Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014: “Thí sinh nên tập trung ôn thi theo hướng dẫn của Bộ"

(VOH) - Chỉ còn một tuần nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014. Theo thống kê, việc lựa chọn 2 trong số 4 môn thi tốt nghiệp năm nay thì môn Hoá học có số lượng đăng ký dự thi nhiều nhất, chiếm gần 60%; kế đến là môn Vật lý gần 50%, Địa lý và Sinh học có tỷ lệ trên 30%. Đáng chú ý là cả nước chỉ có hơn 100.000 học sinh đăng ký thi môn Sử, chiếm tỷ lệ hơn 10%. Năm nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 có nhiều điểm mới như: mỗi thí sinh sẽ chỉ có một số báo danh duy nhất, mỗi ca thi sẽ chỉ thi một môn thi. Thay vì chỉ sử dụng kết quả thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp, năm nay sẽ sử dụng kết hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở lớp 12 cùng với 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp…

Những thay đổi trên cũng sẽ kéo theo nhiều thay đổi liên quan đến công tác tổ chức thi, ra đề và chấm thi tại các địa phương. Vậy, đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp tại các địa phương ra sao? Bộ GD-ĐT tăng cường những biện pháp nào nhằm đảm bảo cho kỳ thi diễn ra nghiêm túc? Đây cũng chính là nội dung trao đổi giữa phóng viên Đài TNND TPHCM với PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT:

Năm nay sẽ sử dụng kết hợp kết quả học tập, rèn luyện của học sinh ở lớp 12 cùng với 4 môn thi để công nhận và xếp loại tốt nghiệp (ảnh: TNO)

* Thưa ông, theo ghi nhận tại các trường THPT, có thể thấy về hình thức ôn theo cách thi mới đã phần nào giảm áp lực cho học sinh, vậy dự báo công tác tổ chức thi có giảm áp lực hay sao? Bộ có chỉ đạo gì cho các Sở về vấn đề này?

 PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT. (ảnh: TTO)

* PGS.TS Mai Văn Trinh: Đương nhiên khi có một hình thức thi mới, Bộ GD-ĐT đã rất chủ động có văn bản hướng dẫn công tác coi thi. Thậm chí, năm nay Bộ tổ chức tập huấn công tác coi thi tốt nghiệp 2 ngày tại Đà Nẵng với sự tham gia của tất cả các Sở GD-ĐT, Cục nhà trường đều đến dự. Có thể nói, chuyến tập huấn này rất căn cơ, bài bản và chi tiết và nhiều vấn đề được giải đáp. Những vấn đề trao đổi thêm thì Bộ cũng đã có văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, trong thời gian qua, nhiều Sở GD-ĐT đã chủ động tổ chức thi thử tốt nghiệp. Đến thời điểm này, chúng tôi nắm bắt được thông tin là các công việc diễn ra hết sức trôi chảy. Trong phiên họp của 63 Giám đốc Sở GD-ĐT tuần trước, nhiều sở đã tổ chức thi thử báo cáo việc tổ chức ổn định, không vấn đề gì. Tuy nhiên, có một số vấn đề cần lưu ý về mặt kỹ thuật như: trong một buổi tổ chức thi 2 môn 2 ca, giữa các ca phải bố trí chỗ cho các em chờ thi tiếp. Nhìn chung, các sở cho hay thuận lợi, không có vấn đề phức tạp.



* Một đánh giá chung các địa phương trong công tác tổ chức thi đến thời điểm này là gì, thưa ông?

* PGS.TS Mai Văn Trinh: Rất cám ơn các Sở GD-ĐT các địa phương đã chỉ đạo sát sao, đặc biệt nhiều nơi chủ động chăm lo cho công tác thi, từ khâu quản lý điểm thi quá trình, đăng ký thi, đặc biệt là tổ chức thi thử tốt nghiệp, mô phỏng lại tiến trình, sử dụng các đề theo hướng mới...giúp học sinh quen dần.

* Thưa ông, với những sự chuyển biến trong hình thức ôn thi, cách ra đề, chấm thi năm nay có gì mới?


* PGS.TS Mai Văn Trinh: Đây là nhiệm vụ của Ban đề thi, chắc chắn sẽ có đáp ứng đề thi phù hợp với đề theo hướng mới đó, trong hướng dẫn ôn thi cũng đã đề cập.

* Nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế hiện tượng tiêu cực, chống bệnh thành tích như: cắt thi đua địa phương nếu để tỷ lệ tốt nghiệp quá cao, ký kết không tiêu cực trong kỳ thi…Ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, Bộ có giải pháp nào để kỳ thi diễn ra nghiêm túc?

* PGS.TS Mai Văn Trinh: Tuần trước, Bộ GD-ĐT đã họp với 63 Giám đốc Sở GD-ĐT để triển khai nhiều công việc. Về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014, tất cả đều thống nhất cao những giải pháp trước đây ta đã làm và có hiệu quả. Tuy nhiên, năm nay có công việc mới, không những chỉ ở kỳ thi tốt nghiệp, mà ngay cả khâu đánh giá kết quả quá trình học tập của các em cũng được đặt ra hết sức nghiêm túc. Các sở đã chủ động trong vấn đề này, bởi vì năm nay chúng ta có tính đến kết quả học tập của học sinh ở lớp 12. Bộ chỉ đạo rất sớm về việc này, phần lớn các sở đều sử dụng phần mềm quản lý để hạn chế tiêu cực như việc sửa điểm chẳng hạn.


* Thưa ông, có thể nói đến thời điểm này, công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT tại các địa phương cũng đã sẵn sàng. Như vậy, về phía thí sinh, ông có lời khuyên nào dành cho các em hay không?

* PGS.TS Mai Văn Trinh: Lời khuyên thì nhiều, nhưng chỉ có một lưu ý đối với các em, đó là năm nay được thi tốt nghiệp trên cơ sở tự chọn môn thi của mình. Đó là năng lực sở trường của mình nên các em nên tin tưởng, vững tâm.  Các em nên tập trung ôn thi theo chương trình hướng dẫn của Bộ mà hiện nay các trường đang thực hiện. Các em cũng đừng tự tạo áp lực cho mình nhiều quá. Đặc biệt, năm nay mỗi em có một phiếu báo thi, trong đó ghi rõ thông tin mình thi ở đâu, phòng nào, mấy giờ...nên các em cũng cần lưu ý. Chúc các em tập trung thi tốt.