Đổi mới giáo dục toàn diện cần bắt đầu từ nhận thức

(VOH) - Phải thay đổi nhận thức mới có thể nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đó là nội dung chính được các chuyên gia khẳng định trong hội thảo khoa học quốc gia “Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở trường phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục” diễn ra sáng nay (21/6).

Theo cách hiểu trước đây, giáo dục toàn diện là giáo dục trên tất cả lĩnh vực, thông qua kết cấu gồm nhiều môn học. Cách hiểu này đã dẫn đến tình trạng nặng nề, quá tải đối với học sinh.

Các môn học lại thường chú trọng kiến thức mà ít hướng đến hình thành năng lực. Cụ thể, với mục tiêu giáo dục đạo đức, cách dạy hiện nay chủ yếu lý thuyết mà chưa xây dựng thành kỹ năng, thói quen ứng xử.

Để xây dựng các chuẩn mực đạo đức, cần phải thay đổi nội dung dạy học đạo đức. Trước hết, phải dạy cho các em cách ứng xử với bản thân, với người xung quanh và với môi trường thiên nhiên.

Ông Ngô Xuân Đông, Trưởng phòng Giáo dục đào tạo quận 7, đề nghị:  “Nội dung thay đổi thì hình thức truyền đạt cũng phải thay đổi. Nếu chúng ta chỉ đưa ra các khái niệm thế nào là lễ phép, thế nào là lễ độ, các em có thể học và trả bài cho thầy cô cả trang giấy không vấn đề gì. Nhưng các em không thực hiện được, không trở thành thói quen và không thể nâng lên thành bản chất, nhận thức và nhân cách của các em sau này”.

Giáo dục hiện còn nhiều bất cập như: quá chú trọng phát triển con người xã hội, có nét đặc trưng của truyền thống dân tộc, của mỗi thời kỳ phát triển đất nước mà lại thiếu chú ý đầu tư phát triển cá nhân với phẩm chất riêng, thế mạnh của từng người.

Trong khi đó, để phát triển xã hội lại cần phải dựa vào sự phát triển tiềm năng riêng của con người. Vì vậy, theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cần xây dựng lại kết cấu chương trình học, làm sao phát huy được sở trường, năng khiếu của từng học sinh.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM

“Chúng ta làm sao để học sinh phát huy hết các sở trường, năng khiếu. Đó mới là định hướng của giáo dục toàn diện, chứ không phải tất cả các môn học, thời lượng đều như nhau.

Giáo dục toàn diện đảm bảo học sinh được học những điều mà các em yêu thích. Bản thân các em yêu thích thì có nhiều một chút, các em cũng không thấy nặng, còn môn học mà các em không thích hoặc không gắn với định hướng nghề nghiệp thì cho dù được dạy, các em cũng không yêu thích và cảm thấy nặng nề, mang tính đối phó” - ông Hiếu nhận định.

Để thực hiện giáo dục toàn diện học sinh, với mục tiêu “phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân; yêu gia đình, yêu tổ quốc, đồng bào; sống tốt và làm việc có hiệu quả”, trước hết cần thay đổi nhận thức của những người quản lý, giáo dục cũng như những văn bản pháp luật về giáo dục không còn phù hợp. Đặc biệt, cần rút ngắn khoảng cách giữa người dạy và người học, có sự gần gũi, thoải mái, trao đổi thông tin để các em tự tin tìm đến kiến thức.

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, ĐHSP TPHCM, cần đổi mới quan điểm giáo dục toàn diện trong cả quá trình giáo dục, từ chương trình học, kiểm tra đánh giá và phải xuất phát từ chính người học.

PGS.TS Ngô Minh Oanh, khẳng định: “Thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện thành công là góp phần thực hiện thành công công cuộc đổi mới giáo dục, cung cấp nguồn nhân lực, đáp ứng sự nghiệp phát triển, kinh tế xã hội của đất nước. Do đó, rất cần sự thay đổi nhận thức và hành động của mỗi thầy cô giáo, cán bộ quản lý. Việc đổi mới giáo dục toàn diện đòi hỏi phải đổi mới đồng bộ các thành tố cơ bản của giáo dục, từ mục tiêu, nội dung, phương pháp giáo dục, đến kiểm tra đánh giá và cả quá trình tổ chức giáo dục ở nhà trường phổ thông”

Đất nước đang bước vào giai đoạn hội nhập sâu rộng, giáo dục toàn diện học sinh cũng cần phải có những đổi mới để thích ứng. Có như vậy, giáo dục mới tạo ra được những con người hội nhập, những công dân quốc tế vừa có tri thức vừa có năng lực sống và làm việc trong bối cảnh toàn cầu hoá.