Nghề giáo: Đừng để quá giận mất khôn

(VOH) - Vừa qua có một clip ghi lại cảnh một giáo viên tại Trường THPT Nguyễn Huệ (tỉnh Bình Định) tát liên tiếp nhiều lần vào mặt học sinh ngay trên bục giảng. Bị thầy đánh không nương tay, học trò đã đánh lại thầy khiến dư luận bức xúc về đạo đức và tình thầy trò xuống cấp.

Theo quy ước của xã hội, người thầy cần có những ứng xử chuẩn mực đạo đức, phải là tấm gương để học sinh soi vào. Vậy nhưng, nghề giáo cũng như bao nghề nghiệp khác, cũng có những áp lực, căng thẳng trong mối quan hệ thầy trò. Trong hoàn cảnh đó, không ít người có những phút "giận mất khôn" và những hành động phản sư phạm, gây nên sự việc đau lòng, làm rạn nứt nghĩa thầy tình trò.

Chuyện ức chế vì học sinh vô lễ, không chịu học thì giáo viên nào cũng từng gặp nhưng mỗi thầy cô có đều có những cách ứng xử riêng… Khi lên lớp, khi tiếp xúc với học sinh nhất là những giáo viên mới ra trường có những lúc va chạm thầy - trò trở nên gay gắt.

Thầy Nguyễn Văn Cải, Phó hiệu trưởng trường THPT Quang Trung chia sẻ, những lúc đó mình nên lắng xuống một chút, dịu đi một chút để giảm nhiệt, nghĩ ngay đến chữ “Nhẫn” trong đạo lý làm thầy. Chính vì vậy, trong suốt quá trình đứng lớp, thầy luôn tâm niệm phải đồng cảm, chia sẻ và đặt mình vào trong hoàn cảnh của các em để có thể thông cảm cho các em hơn. Chia sẻ về kinh nghiệm của bản thân, thầy Nguyễn Văn Cải bày tỏ:


Cô Lê Kim Mai, giáo viên trường THPT Võ Thị Sáu từng phải nhận lấy cách nhìn của học trò làm cho cô tổn thương. Những lúc như thế cô vẫn phải đặt nguyên tắc tôn trọng học sinh lên hàng đầu trong những lời nói, việc làm với học sinh, điều kiêng kỵ nhất là không nên mắng các em trước đông đảo các bạn trong lớp:


Còn theo cô Vũ Thị Hiếu Thảo, giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên Q.1 hay gặp phải những học sinh cá biệt. Cô luôn tâm niệm học sinh có sai, có hỗn thì  vẫn phải biết kiềm chế. Lúc đó thì cô nghĩ ngay đến hoàn cảnh gia đình các em bị li dị mà thấu cảm cho các em có hành động bộc phát, có thể nhờ nhà trường can thiệp chứ không phải mất bình tĩnh dẫn đến hành động đáng tiếc:


Với cô Nguyễn Thị Phượng, giáo viên Trường THPT Gia Định chia sẻ, học sinh mắc lỗi ở trên lớp, thầy cô răn dạy học sinh nhưng làm sao để học sinh biết rằng là do thầy cô thương chứ không phải ghét bỏ để tránh cho các em có những hành động nông nổi. Trong các giờ học, sinh hoạt, thầy cô giáo phải luôn quan tâm, chia sẻ nhiều với các em để các em biết rằng thầy cô thật sự quan tâm tới mình. Cô Nguyễn Thị Phượng chia sẻ:


Sự việc hành xử thiếu kiềm chế thường xảy ra ở giáo viên mới ra trường, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm ứng xử với học sinh, do vậy vai trò của trường sư phạm rất quan trọng. Theo Ths Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên bộ môn tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), môn tâm lý học lứa tuổi, tâm lý học sư phạm tương đương 30 tiết chiếm tỷ lệ nhỏ trong toàn bộ chương trình học chưa thể đào tạo đầy đủ các kỹ năng ứng xử, giao tiếp, thực hành trong môi trường sư phạm trước khi giáo sinh ra trường. Trong khi ở nước ngoài, môn nghiệp vụ ứng xử sư phạm được đào sâu để khi đi vào giảng dạy, giáo viên mới có thể ứng xử linh hoạt:


Từ những sự việc thầy và trò xúc phạm nhau rộ lên trong những năm gần đây, nhất là sau vụ việc giáo viên và học sinh ẩu đả nhau ngay trên bục giảng là lời cảnh tỉnh cho giáo viên cần phải tỉnh táo hơn trong cách hành xử. Song giải pháp căn cơ hơn cả là việc tuyển chọn giáo sinh cần xem xét đến có phẩm chất đạo đức. Ngoài ra, trong các nội dung đào tạo cần tăng cường đào tạo, rèn luyện kĩ năng ứng xử sư phạm, tâm lý lứa tuổi...

Và quan trọng hơn cả người thầy phải biết cảm thông, thấu hiểu, tôn trọng nhân cách học sinh dù đó có là học sinh cá biệt, chỉ có vậy mới cảm hóa được các em và nhận được sự quý mến và kính trọng.