Khép lại kỳ thi 2 trong 1– những tín hiệu phấn khởi

(VOH) - Kỳ thi THPT quốc gia 2015, kỳ thi hai trong một đầu tiên sau hơn 10 năm duy trì phương thức tổ chức thi ba chung, đã hoàn tất khâu thi cử. Với những gì đã diễn ra trong suốt kỳ thi, có thể nói đây là kỳ thi thành công, ít tốn kém nhất từ trước tới nay cho thí sinh, phụ huynh và xã hội.

Nhiều năm trước, sau khi tốt nghiệp THPT, học sinh và phụ huynh khăn gói dồn về các TP lớn để tham gia liên tiếp 3 đợt thi từ đại học đến cao đẳng trong một tháng với bao mệt mỏi và áp lực. Chưa bàn vào chi tiết, chỉ cần rút gọn 4 kỳ thi xuống còn 1, thí sinh được dự thi gần nhà, giảm thiểu biết bao phiền hà và tốn kém, đã là thành công.

Năm nay cũng là năm tỷ lệ thí sinh dự thi trên cả nước cao nhất từ trước đến nay, từ 97% đến 99%. Đặc biệt, những vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ cũng gây bất ngờ vì tỷ lệ cao hơn dự kiến. Đặc biệt hơn, tình trạng thí sinh ảo gần như bị triệt tiêu. Điều này chứng tỏ các địa phương đã hoàn thành tốt công tác tổ chức thi, đặc biệt là khâu vận động thí sinh đi thi cũng như hỗ trợ những điều kiện cần thiết. Đây cũng là lần đầu tiên 38 cụm thi quốc gia đều do những trường ĐH lớn, có kinh nghiệm tuyển sinh, tổ chức một kỳ thi nghiêm túc, khách quan bởi không bị chi phối bởi yếu tố “thành tích địa phương”.

Một thành công nữa thể hiện rõ nét ở đề thi. Những vấn đề thời sự nóng hổi, mang hơi thở cuộc sống nhanh chóng được cập nhật vào nội dung thi như: dịch bệnh MERS-CoV vào đề thi Toán; biển đảo vào đề thi Văn, đề Địa; bạo lực học đường, kỹ năng sống đề cập trong đề thi Văn… Điều này tạo được sự hứng khởi, sáng tạo của thí sinh trong quá trình làm bài. Có thể nói, qua đề thi 8 môn đã hoàn thành nhiệm vụ của mình là phân loại thí sinh, đáp ứng hai mục tiêu: vừa tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển ĐH-CĐ. Như Bộ GD-ĐT đã cam kết trước đó, đa số các môn thi vừa qua đều có khoảng 60% là kiến thức cơ bản, nằm trong chương trình phổ thông để giúp cho học sinh trung bình có thể làm được bài và đậu tốt nghiệp. Phần còn lại là những câu khó, rất khó nhằm phân tầng thí sinh vào trường ĐH-CĐ.

Ảnh minh họa - Nguồn: Laodong.

Cách phân loại mới có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu tốt nghiệp ở các địa phương, khi mà các năm trước các địa phương tự tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tỷ lệ đậu bao giờ cũng cao ngất ngưởng. Thế nhưng, với kỳ thi lần này chắc chắn tỷ lệ đậu tốt nghiệp các địa phương sẽ phản ảnh đúng thực chất năng lực của học sinh hơn. Các trường ĐH cũng sẽ yên tâm hơn với chất lượng thí sinh xét tuyển vào trường mình.

Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là ở một số đề thi vẫn chưa thể hiện được sự đổi mới, chưa tạo sự thích thú cho thí sinh. Đề Lý, đề Địa dài nhưng khá dễ, chỉ cần học thuộc bài là có thể làm được. Trong khi đó, đề Văn mặc dù đề cập nhiều vấn đề xã hội, nhất là câu nghị luận xã hội về kỹ năng sống…. nhưng đkhông mới, thí sinh nào cũng có thể làm được. Như vậy, khác nào lại rơi vào lối mòn, cổ súy cho lối học tủ, học vẹt và chưa xứng tầm một đề thi “quốc gia”. Nếu đổi mới triệt để cách ra đề, thành công kỳ thi THPT quốc gia sẽ trọn vẹn hơn.

Khép lại thi cử, thí sinh và cả xã hội đang trông chờ vào việc chấm thi ra sao. Trước đó, dư luận băn khoăn khi có hai loại cụm thi: cụm thi địa phương và cụm thi quốc gia, liệu việc coi thi và chấm thi có nơi lỏng, nơi chặt. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nhiều lần trấn an dư luận rằng, công tác tổ chức thi của tất cả cụm được thực hiện đồng bộ như nhau. Để cho việc chấm thi được nghiêm túc và đúng tiến độ, các cụm thi được Sở GD-ĐT hỗ trợ cung cấp lực lượng giáo viên giỏi, có kinh nghiệm để chấm thi. Các trường chấm thi cũng tuân thủ nguyên tắc, giáo viên không được chấm thi thí sinh trên địa bàn. Nhưng xét thấy đó chỉ mới là điều kiện cần nhưng chưa đủ, Bộ cần hướng dẫn chấm, barem điểm hợp lý để tạo sự thống nhất trong công tác chấm thi, đảm bảo kết quả thi của thí sinh chính xác, công bằng. Đó cũng là cách quan trọng để tạo niềm tin về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của nhiều điều "lần đầu tiên".