Đừng lãng phí chất xám của các nhà khoa học do thủ tục giải ngân

(VOH) - Đã nhiều năm qua, giới khoa học luôn than phiền việc đầu tư kinh phí dàn trải, manh mún và thủ tục quyết toán tài chính rườm rà đã khiến cho không ít các đề tài nghiên cứu khoa học luôn bị lạc hậu so với thực tiễn cuộc sống. Nhiều đề tài sau khi nghiên cứu xong phải cất ngăn kéo vì không có địa chỉ ứng dụng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng một trong những nghiên nhân khiến các nhà khoa học “chùng chân, mỏi gối” là thủ tục giải ngân.
Đầu năm 2014, TPHCM chấp thuận chủ trương áp dụng thí điểm cơ chế mua sản phẩm khoa học từ công trình nghiên cứu bằng hợp đồng đặt hàng. (ảnh minh họa: SGTT)

Hồi cuối năm ngoái, trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TPHCM, ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ đã làm xôn xao nghị trường khi nói rằng, một đề tài nghiên cứu mất rất nhiều thủ tục thẩm định và kéo dài có khi tới 3-4 tháng mới giải ngân xong và chính ông phải ký ít nhất cả trăm chữ ký sống thì kho bạc mới “chịu chi”. Nhìn nhận thực tế này, ông Tân nói: “Tất nhiên nó cũng có những quy định trước đây của Nhà nước, Bộ Khoa học công nghệ, Bộ Tài chính quy định rất chặt chẽ về các hợp đồng các kinh phí thì chúng tôi tính ra trung bình một trăm chữ ký đó là khi đề tài hoàn thành đúng thời gian, còn nếu chậm trễ hay vì một lý do gì đó kéo dài thời gian thì còn phải ký thêm các phụ lục hợp đồng cho phép kéo dài thời gian, hiện nay chúng tôi cũng đang thảo luận với Kho bạc nhà nước TPHCM để cho giảm bớt các chữ ký sống, sử dụng một số chữ ký photo để làm sao giảm bớt thủ tục hành chính”.




Từ ý kiến của ông Phan Minh Tân, dư luận khi ấy tỏ ra bất bình bởi ở một thành phố được xem là đầu tàu trong lĩnh vực khoa học công nghệ mà những thủ tục hành chính lại nhiêu khê như vậy thì làm sao đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thu hút chất xám của các nhà khoa học trẻ tham gia. Nhưng câu chuyện đâu chỉ dừng lại ở đó, tìm hiểu sâu hơn mới thấy rằng chính cơ chế tài chính đã tạo cơ hội cho nhà khoa học “nói dối” để lấy tiền. Nói dối ở đây chính là những thủ tục, giấy tờ cần thiết chứng minh các khoản chi hợp lệ. Có những nội dung chi như thuê chuyên gia, đăng ký sáng chế, công bố quốc tế...không nằm trong danh mục được thanh toán, quyết toán, buộc họ phải lách bằng cách chia nhỏ đề tài nghiên cứu thành nhiều chuyên đề, hoặc “chạy” những chứng từ không có thật cho khớp với hồ sơ. Chất xám của các nhà khoa học lẽ ra phải tập trung ở các phòng thí nghiệm, những mô hình chế tạo thử, thì trớ trêu thay họ lại mướt mồ hôi để đối phó với thủ tục giải ngân. Để đỡ phiền cho bản thân, một số người nghĩ ra cách chọn một lực lượng chuyên thực hiện những thủ tục thanh quyết toán. Cách đối phó này khiến cho số tiền được duyệt cũng chia năm xẻ bảy, phần nhận được không xứng đáng khiến nhà khoa học nản lòng. Thạc sĩ Phan Kim Ngọc, Trưởng phòng thí nghiệm tế bào gốc, ĐH Khoa học tự nhiên bày tỏ ý kiến: “Thủ tục hành chính trong nghiên cứu khoa học nhiêu khê một cách bất hợp lý nhưng không cải tiến được, những người làm khoa học thời gian họ không có nhiều và họ cũng không rành về những điều này hành xác các nhà khoa học, ai cũng sợ, tôi biết có nhiều nhà khoa học họ rất giỏi nhưng họ rất sợ vì nghĩ đến những điều này, mạnh mẽ giao quyền cho các nhà khoa học, hãy tin họ đặt niềm tin vào các nhà khoa học, họ có danh dự và họ có trách nhiệm”.




Chưa kể đến chuyện, vì nhiều quy định khắt khe, một đề tài có những cái tên “ấn tượng” để làm đẹp hồ sơ còn lực lượng triển khai lại là những cái tên khác. Đây là một thực trạng tồn tại từ “muôn năm cũ” đến giờ vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu.

Trên thực tế những bức xúc và tồn tại này đã được địa phương ghi nhận và cũng nhiều lần kiến nghị với cấp trên và cũng đã có nhiều sự thay đổi về cơ chế tài chính cũng như cơ chế quản lý, tuyển chọn đề tài nghiên cứu. Tùy theo từng địa phương mà sẽ có những đặc thù riêng cho vấn đề này. Tiến sĩ Vương Đức Tuấn, Phó cục trưởng Cục công tác phía nam của Bộ Khoa học và công nghệ cho hay: “Thủ tục về tài chính phải nghiên cứu thay đổi để cho vấn đề cần kết quả, phải xác định 1 đề tài là cần kết quả chứ không phải là cần “anh chị” như thế nào, còn nếu như viện hỏi chi kiểu gì thì tất cả nó đã nằm trong giải trình rồi thì giảm bớt cái vấn đề yêu cầu đi. Bộ Khoa học và Công nghệ, chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề này cần phải tháo gỡ, chính thương mại hóa được những sản phẩm là đưa phục vụ phát triển kinh tế xã hội”.




Tiến sĩ Vương Đức Tuấn đã nhấn mạnh đến việc phải thương mại hóa sản phẩm, đây chính là con đường giúp cho kinh tế xã hội phát triển cũng như khẳng định vị thế của các nghiên cứu khoa học đồng thời cũng là giải pháp để tháo gỡ những khó khăn về tài chính như đã nêu. Điều này các tập đoàn, các doanh nghiệp có đầu tư nghiên cứu và phát triển đã thực hiện từ lâu. Đối với nguồn lực từ ngân sách Nhà nước từ nhiều năm nay, Sở khoa học và công nghệ đã hướng dần các nghiên cứu theo phương pháp đặt hàng và những sản phẩm tiềm năng thì sẽ được đầu tư một cách bài bản để cho ra sản phẩm cuối cùng. Có thể nhắc đến một số cái tên như chip SG8V1 của Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch hay như chế phẩm Ruvintat điều trị bệnh Gan của Trung tâm Sâm và dược liệu TPHCM.

Theo thống kê của Sở khoa học và công nghệ thì trong giai đoạn từ năm 2011 đến 2013, tỷ lệ đặt hàng nghiên cứu chiếm trung bình khoảng 20%/ năm và tỉ lệ ứng dụng bình quân là 34%. Mặc dù con số này chưa cao nhưng cũng là tín hiệu đáng mừng, bên cạnh đó, trong công tác tài chính đã có một lối mở khi từ đầu năm nay thành phố chấp thuận chủ trương áp dụng thí điểm cơ chế mua sản phẩm khoa học từ công trình nghiên cứu bằng hợp đồng đặt hàng. Hiện có 17 đề tài tham gia, trong đó đã ký hợp đồng triển khai được 9 đề tài. Đây là giải pháp đổi mới cơ chế tài chính trong thủ tục thanh quyết toán các đề tài, dự án theo phương pháp khoán trọn gói cho các nhà khoa học. Hy vọng việc thí điểm sẽ đạt kết quả tốt để có thể nhân rộng trong tương lai./.