Kỳ vọng giảm tải - Tăng cơ hội từ chương trình giáo dục phổ thông mới

(VOH) - Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể vừa được Bộ GD-ĐT công bố, thay vì học 13 môn như hiện nay thì học sinh THCS chỉ còn 8 môn bắt buộc và THPT còn 4 môn bắt buộc.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Gia Định, TP.HCM trong giờ học nhóm môn Lý. - Ảnh: TTO

Thay vào đó, học sinh được chọn học các môn tự chọn.

Tiến tới dạy học tích hợp

Đáng chú ý là càng lên bậc học cao các môn tự chọn càng đa dạng, xuất hiện các môn mới được tích hợp từ các môn học truyển thống như: môn khoa học xã hội (tích hợp môn lịch sử, địa lý), môn khoa học tự nhiên (tích hợp các môn vật lý, hóa học, sinh học) ở cấp 1 và 2. Còn ở cấp III các môn học truyền thống trở lại như vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý… Theo đó, học sinh được tự chọn môn học với nội dung tăng dần từ lớp dưới lên lớp trên.

Ủng hộ việc giảm số lượng môn học nhằm mục tiêu giảm tải, nhưng thầy Nguyễn Quốc Hùng cho rằng: Việc các môn khoa học xã hội không nằm trong các môn bắt buộc cần phải cân nhắc. Bởi trong bối cảnh nhiều học sinh không mấy mặn mà với lịch sử, địa lý và có xu hướng chọn những môn có lợi cho việc chuẩn bị thi vào ĐH dễ dẫn đến tình trạng học lệch, trong khi những kiến thức khoa học xã hội rất cần cho cuộc sống. “Bây giờ từ lớp 12 trở xuống gọi là trường phổ thông, các em chỉ cần đạt được trình độ phổ thông, em nào cảm thấy năng lực phù hợp với môn nào thì chọn môn đó để phân hóa vào các trường đại học. Định hướng của học trò nhắm vào việc thi đại học, học sinh chọn sử, địa vẫn có nhưng ít do tâm lý học sinh ngại học bài”, thầy Hùng cho biết.

Đồng tình với những điểm mới trong  dự thảo, Thạc sĩ Cao Huy Thảo lập luận: Với chương trình này, việc thu nạp các kiến thức nhẹ nhàng hơn và thuận lợi để phát triển năng lực cá nhân hơn. Đáng chú ý là chương trình phổ thông mới cũng sẽ có chuyên đề học tập từ lớp 11. Do vậy, những chuyên đề riêng và nhóm môn về hướng nghiệp cần đa dạng, giúp học sinh được định hướng nghề nghiệp, phát triển tiềm năng cá nhân nhằm chuẩn bị tốt tương lai. “Chương trình có những đặc điểm như học sinh được định hướng nghề nghiệp ngay từ lớp 11, học sinh có thể chọn học theo năng khiếu và sự quan tâm về nội dung kinh tế, khoa học… bên cạnh những môn học bắt buộc. Khi thực hiện chương trình như vậy thì áp lực học tập để thu nạp kiến thức hàn lâm sẽ nhẹ”, Thạc sĩ Thảo nói.

Phải chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện

PGS-TS Ngô Minh Oanh nhận định, một trong những điểm mới của chương trình phổ thông mới là dạy tích hợp. Như vậy để có thể biên soạn chương trình theo hướng tích hợp đa môn, liên môn cần có một tổng chủ biên để hướng dẫn tập thể các tác giả biên soạn chương trình phù hợp với yêu cầu của lần đổi mới này. Ngoài ra, chương trình cần cân đối thời gian tự học, tăng thực hành tạo cho học sinh say mê hứng thú học tập, PGS-TS Ngô Minh Oanh phân tích: "Chương trình học phổ thông có nhiều môn tích hợp lại được đề giảm bớt số môn và muốn như vậy cần có người có thể nhìn nhận bao quát tất cả các môn và thấy được những nội dung nào cần phải tích hợp để tập trung vào một số môn chủ yếu. Đây là xu hướng thế giới đã thực hiện rất lâu. Chúng tôi nghĩ để đổi mới chương trình có hiệu quả cần căn cứ trên thời gian cho phép có khối lượng kiến thức vừa phải đảm bảo thời gian tiếp nhận kiến thức trên lớp và thời gian tự học để tạo sự say mê, hứng thú cho học sinh”.

Hầu hết các ý kiến đều cho rằng chương trình mới đã khắc phục được những nhược điểm của chương trình hiện hành còn nặng về lý thuyết, mang tính hàn lâm, chưa quan tâm đến giáo dục các kỹ năng. Tuy nhiên, theo GS-TS Đào Trọng Thi, một chương trình hay thì phải có điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ thực hiện và phải đồng bộ. Trong đó, giáo viên có vai trò quyết định vào sự thành bại của chương trình. “Trong thời gian vừa qua, việc dạy học tích hợp chưa được nhiều, chỉ tích hợp kiến thức nội dung không phải chính khóa vào môn chính chứ chưa tiến đến tích hợp các môn học trong từng khối kiến thức. Trong thời gian tới, chúng ta đổi mới chương trình thì cơ sở vật chất phải chuẩn bị thật tốt, đội ngũ giáo viên phải chuẩn bị phù hợp. Đến lúc đó, chúng ta thay đổi ngành nghề đào tạo giáo viên sẽ không còn giáo viên vật lý, hóa học, sinh học mà chỉ có giáo viên khoa học tự nhiên chẳng hạn. Phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi, người thầy phải có yêu cầu cao hơn hướng dẫn cho học sinh, việc này khó hơn vì làm mẫu cho học sinh rất nhiều”, ông Thi cho hay.

Nếu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được áp dụng thì đã đến lúc các trường sư phạm phải mạnh dạn hơn, quyết liệt hơn trong việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp tiếp cận, trang bị cho giáo sinh kiến thức mới hơn để phù hợp với yêu cầu ngày càng cao hơn của thực tiễn.

Việc giảm môn học bắt buộc, tăng môn tự chọn theo định hướng phát triển năng lực cá nhân là bước ngoặt lớn, thể hiện sự thay đổi tư duy và phương pháp dạy học hiện nay. Vì thế, xã hội đang trông chờ một chương trình giáo dục nhẹ nhàng nhưng thiết thực và hiệu quả, không ôm đồm dàn trải... để tạo cơ hội cho học sinh ứng dụng những gì đã học vào cuộc sống.