Nỗi lo phụ huynh chạy trường cho con

(VOH) - Hiện nay có không ít phụ huynh sẵn sàng lao vào “cuộc chiến” chạy trường cho con với ao ước con được học trường điểm, trường tốt. Để chuẩn bị cho con vào trường điểm, nhiều người đã hăm he “chạy đua” cho con ngay khi con còn đang học lớp lá mẫu giáo. Họ bằng mọi cách chuyển con đến học tại trường thuộc tuyến trường điểm, bất chấp quy định trái tuyến…

Trong thời gian qua dư luận xôn xao ở Hà Nội người dân chen nhau cho con thi tuyển lớp một vào một số trường ngoài công lập có tiếng tăm. Còn tại TP.HCM chưa thấy có hiện tượng này, nhưng gần đến thời điểm tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, nỗi lo con học trường nào và làm sao chạy cho con vào trường ưng ý, lại căng thẳng hơn bao giờ hết.

Phụ huynh xếp hàng chờ mua đơn tại Trường THCS Kim Đồng (quận 5). Ảnh: phapluattp

Hiện nay, công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp tiểu học, THCS được phân tuyến theo địa bàn cư trú nhằm đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh và giảm sĩ số học sinh trong mỗi lớp. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng học sinh quận này học ở quận kia vì phụ huynh muốn tiện đường đưa đón con gần chỗ làm hoặc tâm lí coi trọng trường có tiếng tăm. Anh Nguyễn Văn Chiến (ngụ Q.Bình Thạnh) không muốn con vào trường ở gần nhà nên đã nhờ vả nhiều người kiếm cho con một suất học ở trường tiểu học Q.1:

Để có được một chỗ học ưng ý cho con, phụ huynh tìm đủ cách lách luật từ chạy hộ khẩu đến phổ biến hơn cả là gửi gắm người quen, cán bộ quản lí, giáo viên, ban đại diện phụ huynh… Bà Nguyễn Thị Yến Thu, nguyên là cán bộ quản lý giáo dục chia sẻ thường được phụ huynh nhờ gửi gắm vào các trường, nhất các trường ở Q.1. Do vậy bà phải giải thích với phụ huynh về việc xét trái tuyến phải theo đúng các quy tắc tuyển sinh vì ai cũng muốn cho con vào các trường quận 1 thì các trường này không đáp ứng nổi:

Tuy ngành giáo dục thành phố không phân biệt trường điểm, trường thường nhưng việc phụ huynh chạy trường cho con vì tiếng tăm của trường, phần lớn lại do truyền miệng. Từ đó dẫn đến hệ quả phụ huynh đổ xô xin cho con vào một số trường đã làm chênh lệch sĩ số. Cô Phạm Thị Mai Loan, giáo viên trường tiểu học Hồng Đức Q.8 cho biết: trong cùng một địa bàn thì trường Trần Nguyên Hãn, Tuy Lý Vương là đích nhắm của nhiều phụ huynh nên trường Hồng Đức phải gánh số học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhất của quận. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà chất lượng hoặc thành tích học sinh giỏi, giáo viên dạy giỏi cấp quận lại thua kém các trường khác:

Nhưng để thay đổi quan điểm của phụ huynh thì vai trò nhà trường rất quan trọng. Thầy Nguyễn Chí Thảo, hiệu trưởng trường tiểu học Kim Đồng, Q.7 cho biết: nhà trường cần thông tin rõ ràng, minh bạch đến phụ huynh chỉ tiêu, phân tuyến và thời gian tuyển sinh. Bên cạnh đó, khi phụ huynh nộp đơn trái tuyến, nhà trường cần tư vấn cho phụ huynh hiểu sự quá tải sĩ số do áp lực chạy trường sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục vì không thể đảm bảo môi trường và sự quan tâm cần thiết cho học sinh:

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: từng quận - huyện đều có kế hoạch phân tuyến hợp lí để học sinh dù có hộ khẩu hay tạm trú nhất là tại những khu vực đông dân nhập cư đều được đi học. Trong đó, phòng giáo dục các quận, huyện cũng như nhà trường xem xét kĩ thời gian nhập hộ khẩu để tránh tình trạng chạy hộ khẩu, các trường không nhận bất kỳ hình thức đóng góp nào của phụ huynh trong quá trình tuyển sinh. Tuy nhiên, biện pháp căn bản vẫn là giảm chênh lệch cơ sở vật chất và giáo viên ở các trường:

Do vậy, tuyển sinh theo tuyến cũng là tạo điều kiện để quận - huyện tự nâng chất lượng, xây dựng trường lớp khang trang, cảnh quan sạch đẹp, tổ chức dạy học và các hoạt động ngoại khóa chất lượng đáp ứng nguyện vọng của phụ huynh, như vậy thì vấn nạn chạy trường mới được giải quyết thấu đáo.