Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông

(VOH) - Tại hội thảo khoa học “Dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông” do trường ĐH Sư phạm TPHCM tổ chức vào ngày 25/4, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục đã phác thảo nhiều mô hình, chương trình Ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết trình bày mô hình sách giáo khoa tiểu học tương lai. Ảnh: GDTĐ

Bàn về triển vọng và thách thức của sự thay đổi này, PGS.TS Nguyễn Thành Thi, Trưởng Khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng, đó là việc xây dựng một hệ thống chuẩn kiến thức, độ phức tạp tăng dần từ lớp 1 đến lớp 12 với ba bậc học rạch ròi. Chưa hết, sự đồng bộ giữa các bộ môn, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị để ứng dụng phương pháp dạy học, đánh giá mới phù hợp với chương trình, sách giáo khoa mới… cũng là những khó khăn phía trước.

Trong khi đó, nhiều ý kiến cho rằng, chương trình sách giáo khoa mới phải tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ, vượt qua sức ì của thói quen, tiến tới học thật, thi thật, đánh giá đúng năng lực, phẩm chất và phát huy tính sáng tạo của người học. PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT nhấn mạnh: “Cuối cùng, tiểu ban xây dựng của chương trình sách giáo khoa Ngữ văn của Bộ sắp tới sẽ xác định mục tiêu, nhưng chúng tôi cho rằng định hướng là lần này chúng ta phải chuyển đổi một cách căn bản từ chương trình chạy theo nội dung sang phát triển phẩm chất, giáo dục năng lực. Vì vậy, nó chi phối việc nhất thiết môn Ngữ văn phát triển năng lực ở đây là năng lực gì, cái đó cần phải trao đổi để xác định. Để phát triển năng lực thì môn Ngữ văn phải hướng đến việc xây dựng và thay đổi như thế nào. Thế thì, câu chữ của mục tiêu có thể thay đổi, nhưng dứt khoát định hướng chung sẽ là môn Ngữ văn phải thay đổi theo hướng nhằm phát triển năng lực và phẩm chất người học, chứ không phải chạy theo nội dung hay biết nhiều thứ”.

Việc đổi mới cách dạy học ngữ văn cũng đã được các đại biểu cụ thể hoá bằng những phác thảo cơ bản, như mô hình sách giáo khoa tiểu học tương lai của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết; mô hình sách giáo khoa ngữ văn cấp THCS sau năm 2015 của TS Trần Thanh Bình hay Đào tạo thạc sĩ phương pháp dạy học ngữ văn của PGS.TS Nguyễn Văn Tứ…