Đa dạng cơ hội cho học sinh trượt lớp 10 công lập

(VOH) - TPHCM có gần 13.000 học sinh (HS) không vào lớp 10 công lập nhưng có thể chọn những hướng đi khác vào các trường ngoài công lập, trường trung cấp chuyên nghiệp...

Thí sinh xem phòng thi lớp 10 tại THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: danviet

Năm học 2015-2016, gần 13.000 học sinh không vào được lớp 10 công lập. Tuy vậy, đối với những học sinh rớt lớp 10 công lập không cần lo lắng vì còn nhiều cánh cửa khác đảm bảo cơ hội học tập cũng như phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế của học sinh.

Năm nay, TP.HCM có gần 78.000 thí sinh  dự thi vào lớp 10, tổng chỉ tiêu tuyển sinh công lập là gần 65.000 chỉ tiêu. So với năm ngoái, chỉ tiêu lớp 10 công lập đã tăng thêm 3.000 chỉ tiêu, đạt tỉ lệ 80%. Ngay khi công bố điểm chuẩn, Sở GD-ĐT TP cũng như các trường trung học phổ thông đều không nhận đơn giải quyết việc xin đổi nguyện vọng để ngăn chặn tiêu cực chạy trường. Như vậy, gần 13.000 học sinh (HS) không vào lớp 10 công lập nhưng có thể chọn những hướng đi khác vào các trường ngoài công lập, trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và hệ giáo dục thường xuyên (GDTX). Đây là cơ hội rất rộng mở vì các trường THPT ngoài công lập tuyển hơn 20.000 chỉ tiêu, hệ giáo dục thường xuyên tuyển gần 9.000 chỉ tiêu và trường TCCN hơn 12.000 chỉ tiêu.

Hiện, toàn thành phố có gần 90 trường THPT ngoài công lập, trong những năm gần đây, các trường đã đầu tư cơ sở vật chất, chất lượng để thu hút tuyển sinh. Hầu hết các trường ngoài công lập tổ chức bán trú, nội trú thuận lợi cho gia đình không thể đưa đón con, ngoài ra trường ngoài công lập còn chủ động lựa chọn giáo viên giỏi, chú trọng giảng dạy đạo đức, kỹ năng, thể chất cho học sinh, có phương pháp giáo dục tích cực cho học sinh chậm tiến bộ. Cô Đỗ Thị Thanh Thiên, Hiệu trưởng trường THCS-THPT Ngôi Sao chia sẻ: “Học sinh được học trong môi trường có mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh gần gũi, thân thiện, ngoài giảng dạy, nhà trường cố gắng chăm sóc, nuôi dưỡng học sinh tỉ mỉ. Trường có mặt bằng công nghệ thông tin cao nên dạy học theo dự án nhiều để học sinh say mê theo đuổi”.

Tuy nhiên, mức học phí ở các trường ngoài công lập là băn khoăn của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hoặc các em không đủ sức học văn hóa thì học nghề là con đường phù hợp nhất. Hiện nay, các trường TCCN đều không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển học bạ THCS, học sinh được miễn giảm 50% học phí, được hưởng chính sách vay vốn học tập. Học sinh tốt nghiệp THCS có có thể lựa chọn ngành cơ khí, điện lạnh, điện công nghiệp, xây dựng mà hiện nay thành phố đang cần. Nhiều trường TCCN liên kết với các Trung tâm giáo dục thường xuyên để vừa dạy nghề vừa dạy văn hóa cho học sinh. Sau 3,5 năm theo học TCCN, học sinh vừa được cấp bằng TCCN vừa được cấp bằng tú tài để có thể đi làm ngay hoặc tiếp tục thi tuyển ĐH - CĐ. Ông Trần Ngọc Trình, Hiệu trưởng trường trung cấp kỹ thuật và nghiệp vụ Nam Sài Gòn cho biết: “Nộp hồ sơ kéo dài đến tháng 9-10, học sinh tốt nghiệp THCS đi vào ngành kỹ thuật, tin học. Trường trung cấp chuyên nghiệp vẫn đào tạo văn hóa nhưng được rút gọn so với phổ thông”.

Thêm một lựa chọn khác dành cho học sinh là hệ GDTX. Trong những năm gần đây, nhiều trung tâm GDTX được xây mới như quận 3, quận 7, quận Tân Phú, quận Phú Nhuận... các trường này cũng đã được đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhiều trường có chất lượng không thua các trường phổ thông, học phí 180.000 đồng/tháng. Chương trình hệ giáo dục thường xuyên giống hệ phổ thông nhưng nhẹ nhàng hơn, chỉ học 7 môn là Toán, Văn, Lý, Hóa, Sử, Địa, Sinh. Tuy môn Anh văn ở hệ bổ túc là môn học nhiệm ý (không tham gia đánh giá điểm cuối kì) nhưng trường tổ chức CLB tiếng Anh để học sinh nâng cao năng lực ngoại ngữ. “Khi đầu tư cơ sở vật chất thu hút được đầu vào cũng như đội ngũ giáo viên, GDTX chỉ học 7 môn, môn Ngoại ngữ không tham gia đánh giá điểm cuối kì nhưng việc thành lập CLB ngoại ngữ đào tạo kỹ năng cho các em vẫn ra đời”, ông Võ Ngọc Sơn, Giám đốc Trung tâm GDTX Quận 3 đánh giá.

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: các trường đều cung cấp thông tin cho học sinh hoàn thành chương trình bậc THCS để phân luồng theo khả năng, trình độ học tập của học sinh. “Tuyển sinh vào lớp 10 công lập của TP.HCM tuy số lượng thí sinh dự thi tăng so với năm trước nhưng vẫn đảm bảo tỷ lệ tuyển sinh vào lớp 10 công lập đạt 80%, tỉ lệ 20% học sinh còn lại thì các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung tâm giáo dục thường xuyên, trường THPT ngoài công lập sẵn sàng chào đón các em với hình thức xét tuyển, đặc biệt tôi khuyên các em nên vào trường trung cấp chuyên nghiệp vì ở đó các em sẽ được học văn hóa, học nghề, có điều kiện cống hiến và lo cho cuộc sống bản thân cũng như các em có điều kiện thực tiễn để trở thành kỹ sư lành nghề”, ông Đạt gợi mở.

Năm nay đề thi THPT quốc gia cũng như bằng tốt nghiệp THPT không phân biệt học sinh theo học hệ phổ thông hay GDTX. Do vậy, gia đình và học sinh cần lựa chọn cho mình chương trình học phù hợp với điều kiện tài chính của gia đình, năng lực bản thân. Với những cơ hội trên, học sinh chọn con đường TCCN hoặc giáo dục thường xuyên vẫn nhẹ gánh cho gia đình và đảm bảo cơ hội đi suốt con đường học vấn.