Phải tính toán lại cách thi đại học, cao đẳng

(VOH) - Kết thúc xét tuyển nguyện vọng 1, cả nước có gần 570.000 thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ. Số thí sinh đăng ký thay đổi nguyện vọng, rút nộp hồ sơ khoảng 43.000 thí sinh, tương đương với hơn 8% tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển.

Với chủ trương tổ chức thi THPT quốc gia lấy kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng là chủ trương đúng đắn. Thế nhưng thực tế, đợt xét tuyển nguyện vọng 1 cho thấy những rắc rối trong tình hình tuyển sinh, những áp lực căng thẳng của thí sinh, phụ huynh không kém gì kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ các năm trước. PGS Văn Như Cương đánh giá, phân tích nguyên nhân “vỡ trận” kỳ thi "hai trong một" qua cuộc phỏng vấn của VOH. 

Click để nghe toàn bộ phỏng vấn:

* Thưa ông, mục đích ban đầu của kỳ thi 2 trong 1 nhằm giảm chi phí cho xã hội và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh….những mục tiêu này có thực hiện được chưa ?

PGS Văn Như Cương: Tôi thấy 3 tiêu chí Bộ đề ra đều không đạt. Tiêu chí thứ nhất là đỡ tốn kém cho nhân dân. Tôi không cần phải chứng minh, vì ai cũng thấy, cứ hỏi sĩ tử thì biết tốn kém như thế nào, đi lại như thế nào, rút-nộp hồ sơ, chạy từ trường này sang trường khác ra sao….. Tiêu chí thứ hai là đỡ căng thẳng, không gây sốc cho học sinh, để cho học sinh thoải mái với kỳ thi. Điều này lại càng không cần chứng minh vì ai cũng rõ thực tế thế nào ! Tiêu chí thứ ba không kém phần quan trọng mà Bộ đưa ra là giúp tư liệu cho các trường đại học tuyển sinh dễ dàng, tuyển đúng người, tuyển được học sinh giỏi…. thì cũng thất bại. Bởi thực tế hiện nay, học sinh chỉ cần vào được một trường đại học nào đó mà thôi chứ không cần đó là ngành học mình yêu thích, hay đó là sở trường, là mơ ước sau khi ra trường làm việc. Ví dụ, thí sinh được 27 điểm nộp hồ sơ ngành y cứ tưởng là đậu nhưng sau đó bị “văng ra” khỏi danh sách. Vậy thì thôi không học y nữa, chuyển sang nộp vào ngành điện tử hoặc phiên dịch, thương mại….Kết quả, các trường đại học không tuyển được học sinh mong muốn được học ngành mình yêu thích, như vậy là thất bại.

Đợt xét tuyển ĐH, CĐ đầu tiên gây nhiều khó khăn cho thí sinh - Ảnh: NLĐ.

* Mục tiêu nghề nghiệp của thí sinh đã không thể hiện rõ ràng qua đợt xét tuyển này phải không, thưa ông ?

PGS Văn Như Cương: Đúng ! Học sinh không chọn được ngành mình yêu thích. Năm trước, thí sinh được chọn ngành, nghề mình thích hay không thích để đăng ký nguyện vọng, nếu trượt là trượt. Còn bây giờ, 4-5 năm tới, chúng ta đào tạo một số người và cho tốt nghiệp cử nhân một số người không yêu, không thích nghề của mình, không cố gắng học tập cái nghề ấy thì những người ấy sẽ làm việc thế nào.. Đó có phải là sự lãng phí suốt mấy năm tới hay không ?

* Theo ông, những bất cập trong kỳ thi tuyển sinh "2 trong 1" bắt nguồn từ những nguyên nhân nào ?

PGS Văn Như Cương: Tôi nghĩ có 3 vấn đề. Một là, thi "hai trong một", một kỳ thi vừa xét tốt nghiệp vừa thi đại học vào trong một bài thi, tôi nghĩ đó là điều rất dở, đây là xuất phát điểm cần phải xem lại. Thứ hai, là khi ta xét vào đại học cho quá nhiều nguyện vọng. Mỗi nguyện vọng trong một trường lại nhiều ngành nghề khác nhau. Lý ra, thí sinh chỉ được chọn nhiều nguyện vọng ngành trong các trường khác nhau, chứ không phải là chọn nhiều nguyện vọng ngành nghề khác nhau trong một trường. Điều này thể hiện sự yếu kém về định hướng. Nguyên nhân thứ ba là về công nghệ thông tin, nếu Bộ chuẩn bị lâu dài, cẩn thận, huy động nhiều chuyên gia vào cuộc thì có thể thí sinh chỉ cần ngồi một chỗ thôi chứ không cần phải đi tới đi lui nộp hồ sơ. Thêm nữa, khi kế hoạch đề ra, những người thực hiện không lường trước được những bất trắc do đó không có phương án “chữa cháy” kịp thời.

* Theo ông cần những giải pháp nào để khắc phục tình hình tuyển sinh các năm tiếp theo ?

PGS Văn Như Cương: Tôi chỉ có ý kiến thế này: hãy tổng kết kỳ thi đổi mới này, phải nói rõ ta được điểm nào, không được điểm nào. Nếu như phần chưa được nhiều quá thì phải bỏ hẳn đi và làm lại, thậm chí trở lại như kỳ thi năm ngoái tôi thấy còn tốt hơn. Tôi đề nghị nên nghiên cứu, cải tiến những phương án như năm ngoái. Đặc biệt, Bộ nên nghiên cứu phương án tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội tổ chức làm bài thi đánh giá năng lực đầu vào. Thí sinh chỉ làm bài trong một buổi là xong, rất gọn nhẹ mỗi người một máy tính, làm xong là máy tính chấm điểm ngay, thí sinh cũng không thể học lệch được… Bộ GD-ĐT phải mạnh dạn, phải nhìn vào thực tế để có sáng kiến vì thí sinh chứ không vì ai khác. Bộ phải phải làm sớm, ít nhất là đến tháng 10 năm nay phải có kế hoạch cho kỳ thi năm sau là thi như thế nào, chứ không nên làm muộn như năm ngoái.

Cám ơn ông !