Nỗi niềm năm học mới

(VOH) - Ngày khai giảng đang gần kề, bên cạnh niềm vui năm học mới, vẫn còn đó gánh nặng nỗi lo không có chỗ gửi con học bán trú, nỗi lo tiền học phí, tiền học thêm, những khoản đóng góp khác…đang trĩu nặng trong lòng những phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn.


Học sinh Trường tiểu học Võ Trường Toản (Q.10, TP.HCM) trong ngày khai trường - Ảnh: NHƯ HÙNG-Tuổi Trẻ

Năm nay, số học sinh tiểu học toàn thành phố tăng đột biến hơn 20.000 em, phần lớn là số học sinh vào lớp 1 sinh năm “heo vàng” 2007. Các quận, huyện có số trẻ tăng lên nhiều phải kể đến như Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp, Thủ Đức, Hóc Môn…lượng trẻ vào lớp 1 tăng từ 1.000-3.000 trẻ/quận. Mặc dù TP đưa vào sử dụng hơn 1.300 phòng học mới, tuyển mới hơn 2.000 giáo viên nhưng vẫn không đáp ứng kịp nhu cầu gia tăng chỗ học, nhất là ở cấp tiểu học.

Điều này gây ra áp lực rất lớn vì muốn đủ chỗ học thì không thể đảm bảo chỗ bán trú, học 2 buổi/ngày với sĩ số thấp. Như huyện Bình Chánh, bậc tiểu học còn thiếu 278 phòng mới đảm bảo 100% số trường dạy 2 buổi/ngày; quận Bình Thạnh đã cắt 20% và chỉ còn 40% học sinh được học 2 buổi/ngày; huyện Hóc Môn sỉ số bình quân lên đến 46 -50 học sinh/lớp vượt quá quy định và các lớp 1 bán trú thu hẹp chỉ còn 60%. Chị Thanh Thuỷ, ngụ ở Hóc Môn bày tỏ: "Tôi nghĩ một lớp khoảng chừng 30 học sinh, chứ 50 thì quá nhiều, một cô giáo mà quản lý bao nhiêu đó học sinh thì không thể nào đảm bảo được chất lượng”.

Chị Kiều Thị Kim Thu năm nay có con vào lớp 1 trường tiểu học Phan Chu Trinh, Phường 16, quận Gò Vấp cho hay: Năm nay, trường không thể đảm bảo việc tổ chức bán trú cho tất cả học sinh lớp 1, khiến chị phải bỏ dở công việc để đưa đón con đi học: “Trường của con tôi có 15 lớp một, mỗi lớp hơn 50 em. Tôi xin bán trú mà không được vì trường chỉ được có 3 lớp bán trú, ưu tiên cho con em công nhân viên chức, mình không nằm trong diện đó nên không được”.

Ông Trần Trung Hiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12 cho biết, năm học này quận bắt buộc giảm lớp bán trú, tăng sĩ số HS/lớp để giải quyết tình thế trước mắt, bởi tiến độ xây dựng không theo kịp tốc độ tăng dân: “Các trường ở Q.12, tiểu học sĩ số từ 45-47, thậm chí chúng tôi phải gồng gánh 52 học sinh/lớp. Thí dụ như trường Lê Văn Thọ hiện nay có 86 lớp với hơn 4.000 học sinh. Trường này cơ sở vật chất tốt nhưng không phục vụ nổi lượng dân quá đông như vậy, do vậy kiến nghị thành phố ghi vốn hai trường: một là trường THCS Thới An và thứ hai là trường tiểu học Đông Hưng Thuận”.

Không chỉ thiếu trường, thiếu lớp, năm học mới đã bắt đầu nhưng TP vẫn còn đang thiếu 300 giáo viên mầm non và 500 giáo viên tiểu học so với định mức ở hầu hết các quận huyện. Ngành giáo dục đã sử dụng nhiều biện pháp nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng giáo viên theo yêu cầu. Hiện các quận huyện đang kiến nghị tuyển thêm giáo viên diện KT3. Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11 cho biết: “Trên địa bàn thành phố đào tạo không kịp, quận cũng đã vận động các em tốt nghiệp phổ thông từ các phường gửi lên rồi những anh chị em cấp dưỡng, bảo mẫu có bằng tú tài, trường tạo điều kiện đi đào tạo bồi dưỡng về làm giáo viên nhưng vẫn như muối bỏ biển. Vấn đề là phải có chính sách lớn, nhất là nguồn giáo sinh có trình độ phù hợp, tôi nghĩ cũng nên quan tâm đưa vô nguồn”.

Một vấn đề khá nóng trong năm học này là TP sẽ áp dụng mức điều chỉnh học phí mới cao hơn 3-5 lần so với các năm trước. Do vậy đã có nhiều thắc mắc về việc thu chi, nhất là các khoản thường được các trường gộp lại đóng một lần vào đầu năm học. Chị Tú Anh, phụ huynh một trường tiểu học quận 12 chia sẻ, mức học phí tăng trong thời điểm mà mọi chi phí sinh hoạt khác cũng tăng sẽ là gánh nặng không nhỏ: “Tuy mức lương của cán bộ công nhân viên hiện giờ đã cải thiện nhưng không đáp ứng nổi mức tăng giá nhanh của xã hội, thế nên công nhân viên chức sẽ bị ảnh hưởng”.

Anh Nguyễn Khánh, ở quận Gò Vấp có con học trường THCS Phạm Văn Chiêu, Gò Vấp băn khoăn: Việc tăng mức phí có đồng nghĩa với giảm những khoản đóng góp khác của trường hay không? Bởi vì dù học phí tăng nhưng có vẻ không đáng kể so các khoản thu thêm chiếm đa số trong chi phí cho con đi học: "Tăng học phí đương nhiên là một gánh nặng cho gia đình, mình khó khăn nên phải làm thêm để đóng học phí, học thêm một buổi thứ Bảy là 130 ngàn/buổi và học tăng cường tiếng Anh 170 ngàn/tháng”.

Với mức thu mới, mong muốn lớn nhất của phụ huynh là tiền học phí được sử dụng hợp lý, tăng mức thu phải đồng nghĩa với tăng chất lượng giáo dục. Bác Thanh Thu, phụ huynh học sinh quận 7 cho biết: “Mình đóng góp nhiều thì các cháu sẽ được chăm sóc tốt hơn, chứ trong điều kiện hiện này chưa đáp ứng được thành ra phụ huynh đóng góp. Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, chí ít có quan hệ hỗ tương qua lại trong việc nâng cao chất lượng giáo dục chăm sóc các cháu”.

Trước những áp lực đang đè nặng trong năm học này, nhất là vấn đề liên quan đến các khoản thu chi, Sở GD-ĐT TP đang phối hợp với Sở Tài chính để sớm có văn bản hướng dẫn thực hiện. Theo đó, trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học các trường sẽ công khai minh bạch định mức và nội dung thu chi đến phụ huynh. Bên cạnh đó, đảm bảo không để bất kì một học sinh nào không được đến trường vì không có tiền đóng học phí. Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Tất cả hoạt động của nhà trường một mặt là nguồn kinh phí ngân sách của nhà nước cộng với sự kết hợp của nhà trường và xã hội, trong đó sự quan tâm đầu tư của thành phố cho giáo dục rất là lớn. Việc phân bổ ngân sách của thành phố cho giáo dục cũng hợp lý, ở địa bàn vùng sâu, vùng xa phân bổ kinh phí ngân sách sẽ cao hơn, bù lại cho phụ huynh không có điều kiện hỗ trợ cho nhà trường”.

Chỉ còn vài ngày nữa, đồng loạt các trường của Thành phố sẽ tổ chức lễ khai giảng. Giữa bộn bề giải pháp tình thế nhằm đảm bảo tất cả trẻ đều được đến trường và được học bán trú trong ngôi trường khang trang, hiện đại...hy vọng những nỗi niềm vừa được gởi gắm sẽ được ngành giáo dục có các giải pháp phối hợp với các sở ban ngành nhanh chóng giải quyết, để tạo sự yên tâm cho phụ huynh học sinh trước thềm năm học 2013-2014.