Lớp học của bà giáo nghèo

(VOH) - Sống trong đời sống cần có một tấm lòng, tấm lòng đó tuy có thể khác nhau về cách thể hiện, nhưng đều hướng đến những gì tốt đẹp của con người dành cho nhau, cho xã hội và cho cộng đồng. Với cô Nguyễn Thị Thiền, năm nay đã ngoài 70 tuổi, cũng thế, tấm lòng của cô hướng về những em học sinh nghèo với sự quan tâm không chỉ của một người thầy mà còn là một người thân trước những thiếu thốn thiệt thòi của con trẻ.
Lúc đầu mở lớp, khó khăn lắm cô Thiền mới vận động học sinh đến học (Ảnh: Quang Nguyễn/ VTC News) 

Đã hơn 15 năm nay, căn nhà nhỏ với những bộ bàn ghế đủ cỡ, trong khu phố 1, phường Phú Thuận, quận 7, đã trở thành địa điểm quen thuộc của trẻ em nghèo khu phố 3 và những khu vực lân cận. Trẻ em đến học phần lớn đều thuộc diện gia đình khó khăn, có em may mắn thì được đến trường tiểu học, chỉ đến nhờ cô dạy kèm thêm kiến thức trên lớp. Còn với những em không có điều kiện, thiếu giấy khai sinh, chưa có hộ khẩu, theo ba mẹ từ những vùng quê nghèo lên thành phố kiếm tìm kế mưu sinh, lớp học là cánh cửa hi vọng còn lại để em đến với kiến thức, con chữ. Đến lớp để các em biết đọc biết viết, đồng thời học tiếp tục chương trình các cấp lớp, tùy theo khả năng tiếp thu của mình. Vì vậy, với em Lê Thị Vui, theo cha mẹ từ An Giang lên TP kiếm sống từ 4 năm nay, lớp học tình thương của cô Thiền là nơi em ấp ủ ước mơ được học hành, cũng như có một việc làm thích hợp sau này. Em bộc bạch: “Ba con làm hồ, mẹ con ở nhà phụ. Lúc trước con ở An Giang học đến lớp 3 thì nghỉ. Mẹ nói con lên đây trễ mấy năm, không vô học được. Lớp cô Thiền giúp con nhớ lại kiến thức. Con muốn được như cô Thiền hoặc đi làm như mấy anh chị khác, chứ không muốn giống như ba mẹ con. Con theo học lớp này để có thêm kiến thức, để vô trường. Con muốn vậy nhưng chắc không được”.

Để vận động các em ra lớp, thời gian đầu cô phải đi đến từng nhà, động viên phân tích cho cha mẹ các em về sự cần thiết của việc cho các em đi học. Đặc biệt, địa bàn khu phố 3 là nơi tập trung dân nhập cư khá đông. Những con người từ khắp mọi miền đến đây tìm việc làm, thu nhập, mang theo bao thân phận trẻ thơ phải dang dở việc học hành. Để tạo điều kiện cho các em, cô mở cả lớp buổi sáng và buổi tối. Với những em nhỏ tuổi, cha mẹ bận đi làm, cô nhận luôn việc đưa các em về nhà sau mỗi giờ tan học. Không chỉ dạy chữ, cô còn giúp cho các em tập sách, bút viết. Thấy các em đói lòng, cô luộc thêm bắp, khoai cho các em có đủ sức học. Về hoàn cảnh gia đình và những giúp đỡ của cô Nguyễn Thị Thiền, bà Phan Thị Y, ngoại của bé Trần Thị Thu Thảo, học sinh lớp 1 trường Lê Văn Tám, Q.7, đến học kèm tại lớp cô Thiền, cho biết: “Cô không biết chữ nên không dạy cháu được, còn mẹ cháu nghèo lắm không nuôi được. Hai bà cháu có bữa ăn cơm, có bữa nấu cháo. Cô đưa nó xuống đây học, không phải đóng phí gì hết. Nhiều khi, cô Thiền thấy không ăn đủ, cô còn phụ thêm chút đỉnh”.

Cô quan tâm giúp đỡ trẻ em cơ nhỡ như thế, cứ nghĩ rằng cuộc sống của cô cũng phải khấm khá hoặc dư dả ít nhiều, nhưng thực tế, thu nhập của cả 2 vợ chồng cô không có là bao. Lớp học thì hoàn toàn miễn phí. Mọi sinh hoạt trong nhà cũng chỉ trong cậy vào căn phòng nhỏ cho thuê, mỗi tháng chỉ hơn 2 triệu đồng. Để thu vén chi phí trong gia đình, cô trồng nhiều loại rau cải xung quanh nhà, ai cho củi ở đâu là cô lại mang về để dành nấu nướng. Vậy mà, từ cái bếp củi đó, bao nồi khoai, nồi chè đã giúp các em vững lòng hơn khi đến lớp. Về quan niệm sống của mình, cô Nguyễn Thị Thiền chia sẻ: “Cô muốn sống và cống hiến thôi. Thành quả đạt được là mình dạy con được, sống đạo đức, thành tài và hữu ích cho xã hội. Cô rất là vui khi giúp được những đứa trẻ để sau này nó lớn lên ngoan ngoãn, thành người, nhất là những đứa trẻ kém may mắn”.

Đặc biệt, từ năm 2006, được sự hỗ trợ từ UBND phường Phú Thuận, lớp học của cô trở thành lớp học tình thương của phường. Bên cạnh tạo điều kiện cho lớp học hoạt động, phường còn liên hệ với các trường tiểu học trên địa bàn, tổ chức thi xếp lớp cho những em có đầy đủ hồ sơ nhập học vào đúng cấp lớp của mình. Từ sự liên kết này, các em học sinh có thêm con đường hướng đến tương lai, có thêm hi vọng vào việc học của mình. Về chính sách của địa phương, ông Hoàng Kinh Luân - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học, phường Phú Thuận, Q.7, cho biết: “Các cháu phần đông là dân tứ xứ đến đây, nên giấy tờ không có, khó khăn nhiều mặt. Nhưng sau cùng chúng tôi giải quyết được khâu thi xếp lớp cho các em. Hàng năm, những em có đủ điều kiện giấy tờ,… sẽ đưa các em qua trường tiểu học Nguyễn Văn hưởng hoặc Lê Anh Xuân”.

Dưới cái nắng gay gắt ban trưa, dáng người giáo già mảnh dẻ cứ hối hả đưa từng em học sinh về đến từng con hẻm, khu phố, rồi lại bươn bả đi cho kịp buổi chợ. Cứ như vậy, ngày lại ngày, với tấm lòng của người thầy tâm huyết với nghề, cô đã vượt lên những khó khăn của chính bản thân để duy trì lớp học. Từ lớp học nhỏ bé này bao lứa trẻ em cơ nhỡ đã thoát khỏi nguy cơ mù chữ, thất học, lêu lổng và tìm thấy được hướng đi cho tương lai chính mình.