Để chó không… phản chủ

(VOH) – Chó là một loài vật trung thành tại sao lại quay lại cắn chủ? Nếu trước khi nuôi, bạn tìm hiểu kĩ về loài chó và khi nuôi chịu khó huấn luyện đúng cách thì sẽ không gặp phải tình huống trớ trêu "chó phản chủ".

Trẻ em thích chơi đùa với những chú chó thân thiện nhưng điều này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ (Ảnh: LH)

Theo huấn luyện viên Phan Thanh Long – Trung tâm huấn luyện chó PDS, người nuôi cần nhắc kĩ 3 điều kiện.

Cần điều kiện kinh tế

Một con chó giống tốt, thuần chủng mới thông minh, dễ nuôi dạy hơn khi các thông tin về tập tính, sinh trưởng đã được nghiên cứu kĩ và đăng tải rộng rãi. Với những giống chó tuần chủng nhập từ nước ngoài sức khỏe chúng cũng đảm bảo hơn khi luôn có lý lịch cụ thể, giấy chứng nhận, sổ sức khoẻ ghi rõ các loại vắc xin phòng dịch, thuốc tẩy giun sán đã sử dụng.

Tuy nhiên, một con chó giống tốt không hề rẻ khi giá có thể từ vài triệu tới vài chục triệu đồng.

Đó là chưa kể tới việc người nuôi phải đầu tư tiền thức ăn, đồ chơi cho chó, tiêm ngừa đều đặn và đưa chó đi bệnh viện khi cần... Thực tế, các khoản dịch vụ dành cho chó hiện nay không rẻ. Tùy nơi, chi phí này có thể lên tới trên 500.000 đồng/lần khám bệnh, hay từ 2 - 2.5 triệu đồng mỗi lần đưa chó đi spa làm đẹp.

Nếu chưa sẵn sàng chi cho những khoản này, hãy khoan nuôi chó.

Hiểu rõ về giống chó mới nuôi dạy tốt

Theo huấn luyện viên Phan Thanh Long, người chủ nên nuôi từ khi chó còn nhỏ, tốt nhất là từ 1,5 đến không quá 4 tháng tuổi, như vậy chó sẽ dễ dạy hơn.

Thứ hai, phải am hiểu về giống chó mình sẽ nuôi, tập tính hoạt động nhiều hay ít, chó hiền lành hay năng động, chó cảnh hay bảo vệ, từ đó mới có thể chăm sóc tốt.

Anh Long khuyên, đối với phụ nữ, sống trong không gian nhỏ, cần sạch sẽ và muốn có một con chó để bầu bạn, thỉnh thoảng chở đi chơi thì nên chọn loại chó nhỏ, hiền lành, sạch sẽ như Poodle, Pomeranian, Boston Terrier, Havanese, Chihuahua, Beagle…

Nếu nhà có không gian rộng, có sân vườn, hồ bơi, cần có con chó để vui đùa với trẻ em thì nên chọn những giống chó lớn, hiền lành như Golden Retriever, Labrador, Collie… Đây là các giống chó có đặc tính thân thiện, an toàn với trẻ.

Những gia đình có sân vườn rộng, muốn nuôi chó để bảo vệ nên nuôi các giống chó mạnh mẽ như Becgie, Rottweiler, Doberman… Tuy nhiên, theo khuyến cáo, không nên nuôi quá 2 con chó dữ và phải nuôi những con chó cùng giống.

Với các loài chó dữ, người nuôi cần xích chó cẩn thận khi đưa ra ngoài (Ảnh: snjtoday)

Người nuôi cũng cần trang bị kiến thức chăm sóc, ăn uống đủ chất, thời điểm cần tẩy giun, diệt rận, chích ngừa, cách huấn luyện phù hợp... để cho chó khỏe mạnh và biết nghe lời.

Đặc biệt, với các loại chó dữ, nếu nuôi dạy không đúng cách, chó sẽ trở nên nguy hiểm, có thể tấn công chủ và người dân xung quanh.

Có nhiều thời gian hãy nuôi chó

Nếu bạn là người quá bận rộn thì không nên nuôi chó. Bởi theo chuyên gia, để chó phát triển tốt, người nuôi cần nhiều thời gian chăm sóc, tắm rửa, chơi đùa, dạy dỗ chó.

Tại các thành phố lớn, nhà cửa san sát, không có chỗ chơi, người chủ cần phải dẫn chó đi chơi, vận động nhiều vì nếu bị giam hãm lâu, chó có thể hiếu động thái quá, sủa nhiều hoặc hành động tiêu cực.

Việc chủ tiếp xúc nhiều với chó, dành tình cảm yêu thương như trong gia đình, dạy chó như dạy một đứa trẻ (không được cắn đồ đạc, không ngồi sai vị trí, đi vệ sinh đúng chỗ…) còn giúp chủ và chó trở nên gần gũi hơn.

Để chó giỏi giang, người chủ có thể đưa chó tới các trung tâm huấn luyện chó nhưng nếu có thời gian người chủ có thể tự dạy theo những thông tin, kỹ năng dạy chó đăng tải trên internet.

Chó cũng là một loài thú, vốn sống theo bầy đàn, vì vậy theo khuyến cáo của huấn luyện viên Phan Thanh Long là nếu nuôi chó dữ, người chủ phải có bản lĩnh khi tiếp xúc với chó, dạy chó phải quy định thưởng phạt rõ ràng để chó hiểu chủ là "con đầu đàn" và chúng là con vật có địa vị thập nhất trong nhà. Như vậy chó sẽ không có hành động quá trớn hoặc hỗn hào.

* Một số quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ của người nuôi chó:

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì người nuôi chó có các trách nhiệm sau đây:

a) Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa) tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với Trưởng thôn, Trưởng ấp hoặc Tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình Ủy ban nhân dân xã, phường cấp sổ quản lý chó (Sổ quản lý chó phải ghi rõ ngày, tháng, năm sinh; loài, giống, tính biệt, màu lông; ngày gia đình bắt đầu nuôi, thời gian tiêm phòng các loại vắc xin, số lô).

b) Phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y;

c) Phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, phố làm mất vệ sinh nơi công cộng;

d) Thường xuyên thực hiện vệ sinh chuồng nuôi.

 

* Một số quy định về xử lý người nuôi chó vi phạm quy định:

Theo Điều 625 Bộ luật Dân sự thì “Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác; nếu người bị thiệt hại hoàn toàn có lỗi trong việc làm súc vật gây thiệt hại cho mình thì chủ sở hữu không phải bồi thường”. Nếu hai bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì người bị thiệt hại có thể khởi kiện người chủ vật nuôi ra tòa án để được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không có rọ mõm (đối với con dữ) thì theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ thì người nuôi chó có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.

Để việc nuôi chó được an toàn, không gây thiệt hại cho người khác, ngoài việc người chủ vật nuôi phải tự giác chấp hành các quy định của pháp luật thì mọi người đều có quyền yêu cầu người chủ vật nuôi chấm dứt vi phạm.

Trường hợp người nuôi chó đã được nhắc nhở mà vẫn tiếp tục vi phạm thì mọi người có quyền thông báo cho trưởng thôn, trưởng ấp hoặc tổ trưởng dân phố (nếu ở chung cư thì có thể đề nghị Ban quản lý khu chung cư) hoặc đề nghị trực tiếp với UBND xã, phường sở tại để được giải quyết.

Căn cứ mức độ vi phạm mà Ủy ban sẽ xử lý từ cảnh cáo đến phạt tiền và buộc người chủ vật nuôi phải có biện pháp khắc phục.