà Yên: Xét về công nghệ thì đây là một xu hướng không thể đảo ngược trên thế giới và hiện nay đã có trên 100 nước áp dụng toàn phần cũng như từng bước áp dụng kỹ thuật này.

Về quản lý, khi thực hiện chủ trương số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất sẽ làm cho cơ quan quản lý nhà nước có khả năng tái quy hoạch lại quỹ tài nguyên tần số theo hướng tiết kiệm, hiệu quả và đem lại cho người dân một chất lượng dịch vụ tốt hơn đối với truyền hình quảng bá cũng như là truyền hình trả tiền. Nngười dân được hưởng lợi là chất lượng tốt hơn khi thu qua hệ thống kỹ thuật số. Số lượng các kênh chương trình được tăng thêm, chưa kể là người dân xem được những kênh, chương trình trước đây chỉ phủ sóng vùng miền thì qua kỹ thuật số được nâng lên tính toàn quốc.

Về khó khăn, người dân cần nắm bắt thông tin để tự mình trang bị những thiết bị thu phù hợp. Điều này, phía Nhà nước cũng có chủ trương phổ biến, tuyên truyền cũng như có những chính sách trợ giúp về mặt thiết bị thu cho những hộ gia đình nghèo, chính sách.

* Khi thắc mắc về cách thức thu xem truyền hình số mặt đất thì người dân có thể liên hệ với cơ quan nào thưa ông?

Ông Nguyễn Hà Yên: Người dân có thể truy cập vào trang sohoatruyenhinh.vn để tìm hiểu những thông tin liên quan quan đến số hóa truyền hình tại Việt Nam. Chúng tôi có thông tin giải đáp thắc mắc trên các bộ câu hỏi và các câu trả lời hỗ trợ người dân khi sử dụng truyền hình số mặt đất.

Cảm ơn ông.