Dự thảo quy định về dạy thêm học thêm: “Đóng cửa trước – Mở cửa sau”

(VOH) - Bộ GD-ĐT đang xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm nhằm đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào nề nếp và tránh tình trạng học sinh bị bắt ép đi học thêm. Trong dự thảo có nêu rõ, không dạy thêm, học thêm cho học sinh tiểu học, học sinh học 2 buổi/ngày, giáo viên hưởng lương ở các trường công lập không được tổ chức dạy thêm học thêm… Nhưng bên cạnh những quy định cấm lại đi kèm với những điều khoản theo kiểu "đóng cửa trước, mở cửa sau".
 Bên cạnh những quy định cấm lại đi kèm với những điều khoản theo kiểu "đóng cửa trước, mở cửa sau". (ảnh: TNO)

Dự thảo quy định không dạy thêm với học sinh tiểu học nhưng khoản cấm này lại trừ ra những trường hợp giáo viên nhận quản lý học sinh ngoài giờ học theo yêu cầu của gia đình; phụ đạo cho những học sinh học lực yếu, kém; bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống. Thực tế thì phụ huynh khó có thể từ chối lời gợi ý cho con đi học thêm của giáo viên, bởi nếu không cho con học thêm sẽ bị giáo viên than phiền và có thể điểm ở trường không cao. Chị Thanh Mai, PHHS một trường tiểu học Q.Gò Vấp đều đặn mỗi tuần ba buổi đưa con trai mới vào lớp 1 đến học thêm tại nhà cô giáo ngay sau giờ tan học buổi chiều ở trường. Bởi lẽ cô giáo than phiền con của chị cầm bút chưa được, viết chậm, tính chưa sõi… như thế thì không thể theo kịp các bạn. Chị than thở: rút kinh nghiệm không cho con đi học trước lớp một, giờ cũng đành cho con đi học thêm để khỏi mất lòng cô:



Với các cấp học khác, dự thảo quy định không dạy thêm với những học sinh đã được học 2 buổi/ngày. Ngoài ra, giáo viên thuộc các cơ sở giáo dục đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường. Tuy nhiên quy định cấm này hoàn toàn được tháo gỡ bởi điều khoản: Học sinh muốn học thêm phải tự tay làm đơn và cha mẹ (hoặc người giám hộ) phải ký tên và cam kết thực hiện những nội dung do trường quy định.


Thực tế thì để nâng cao tỉ lệ học sinh vượt qua kì thi tốt nghiệp, đậu vào các trường phổ thông, Đại học, nhiều trường tổ chức dạy tăng tiết, dạy phụ đạo dưới hình thức đều là tự nguyện, không ép buộc. Nhưng không chỉ có vậy, học sinh cuối cấp sau giờ học tăng tiết ở trường lại tiếp tục tìm đến chỗ các thầy cô dạy thêm để luyện thi. Trọng Nghĩa, HS cuối cấp 3 của một trường THPT ở Q.3 chia sẻ: hết giờ học ở trường, em lại tìm đến các lò luyện thi của các thầy cô thuê nhà dân ở xung quanh khu vực trường. Dù lò luyện chật chội, thiếu ánh sáng, nhưng theo Nghĩa thì không học thêm không được vì đề thi đại học lắt léo, không học thêm làm sao thi nổi, nên phải tìm đến chỗ dạy của các thầy cô có uy tín:




Thầy Nguyễn Đình Thịnh, Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Hoa Thám băn khoăn: theo quy định của dự thảo, giáo viên dạy thêm phải đăng ký với Hiệu trưởng nhưng ai sẽ đi kiểm tra. Mà việc kiểm tra rất nhiều nội dung từ cơ sở vật chất, chương trình dạy thêm, phải đảm bảo giáo viên không cắt gọt chương trình chính khóa đưa vào dạy thêm… nhưng giáo viên đăng kí dạy thêm nhiều thì việc phát hiện vi phạm sẽ rất khó khăn. Vì thực tế là Hiệu trưởng chỉ quản lí chứ không thể kiểm tra được tất cả giáo viên:




Nguồn gốc tiêu cực từ dạy thêm học thêm, theo thầy Lương Anh Văn, giáo viên trường THCS Nguyễn Gia Thiều thì hiện nay nhiều giáo viên trường công lập phải dạy thêm vì thu nhập ở trường chưa đủ sống. Giáo viên cải thiện thu nhập bằng nghề của mình cũng là một giải pháp tình thế nhưng ít nhiều cũng ảnh hưởng đến giờ dạy chính khóa:




Còn ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng bày tỏ: áp lực thi cử, áp lực phải vào bằng được các trường phổ thông công lập, các trường Đại học quá lớn. Trong khi thời lượng chính khóa không đủ để thầy và trò nâng cao kiến thức càng dẫn đến việc dạy thêm học thêm: học sinh và phụ huynh có nhu cầu thì giáo viên sẽ đáp ứng. Do đó để giảm dạy thêm học thêm cũng phải xuất phát từ đổi mới cách đánh giá, thi cử:




Có nhiều ý kiến cho rằng với việc vừa đóng vừa mở, dự thảo lần này đang hợp pháp hoạt động dạy thêm học thêm mà chưa đề ra được một giải pháp hữu hiệu nào để hạn chế được những biến tướng của nó. Ngoài ra, các quy định trên chỉ mới giải quyết được phần ngọn của vấn đề. Rõ ràng, để đưa hoạt động dạy thêm học thêm đi vào đúng quỹ đạo cần phải giải quyết đồng bộ công tác đổi mới cách thi cử, giảm tải chương trình học và nâng cao thu nhập cho giáo viên./.