Ra biển lớn, gặt tinh hoa

(VOH) - Tìm ra một hướng điều trị mới hay ứng dụng phương pháp tiên tiến của nền y học thế giới luôn là những mong muốn cháy bỏng của các bác sĩ đam mê, đau đáu với nghề nghiệp. Với họ, câu hỏi "tại sao" và "tại sao" luôn thường trực trong đầu để rồi, trong hành trình đi tìm câu trả lời lắm lúc khiến họ phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ...

Chấp nhận dấn thân

Hơn 10 năm điều trị cho bệnh nhân bị đột quỵ, Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Trưởng khoa bệnh lý mạch máu não – bệnh viện Nhân dân 115 vẫn còn nhớ rõ nhiều trường hợp mà ông từng đưa bệnh nhân về cuộc sống đời thường một cách ngoạn mục. Như cách đây mấy năm, có một bệnh nhân nữ tuổi đời còn rất trẻ, ngày cưới đã cận kề không may lại bị đột quỵ, lúc đó vào viện bệnh nhân đã trong tình trạng liệt nửa người. …Nếu không triển khai ngay tiêm thuốc tiêu sợi huyết cứu bệnh nhân, thì có lẽ, không nói ai cũng hiểu tương lai của cô dâu ấy sẽ như thế nào.

Lắm lúc cuộc đời giống như câu chuyện cổ tích và phép màu đã đưa cô gái trẻ về với cuộc sống bình thường…Từ trạng thái liệt một bên, khi tiêm thuốc tiêu sợi huyết - một phương pháp điều trị đột quỵ mới, cô gái ấy đã bắt đầu cử động chân tay, khôi phục lại chức năng hoạt động bình thường. Hiện tại, bệnh nhân nữ ấy có cuộc sống hạnh phúc bên chồng con và đã định cư ở nước ngoài… Bác sĩ Thắng cho biết, từ lúc chẩn bệnh, cho đến khi tìm kiếm phương pháp điều trị hữu hiệu nhất là cả một quá trình tâm lí rất dữ dội.

"Triều trị bệnh đòi hỏi sự phối hợp đồng điệu của nhiều chuyên khoa. Một bệnh viện đi vào quy trình như vậy đặt người bác sĩ vô hoàn cảnh mệt nhọc hơn, áp lực hơn. Người ta cứ tưởng chích thuốc này 100% bệnh nhân sẽ khỏi nhưng sự thật vẫn còn 5 % đối mặt với nguy cơ xuất huyết và tử vong. Giả sử người bác sĩ gặp 5% đó thì phải đối mặt với kiện cáo làm cho họ chùn tay, không muốn làm nữa. Thà không làm gì bệnh nhân không kiện cáo, bác sĩ khỏe hơn", Bác sĩ Nguyễn Huy Thắng thẳng thắn nhìn nhận.

TS-BS Nguyễn Huy Thắng thăm bệnh tại Bệnh viện Nhân dân 115 - Ảnh: Thuận Thắng (TTO).

Tốt nghiệp bác sỹ năm 1993, đến năm 2006, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng xin được học bổng, bắt đầu chuỗi ngày tiếp cận, nghiên cứu những kỹ thuật y học tiên tiến của thế giới với chuyên sâu về điều trị cho bệnh nhân đột quỵ, áp dụng cho đối tượng nhập viện trong 3 giờ đầu. Ở Mỹ, từ những năm 1995, người ta đã áp dụng đại trà nhưng khi đó ở Việt Nam thì chưa có cơ sở y tế nào triển khai. Phải mất gần 10 năm, khi tiếp nhận kiến thức, rồi được các giáo sư nước ngoài tận tình chuyển giao. Về nước, bác sĩ Thắng quyết tâm bắt tay thực hiện cho bằng được. Thời điểm đó, nhiều người e ngại cho bác sỹ Thắng, bởi nếu không thành công, thì ông đã đem cả sự nghiệp của mình ra đánh cược, quá trình làm nghề sẽ trở về con số 0.

Tuy nhiên, những cảnh báo đó không hề làm lung lay lập trường kiên định của bác sĩ Thắng. Bởi “làm bác sĩ là phải chấp nhận dấn thân”, không lao ra biển lớn thì làm sao tiếp cận được với tinh hoa ngành y tiến tiến trên thế giới. Với việc mạnh dạn áp dụng phương pháp điều trị mới, bác sĩ Huy Thắng giúp đỡ rất nhiều bệnh nhân thoát được cảnh tàn tật cho đến cuối đời. Niềm vui của bác sỹ Nguyễn Hữu Thắng không ở đâu xa, mà chỉ giản đơn ở chính ngay cảm nhận của bệnh nhân khi nói về về mình. "Bệnh viện lớn nào có điều kiện nên cử người đi nước ngoài học như bác sĩ Thắng, nhân rộng những người như bác sĩ Thắng đi học nước ngoài về phục vụ cho đất nước. Phác đồ bác sĩ Thắng áp dụng cho mình rất tốt, rất hiệu quả", một bệnh nhân được bác sĩ Thắng điều trị nói.

Miệt mài nghiên cứu

Những ngày giáp Tết, nhìn vẻ mặt rạng ngời của từng đôi vợ chồng líu ríu bế con đến chào bác sĩ để về quê ăn Tết, nhìn họ hạnh phúc với thiên thần nhỏ khỏe mạnh, giây phút đó dù thoáng qua nhưng cũng đủ để cho bác sĩ Vũ Tề Đăng, phó khoa sơ sinh - bệnh viện Từ Dũ có một cảm giác ấm áp lạ thường.

Không mở phòng mạch tư như nhiều đồng nghiệp khác, bác sĩ Đăng đã dành trọn cả ngày bên những bệnh nhi nhỏ xíu rất cần vòng tay chăm sóc, nâng đỡ của các lương y. So với những trẻ sinh đủ ngày đủ tháng, thì những bé này chịu thiệt thòi rất nhiều, vừa chào đời chưa bén hơi mẹ đã phải sống trong lồng ấp. Mà không phải có một ngày, nhiều em gắn với lồng kín, đèn sưởi, hay phải thở oxy hàng tháng trời. Trẻ mới sinh dù đủ tháng, nuôi đã khó, nói chi là những bé ra đời chưa đầy kí thì càng khó vì thường kèm với những bệnh lí khác.

Ngày làm trong bệnh viện, những đêm không trực ca, bác sĩ Đăng lại bắt tay tìm tòi những kĩ thuật mới, những phương pháp cứu sống bệnh nhi mà trước nay bệnh viện thường bất lực…Chỉ trong vài năm, bác sĩ Đăng cho ra đời hàng loạt đề tài như: xuất huyết não ở trẻ sơ sinh rất nhẹ cân và một số yếu tố có liên quan; hiệu quả của dàn đèn photobed trong việc điều trị vàng da cho trẻ sơ sinh tại bệnh viện Từ Dũ; ảnh hưởng của phương pháp Kangourou lên việc tưới máu não ở trẻ sơ sinh non tháng; nghiên cứu sự trưởng thành của vùng vỏ não thị giác thông qua đáp ứng của não đối với ánh sáng, đo đạc bằng siêu âm Doppler xuyên sọ… Gần đây, trong tâm trạng vô cùng phấn khởi, bác sĩ Đăng cho biết rất vui khi đã cứu sống trẻ sinh non bị bệnh lí rối loạn chuyển hóa mà những trường hợp này trước kia y học đành bó tay. "Khi mình làm nghiên cứu ra kết quả, ứng dụng lại trên thực tế với các em bé và kết quả đạt được khả quan thì mình rất rất vui! công sức nghiên cứu của mình đã được đáp trả bằng sự khỏe mạnh của trẻ sơ sinh. Điều đó làm cho người bác sĩ rất hạnh phúc", bác sĩ Đăng chia sẻ. Hạnh phúc của người bác sĩ ấy chính là sự khỏe mạnh của các bé sơ sinh, lần lượt xuất viện ra về …

Tiến sĩ - bác sĩ Vũ Tề Đăng đang chăm sóc các bé sơ sinh tại phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Từ Dũ - Ảnh: Lê Thanh (TNO).

Nói sao cho hết lòng biết ơn của cha mẹ các bé dành cho bác sỹ Vũ Tề Đăng. Anh Nguyễn Văn Hòa có con đã từng được nuôi dưỡng 20 ngày tại khoa khi bé sinh ra chỉ nặng 1,1 kg xúc động nói: "Bác sĩ rất nhiệt tình trong công việc, rất nghiêm túc, cái gì người nhà cần bác sĩ giúp được thì giúp. Gia đình không được vào phòng cách li nhiều, chỉ nhìn con mình thôi, tất cả là do bác sĩ chăm sóc, đến ngày bé ra thấy nó khỏe mạnh là mình mừng. Giờ nói cảm ơn hết lời không nói sao hết được".

Kim chỉ nam trong hành trình tìm kiếm không mệt mỏi những phương pháp mới của bác sỹ Vũ Tề Đăng đó là: “trẻ con sinh ra nào có biết gì, ra đời với cơ thể yếu ớt, bệnh tật bủa vây...bằng tất cả tình thương, lòng yêu nghề và nhiệt huyết của mình, tôi chấp nhận một cuộc dấn thân…”  Chấp nhận dấn thân, ra biển lớn để tìm tòi và tiếp cận những kiến thức mới, phương pháp hay và ứng dụng vào từng lĩnh vực mà mình đảm trách thì kết quả tất yếu sẽ gặt hái được tinh hoa trong nghề.

TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM đánh giá rất cao tinh thần xung kích này ở đội ngũ y bác sỹ, không hài lòng với những gì đang có mà luôn tìm tòi sáng tạo để giảm chi phí điều trị và ngày càng giúp nhiều người bệnh thoát khỏi lưỡi hái của thần chết: "Người dân đến với mình - mình chữa trị, không được chuyển đi. Thậm chí trước đây có những trường hợp bệnh nhân có đủ kinh phí mà mình không làm được, buộc phải chuyển đi nước ngoài. Bệnh viện phải luôn quan tâm phát triển chuyên môn kĩ thuật phù hợp với mô hình bệnh tật và phân tuyến chuyên môn kĩ thuật, đòi hỏi lãnh đạo bệnh viện và bác sĩ phải liên tục học hỏi, trau dồi kỹ năng nghiên cứu khoa học triển khai trong điều trị. Đây là nhu cầu bức thiết mà bệnh viện nào cũng phải phát triển".

Với những bác sỹ luôn đau đáu công việc cứu người, đổi lại những chuỗi ngày trắng đêm miệt mài nghiên cứu, hay những chuyến đi biền biệt nơi xứ người để gặt hái tinh hoa, mang lại cuộc sống mới, sinh mệnh mới cho bệnh nhân của mình. Với họ, đó chính là hạnh phúc và niềm vui mà cuộc sống mang lại.