"Khổ sở" xét tuyển vào ĐH

(VOH) – Đợt xét tuyển ĐH-CĐ đợt 1 năm nay chứng kiến cảnh nhộn nhịp thí sinh nộp - rút hồ sơ, nhiều người còn ví như thí sinh đang tham gia chơi "chứng khoán" khi tự phải phân tích, phán đoán việc rút từ trường này và nộp sang trường khác để có cơ hội trúng tuyển ngay từ nguyện vọng 1. Việc “tháo chạy” của thí sinh từ trường này sang trường khác kéo theo điểm chuẩn dự kiến năm nay nhích lên từng ngày.

Ăn không ngon, ngủ không yên vì hồ sơ

Những ngày qua, lượng thí sinh đến rút hồ sơ ở nhiều trường rất đông, có trường ghi nhận số lượng rút ra tương đương với hồ sơ nộp vào.

Thí sinh Nguyễn Thị Kim Ngân nộp hồ sơ vào ngành Quản lý nhà hàng khách sạn của trường ĐH Tôn Đức Thắng từ rất sớm. Qua theo dõi, thấy ngành này chỉ lấy 150 chỉ tiêu, trong khi theo danh sách em đã đứng ở thứ hạng hơn 150. Thấy không có khả năng đậu, nên Ngân quyết định rút hồ sơ để nộp vào ngành này của ĐH Tài chính Marketing.

Trong khi đó, tại trường ĐH Sư Phạm TPHCM, nhiều thí sinh và phụ huynh phải chờ đợi đến lượt làm thủ tục rút hồ sơ. Nhiều phụ huynh, thí sinh từ các tỉnh xa nằm nghỉ la liệt ở ghế đá trong khuôn viên trường để chờ buổi chiều nhận lại hồ sơ gốc.

Thí sinh Trần Thị Trang Đài, ở tỉnh Bình Thuận cùng gia đình đi xe đò từ khuya và là một trong những người có mặt tại trường vào sáng sớm. Em có điểm khối C là 29,5 điểm đã nhân hệ số, nộp vào ngành Giáo dục chính trị. Đến thời điểm này thì tên của em đã bị đẩy xuống khá xa danh sách nên không chắc suất đậu.

Trang Đài chia sẻ: “Em vô trang web của trường coi danh sách thí sinh, nhắm thấy mình không chọi nổi nên em rút hồ sơ ra nộp trường khác. Em nghĩ, tuyển sinh năm trước dễ hơn năm nay. Dù điểm mình có khả năng đậu nhưng điểm người ta cao hơn thì mình cũng không đậu được. Trước khi nộp em cũng có coi danh sách thí sinh trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương. Em cảm thấy an toàn thì em mới nộp vào, còn không chắc em nộp trường khác”.

Không chỉ thí sinh mà cả phụ huynh cũng căng như dây đàn khi phải cùng con em mình nghiên cứu ngành nào, trường nào để tiếp tục cuộc đua xét tuyển. Bà Trần Thị Hoa, một phụ huynh bày tỏ lo lắng: “Theo tôi, không phải là áp lực mà là rất áp lực. Cả nhà ai cũng ăn không ngon, cứ canh tới giờ để coi danh sách, thấy con mình cứ tuột dần cũng sợ lắm. Thành ra không riêng mình mà tất cả những người có con trong xóm đều áp lực như vậy. Giờ còn đang hy vọng mấy ngành cuối chưa đủ chỉ tiêu, nhưng còn mấy ngày nữa nên cũng không biết có chắc ăn hay không”.

Tổ chức rút hồ sơ một cách khoa học

Trước nhu cầu quá lớn về việc thay đổi nguyện vọng và rút hồ sơ, bên cạnh những bối rối ban đầu, hiện các trường ĐH đều giải quyết việc rút hồ sơ cho thí sinh khá khoa học, đặc biệt là ưu tiên giải quyết trước cho thí sinh ở các tỉnh xa.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP hiện nhận được trên 5.000 hồ sơ, con số rút ra khoảng 600 hồ sơ. Trường ĐH Công nghiệp TP cũng giải quyết cho hơn 400 trường hợp. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có khoảng 200 thí sinh đến rút hồ sơ. Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật cũng có xấp xỉ 300. Con số này tại Trường ĐH Sài Gòn hơn 2.300, dự kiến số thí sinh đến rút hồ sơ sẽ còn tăng lên bởi chỉ tiêu của trường là 4.000 so với lượng hồ sơ đã nhận là hơn 11.000 hồ sơ.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật TP cho hay: “Trường dự kiến những em từ 17 – 20 điểm sẽ rút nên đã có bộ phận tách số hồ sơ này và sắp xếp theo thứ tự để tìm cho nhanh, vì vậy các em đến rút lại hồ sơ rất nhanh. Theo tôi, thí sinh nếu như thấy mình không còn khả năng trúng tuyển vào trường nữa thì nên rút sớm”.

Khung cảnh “nhộn nhịp” rút hồ sơ ra rồi lại nộp vào như vậy, thì chắc hẳn số lượng hồ sơ vào các trường trong những ngày gần cuối sẽ càng sôi động hơn, bởi lượng thí sinh đang luân chuyển khá nhanh từ trường này sang trường khác. Điều này gây áp lực cho cả thí sinh và các trường đại học, mặc dù tinh thần của kỳ thi tuyển sinh năm nay hết sức đổi mới.

TS Mỵ Giang Sơn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn nhìn nhận: “Hiện nay đang nóng nhất, vướng nhất và gây phiền toái nhất chính là ở khâu đăng ký xét tuyển. Thiện chí của Bộ là cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng để tạo cơ hội cho thí sinh, thiện chí thứ hai là cho thí sinh rút hồ sơ. Thế nhưng hai việc đó lại tạo ra việc thí sinh rút tới rút lui tạo nên áp lực, việc này chắc chắn phải cải tiến. Còn xét về bản chất, tôi thấy so với các năm trước thì năm nay tối ưu hơn rất nhiều.”

Theo ý kiến nhiều trường, trong những năm tới, Bộ GD-ĐT nên bỏ phần thi tốt nghiệp THPT, bởi hiện nay xã hội có thể yên tâm khi xét tốt nghiệp cho học sinh bằng kết quả học bạ phổ thông, bởi trên thực tế từ kỳ thi 2 trong 1 vừa rồi, đề dễ, thí sinh đạt điểm cao thì yêu cầu xét tốt nghiệp cũng thành vô nghĩa. Bên cạnh đó, Bộ cũng nên thực hiện đúng tinh thần của Luật giáo dục đại học, đó là để các trường tự chủ tuyển sinh, cho các trường tự tổ chức thi để tránh tình cảnh rối rắm như năm nay.

Những khó khăn trong quá trình xét tuyển, những phiền hà khi nộp – rút hồ sơ và những lo lắng của thí sinh trong cuộc đua vào đại học năm nay cũng được đề cập nhiều tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai năm học 2015 – 2016 mới đây. Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, những vấn đề trên đã được xã hội nêu ra nhưng Bộ khẳng định đã lường được và yên tâm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Bộ chưa lường được hết những tình huống phát sinh và xã hội cũng chưa thể yên tâm. Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo: “Tôi đề nghị Bộ phải hết sức lắng nghe phản ánh của xã hội, của các cháu để có những giải pháp điều chỉnh thật nhanh, thật kịp thời và trên tinh thần là tất cả vì các cháu. Bởi vì mục đích của chúng ta là sao cho các em vào đại học, không còn chuyện thí sinh điểm cao mà không vào được đại học như một số trường hợp trong những năm trước đây, đấy là mục tiêu lớn nhất”.