Đường sách TP.HCM: Hành trình hội tụ tri thức

(VOH) - Với bề dày 5 năm, Lễ hội đường sách TP.HCM đã trở thành một trong những hoạt động trọng tâm để góp phần tuyên truyền, phát huy và tôn vinh văn hóa đọc cùng với Ngày sách Việt Nam (21/4 hằng năm) và Hội sách TP.HCM được tổ chức 2 năm một lần.

Người dân tham quan đường sách Tết Giáp Ngọ (Ảnh: Lan Hương)

Từ năm 2011, bên cạnh không gian sinh động, lung linh của Đường Hoa, Trung tâm thành phố còn có thêm một không gian đặc biệt nữa để tham quan, thưởng lãm - đó là Đường Sách.

Nếu Đường hoa chuyển tải chủ đề chính, những thành tựu, khát vọng tương lai thì Đường sách lại là một không gian bổ khuyết cho những gì Đường hoa chưa chuyển tải hết. Với chủ đề “Ước mơ”, Đường sách ngay trong lần đầu tiên tổ chức đã thể hiện những ước mơ luôn vươn cao, vươn xa của người dân, đồng thời cũng khẳng định tầm nhìn của lãnh đạo Thành phố với mong muốn: Sách là nền tảng của tri thức, trí tuệ, sẽ kết nối mọi người cùng nhau xây dựng những ước mơ, xây dựng tâm hồn đẹp và kiến tạo những giá trị đẹp cho con người, cho cuộc sống. Ngay từ thành công bước đầu, những năm tiếp theo, hoạt động này đã nhận được sự tham gia đồng hành của nhiều nhà sách, nhà xuất bản. Số lượng sách, doanh thu của các đơn vị tham gia tăng đều theo từng năm.

Cụ thể, nếu năm 2011, chỉ có 8 nhà sách, NXB tham gia với lượng sách bán ra là 14.000 bản, doanh thu đạt 920 triệu đồng thì năm 2012 là 10 đơn vị tham gia, bán ra 23.500 bản sách, doanh thu 1,7 tỷ đồng. Năm 2015 vừa qua, Lễ hội đường sách Ất Mùi nhận được sự tham gia của 13 đơn vị xuất bản, nhà sách. Số lượng lượng sách bán ra cũng đạt kỷ lục với trên 82.000 bản, doanh thu đạt 4,5 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, TGĐ Nhà xuất bản Thái Hà – đơn vị có 3 năm đồng hành cùng Lễ hội đường sách TP.HCM cho biết: thay vì sum họp gia đình ở Hà Nội, ông dành trọn thời gian để tham gia các hoạt động của Thái Hà Book ở Lễ hội đường sách. Với 4 ngôn ngữ, trong không gian đó, ông đã có được nhiều cơ hội tiếp kiến, trao đổi và bàn bạc với nhiều học giả, người yêu sách cả trong nước lẫn quốc tế. “Nếu hoa là vẻ đẹp bên ngoài thì sách là vẻ đẹp bên trong, là vẻ đẹp cho tâm hồn con người. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng” – Ông Hùng chia sẻ.

Điểm nhấn thu hút đông đảo người dân và du khách ở Lễ hội đường sách đó chính là nội dung sách được chuẩn bị chu đáo, theo từng chủ đề riêng biệt, hình thức và thể loại sách cũng đáp ứng được nhu cầu của độc giả.

Nếu như năm đầu, sách chỉ thể hiện theo chủ đề với những khu riêng biệt, như sách về chủ đề biển đảo, sách dành cho thiếu nhi, sách điện tử, sách 3D… thì các năm sau đó luôn bổ sung vào những chủ đề mới, có cả sách dành cho người khiếm thị, sách hay, sách quý hiếm, mộc bản.  Bà Lê Thị Thu Huyền, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Fahasa đánh giá, những ngày đầu tổ chức, đối tượng khách hàng chủ yếu là người lớn tuổi, hưu trí, trung niên, giới văn phòng và du khách. 2 năm trở lại đây, đối tượng đến với đường sách thiên về giới trẻ, tuổi teen, sinh viên học sinh cha mẹ dẫn các em thiếu nhi đi đến với Đường sách ngày càng đông hơn và xem đây là một điểm đến đầy ý nghĩa mỗi khi năm hết tết đến. Ấn tượng đối với Fahasa đó là nhìn thấy những hình ảnh thật đẹp về một gia đình 3 thế hệ ông bà, con cháu đến tham quan đọc sách”.

Sau 5 năm hoạt động, Đường sách TP.HCM thực sự trở thành hành trình hội tụ tri thức. Lễ hội Đường sách cũng là mô hình duy nhất được thực hiện trong 63 tỉnh/thành phố và là sáng kiến nhằm tuyên truyền, phát huy và nâng cao văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân.