Đề thi đại học 2014: Tiếp tục ra theo hướng mở

(VOH) - Với những hiệu ứng xã hội tích cực từ đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 vừa qua, đề thi ĐH-CĐ sắp tới dự kiến sẽ tiếp tục có những đổi mới theo hướng mở, nhằm phản ánh khách quan trình độ, hạn chế học vẹt và phát huy tính sáng tạo của thí sinh. Bên cạnh đó, từ những cải tiến đầu tiên ở hai kỳ thi quan trọng năm nay, ngành giáo dục đang hướng đến xây dựng một kỳ thi chung nhẹ nhàng, đỡ tốn kém và giảm tải áp lực xã hội. Liên quan đến công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy cùng với những gợi mở về xu hướng ra đề thi ĐH-CĐ năm 2014, phóng viên Đài TNND TPHCM đã có cuộc trao đổi với GS.TS Khoa học Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.


Đề thi ĐH-CĐ sắp tới dự kiến sẽ tiếp tục có những đổi mới theo hướng mở, nhằm phản ánh khách quan trình độ, hạn chế học vẹt và phát huy tính sáng tạo của thí sinh. (ảnh minh họa: KTS)

*  Thưa ông, đến thời điểm hiện tại, việc thanh, kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại các cụm thi đã được tiến hành như thế nào, ông có đánh giá gì về công tác chuẩn bị của các trường?

 

GS.TS Khoa học Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (ảnh: petrotime)

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Tới thời điểm này tất cả công tác chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2014 hệ chính quy cơ bản đã hoàn tất. Vừa rồi, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra các cụm thi quốc gia ở Hải Phòng, Quy Nhơn, Cần Thơ cho thấy đã sẵn sàng, phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Còn các hội đồng thi của các trường cũng đã hoàn tất công tác chuẩn bị về phòng thi. Ban đề thi của Bộ cũng đã triển khai nhiệm vụ để kịp làm đề thi cho đợt 1.

 

* Thưa ông, về đề thi năm 2014 sẽ có những cải tiến như thế nào, nhất là trong bối cảnh đề thi tốt nghiệp THPT vừa qua được dư luận xã hội đánh giá cao với nhiều sự đổi mới?

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Về đề thi năm 2014 này sẽ thừa kế những kinh nghiệm tốt mà chúng ta đạt được trong những năm qua, đặc biệt là kinh nghiệm từ đề thi tốt nghiệp THPT vừa rồi. Tất cả kinh nghiệm như: đề thi mở, không bắt buộc thí sinh phải học thuộc bài, những đề thi mang tính ứng dụng cao không yêu cầu học sinh nhớ một cách máy móc, nhiều hướng gợi mở giúp học sinh phát huy năng lực và sự suy luận của mình…..đó là những kiểu đề thi sẽ được áp dụng trong kỳ thi này. Vì vậy, trên cơ sở đó thí sinh chuẩn bị cho mình cách làm bài phù hợp.

 

* Thưa ông, mặc dù năm nay có nhiều trường có đề án tuyển sinh riêng, tuy nhiên vẫn trên cơ sở dựa vào kỳ thi ba chung của Bộ. Vậy, kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2014 do Bộ tổ chức năm nay có gì khác mọi năm?

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Ngoài việc đổi mới cho phép các trường tuyển sinh riêng, năm nay Bộ điều chỉnh chế độ ưu tiên khu vực, ưu tiên theo đối tượng để đảm bảo sự công bằng cho thí sinh ở các vùng miền. Ngoài ra, Bộ cũng thông báo về việc đổi mới cách xác định điểm sàn, tức là xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào.

 

* Liên quan đến đề án tuyển sinh riêng của các trường, năm nay một số trường đối với đề án tuyển sinh riêng của một số trường vừa có hình thức thi, xét tuyển kết hợp với phỏng vấn. Vậy, Bộ giám sát việc thực hiện các khâu này đối với các trường như thế nào?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Một trong những tiêu chí mà Bộ yêu cầu các trường, đó là phải xác định ngưỡng chất lượng đầu vào, ví dụ như xác định điểm trung bình ở bậc phổ thông thì hầu hết không có trường nào xác định ngưỡng dưới 6 điểm, cao đẳng không dưới 5,5 điểm. Các trường phải xét thí sinh từ cao xuống thấp, theo ngưỡng mà trường đã công bố. Sau khi các trường tuyển sinh riêng xong, Bộ sẽ lập các đoàn kiểm tra để kiểm tra việc thực hiện cam kết của các trường, nếu vi phạm những điều trong đề án sẽ bị xử lý.

 

 * Để thay thế điểm sàn đã duy trì từ rất lâu, năm nay lần đầu tiên Bộ đưa ra nhiều mức điểm xét tuyển đầu vào khác nhau, cộng với việc cho phép các trường nhân đôi hệ số môn chính, điều này sẽ có ảnh hưởng gì đến nguồn tuyển và chất lượng đầu vào của các trường năm nay, thưa ông?

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay Bộ đổi mới việc xác định điểm sàn, thay vì có một mức điểm sàn như trước đây, Bộ sẽ chia ra nhiều ngưỡng chất lượng để các trường xét tuyển. Các trường tuỳ theo uy tín, chất lượng, khả năng thu hút thí sinh của mình mà chọn ngưỡng xét tuyển cho phù hợp. Với nhà trường, thí sinh đều có lợi, xã hội cũng biết được ngưỡng chất lượng của các trường.

Mặt khác, năm nay Bộ cho phép các trường nhân đôi hệ số môn chính. Trước đây, khi chưa có quy định này thì nhiều trường cũng đã nhân đôi hệ số môn chính đối với các môn năng khiếu, ngoại ngữ….tuy nhiên chỉ nhân hệ số khi điểm trên điểm sàn. Vì vậy, có nhiều em có kết quả thi điểm môn chính rất cao, nhưng tổng điểm 3 môn dưới điểm sàn cũng không được xét tuyển. Năm nay, các trường được phép nhân đôi hệ số môn chính, kể cả những em có tổng điểm dưới ngưỡng tối thiểu, với điều kiện điểm bình quân sau khi nhân hệ số không được thấp hơn điểm bình quân của ngưỡng tối thiểu. Như vậy, dù các em có tổng điểm 3 môn thấp, nhưng điểm môn chính cao thì vẫn có cơ hội trúng tuyển. Vì vậy, sẽ mở rộng diện xét tuyển, tạo nhiều cơ hội cho các em có năng lực thật sự đối với những em có môn chính phù hợp với ngành nghề để các em có khả năng trúng tuyển.

 

* Thưa ông, với những đổi mới ở kỳ thi năm nay, việc tiến tới 1 kỳ thi chung được Bộ quan tâm trong thời gian tới như thế nào?

 

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Trên tinh thần kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy, kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ cải tiến để tiệm cận với việc sau này chỉ có một kỳ thi nhưng hai mục đích: vừa đánh giá kết quả học tập phổ thông, trong kỳ thi đó cũng tạo số liệu để các trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Trên kế hoạch đổi mới công tác tuyển sinh, cuối năm nay Bộ sẽ công bố đổi mới cách thức tổ chức kỳ thi cho phù hợp với chủ trương đổi mới này.

 

* Xin cám ơn ông!