Đô thị Đại học: phải là TP trí thức đúng nghĩa

(VOH) - Đô thị Đại học (ĐH) là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Việc hình thành các khu đô thị ĐH sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho TP như cải thiện tình trạng giao thông, giảm áp lực các dịch vụ công cộng... Quan trọng nhất, đó là chất lượng giáo dục ngày càng cao cùng với việc đầu tư trọng điểm, hiệu quả và tiết kiệm về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, khai thác dịch vụ, đặc biệt là môi trường sống mang tính văn hóa và giáo dục cao. Có thể gọi đây là các TP đại học, TP trí thức trong tương lai- như nhiều nước phát triển đã làm...

Những TP đại học này đang dần hình thành rõ nét tại TPHCM, đặc biệt tập trung ở các cửa ngõ của TP như: phía Tây bắc, khu vực Đông Bắc, khu vực Nam SG, phía Tây nam giáp với Long An. Thế nhưng, hiện tượng các trường tự bung ra ngoại thành mới chỉ ở dạng tự phát. Trong số đó, mô hình khu đô thị ĐHQG TPHCM là có tiềm năng và khả năng hứa hẹn sự thành công lớn nhất. Mô hình khu đô thị ĐHQG TPHCM bao gồm 8 trường thành viên ĐHQG và ĐH Việt Đức, ĐH Nông Lâm, ĐH An Ninh, các viện nghiên cứu….

Ở khu Tây Bắc TP, khu đô thị ĐH quốc tế do tập đoàn Berjaya, Malaysia đầu tư với diện tích 930 ha, tổng vốn đầu tư là 3,5 tỷ đô la. Trong đó dành riêng 300 ha để mời gọi các trường ĐH nước ngoài vào đầu tư. Đây là khu đô thị ĐH quốc tế được UBND TP cấp giấy phép đầu tư năm 2008. Hiện đã được duyệt quy hoạch 1:2000. Trong tháng 10 qua, Berjaya đã chuyển 1 triệu đô la để giải quyết đền bù, dự kiến tháng 11 này sẽ chuyển tiếp 4 triệu đô nữa để phục vụ cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, thực hiện kế hoạch di dời các trường ĐH, trong tương lai sẽ có rất nhiều trường chuyển ra khu đô thị Tây Bắc TP. Ông Huỳnh Minh Cường, phó ban quản lý khu đô thị Tây Bắc TP cho biết, hiện đã dành quỹ đất cho các trường di dời, khoảng 250 ha cho các trường ĐH công lập, đã có một số ứng viên đăng ký như: ĐH Y Dược, ĐH Sư Phạm, ĐH Mở, ĐH Công Nghiệp…130 ha khác cũng ưu tiên cho các trường ngoài công lập có nhu cầu, hiện  đồ án đã quy hoạch đến 1:2000 đang trình UBND TP phê duyệt. Ngoài ra, khu này còn dành khoảng 50 ha cho các trường CĐ, TCCN.

Với quy mô rộng lớn như trên, các cơ sở hạ tầng về: khu thể thao, vui chơi, bệnh viện, KTX, nhà ở giáo viên…được đầu tư xây dựng tập trung để tiết kiệm chi phí đầu tư và nâng chất lượng phục vụ cho tất cả các trường.  Trong quy hoạch của ĐH Y Dược, dự kiến sẽ xây dựng bệnh viện đa khoa với sức chứa 2 ngàn giường bệnh phục vụ cho toàn bộ khu vực miền Đông, miền Tây Nam Bộ, giảm áp lực cho các bệnh viện nội thành. Những kết quả này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho chất lượng đào tạo của sinh viên VN, ông Cường nói:

GS Trần Hồng Quân, chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH và CĐ ngoài công lập cho hay, dự án khu ĐH tập trung ở Long An (thuộc xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc) cách trung tâm TP khoảng 18 km, quy mô 210 ha. Đây sẽ là nơi tập trung các trường ĐH ở TPHCM và Long An, trong đó có cả các trường mới thành lập, trường ĐH ở nước ngoài mong muốn đầu tư tại VN:

Tuy nhiên, do vướng mắc về đất đai, bởi đất dành cho giáo dục phải đảm bảo “đất sạch” nên dự án có chậm so với dự kiến ban đầu. Hiện công tác đền bù, giải tỏa đang được tiến hành, mong muốn của hiệp hội trong vòng 2 năm tới, khi cơ sở hạ tầng xong xuôi sẽ tiến hành đầu tư thứ cấp, kêu gọi các nhà đầu tư.Tương tư, nhiều trường cũng cho rằng, hiện nay khó khăn lớn nhất của các trường là vướng công tác đền bù giải tỏa, nhất là khâu huy động vốn đền bù. Đa số các trường có nhiều cơ sở, do đó vấn đề giao lại đất hay bán một số cơ sở vẫn chưa được thống nhất, nên một số trường chưa thể huy động vốn kịp để đầu tư ra ngoại thành, đành “lực bất tòng tâm”. Đơn cử, trường ĐH Văn Hiến đã được giao diện tích đất gần 6 ha ở khu vực Nam SG từ năm 2007, thế nhưng cho đến thời điểm này vẫn chưa thể đền bù, giải tỏa được mét đất nào. Ông Nguyễn Mộng Hùng, hiệu trưởng trường ĐH Văn Hiến bức xúc:

Ý tưởng xây dựng khu đô thị ĐH là ý tưởng hiện đại của một số nước trên thế giới. Theo PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, trưởng bộ môn đô thị học và quản lý đô thị, Trường ĐH KHXH&NV TPHCM, khái niệm đô thị ĐH, hay TP sinh viên, TP trí thức là một không gian mở, trong đó hội đủ các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiện đại nhưng vẫn bảo đảm tiêu chí thân thiện phù hợp môi trường giáo dục. Các trường ĐH phải liên thông với nhau, từ hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục và đào tạo. Trong môi trường học thuật đó, SV không chỉ học tập, nghiên cứu mà còn làm việc, rèn luyện và hoàn thiện kỹ năng sống. Đề cập xung quanh vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Minh Hòa cho rằng:

 Mới đây, UBND TP đã yêu cầu các sở, ngành khẩn trương lập đề án di dời các trường ĐH, CĐ ở khu vực trung tâm ra các khu quy hoạch tập trung tại các cửa ngõ TP theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trước mắt, cần tập trung ưu tiên di dời các trường ĐH, CĐ công lập vào khu vực quy hoạch xây dựng trường ĐH, CĐ tại khu đô thị Tây Bắc TP. Cũng theo GS Trần Hồng Quân, để đô thị ĐH trở thành một thành phố ĐH đúng nghĩa, chúng ta cần phải có tư duy về đô thị ĐH, học tập kinh nghiệm từ các đô thị ĐH nổi tiếng trên thế giới, thấy được hiệu quả đầu tư của các nước để tăng thêm quyết tâm xây dựng khu đô thị ĐH tại VN.