Giúp các em học sinh vượt qua cú sốc rớt đại học

(VOH) - Kết quả của kỳ thi đại học vừa qua đã đem lại niềm vui cho nhiều em học sinh thi đậu vào các trường đại học như mong muốn. Nhưng bên cạnh đó, có không ít em cảm thấy hụt hẫng khi thi rớt đại học, thậm chí có em còn bị sốc và có những hành động không hay, thậm chí là dẫn đến những việc làm thiếu kiểm soát.

Do đâu mà các em có suy nghĩ mang tính tiêu cực ấy? Về vấn đề này, phóng viên Đài có cuộc phỏng vấn Nhà giáo ưu tú, chuyên gia tâm lý Lê Minh Nga, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý, giáo dục và tình yêu - hôn nhân - gia đình thành phố.

* Vừa qua có những em học sinh bị sốc khi thi rớt đại học và các em có những hành động mang tính tiêu cực.  Xin bà cho biết, do đâu mà các em lại  bị áp lực về tâm lý như vậy?

Chuyên gia tâm lý Lê Minh Nga. Ảnh: SGGP

- Bà Lê Minh Nga: Theo tôi, một số em bị sốc trước kết quả thi không đạt của mình dẫn đến những hành động không  tốt đẹp như là có những  trường hợp buồn chán bỏ đi lang thang, thậm chí có những trường hợp dẫn đến tự tử. Trường hợp này xảy ra thì gia đình và xã hội cũng rất lo lắng. Như vậy  tâm lý không ổn định thuộc về tâm lý của các em. Áp lực ở đây phần lớn từ gia đình, muốn con em mình phải học hết đại học, thậm chí còn phải học giỏi, do tâm trí của các em vẫn còn non nớt nên thường các em cũng muốn mình học tốt để sau này đổi đời . Còn ngoài xã hội, việc xem trọng bằng cấp cũng là cho các em gặp nhiều áp lực.

* Để giúp các em vượt qua cú sốc này, các bậc phụ huynh có vai trò như thế nào?

- Bà Lê Minh Nga: Khi các cháu bị sốc rồi thì bố mẹ phải thật gần gũi, khuyên các cháu, phải nói cho các em hiều là điều bố mẹ mong muốn ở con nhất là rút được kinh nghiệm. Có thể giải thích với con rằng, do hôm đó con mệt, con chưa đọc kỹ đề bài, hay vì một lý do nào đó, chứ không phải là con lười hay là con không chịu khó học tập mà làm bài không tốt. Khuyên con bình tĩnh, cho con biết đối với bố mẹ đó là chuyện bình thường, con không thi được năm nay thì học lại sang năm thi, hỏi con có nguyện vọng như thế nào muốn học cao đẳng hay học nghề, đáp ứng yêu cần đó của con và cũng khuyên con học cả đời chứ không lo lắng mà có thái độ buồn chán làm cho bố mẹ buồn. Tổ chức những cuộc vui chơi trong gia đình để con quên đi chuyện buồn và hòa vào không khí của gia đình.

* Bà có lời khuyên như thế nào để các em học sinh có thể vượt qua được  áp lực của việc học và của gia đình?

- Bà Lê Minh Nga: Đối với các em học sinh, tôi chỉ khuyên trong việc học của các em, đừng nghĩ là học tài thi phận, câu này chỉ đúng một phần. Còn cả quá trình đầu tư tích lũy của mình trong học tập. Và đặc biệt phải có phương pháp học nữa. Nhiều khi mình học ngày học đêm nhưng không có phương pháp học thì việc học đó không đem lại kết quả cao. Cho nên các em phải xác định cho mình mục đích của việc học tập là gì, rồi phương pháp học tậm như thế nào ngay từ cấp dưới. Các em phải bình tĩnh, nếu có trượt trong lần này thì minh phải nghiêm túc rút kinh nghiệm. Chứ đừng có thấy không đỗ mà buồn chán nghĩ đến chuyện nọ, chuyện kia, phải cố gắng tích cực vì quỹ thời gian các em còn nhiều. Cho nên, các em không quá lo lắng về con đường học tập của mình, chỉ lo mình có tinh thần học hay không, có phương pháp học hay không, đó là điều quan trọng. Tức là không chỉ có con đường đại học là quyết định, có nhiều chỗ rẽ ngang hoặc là mình có thể học cái gì trước cái gì sau, nếu các em có chí thì đại học không phải là quá khó đối với cácc em. Thậm chí học trong công việc làm, đi ngang sang con đường chuyên nghiệp, kinh nghiệm trong cuộc sống rồi trở lại học tập, lúc bấy giờ lại phong phú hơn. 

* Để  các em học sinh có được tâm lý vững vàng không bị sốc trước những kết quả thi cử không như mong muốn, theo bà, các bậc phụ huynh phải có cách giáo dục và định hướng cho con cái như thể nào?

- Bà Lê Minh Nga: Theo tôi để giúp cho các em học sinh có tâm lý ổn định, có quan niệm đúng đắn trong vấn đề thi, không phải tự nhiên mà các em có được mà là do giáo dục của gia đình, giáo dục của nhà trường, của các đoàn thể mà các em sinh hoạt. Làm sao ngay từ phổ thông các em chuẩn bị tư tưởng khi học hết cấp phổ thông trung học có rất nhiều con đường mà các em có thể tiến thân được, lập nghiệp được, giáo dục trước cho các em để các em đón đầu tất cả những điều đó. Tất nhiên, ai cũng muốn làm việc thành công, các em muốn học xong thi đỗ đại học. Thậm chí, ở vùng xa vùng sâu nói còn quan niệm việc đỗ đại học là đổi đời, điều đó cũng đúng một phần nào thôi, vì nếu không đỗ đại học không có nghĩa tương lai bế tắc. Do đó, ngay từ gia đình cần cũng nhận thức đúng vấn đề để chỉ bảo cho con em mình.

* Xin cám ơn bà.