Thêm nhiều chỗ học cho con công nhân: Niềm vui song hành với nỗi lo

(VOH) - Từ tình trạng các nhóm trẻ tự phát mọc lên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Để công nhân an tâm lao động sản xuất, từ nhiều năm nay TPHCM đã đẩy mạnh đầu tư xây dựng các trường mầm non tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Tin vui là bắt đầu từ năm học 2016-2017 sẽ có thêm nhiều trường mầm non ra đời phù hợp với điều kiện và nhu cầu gửi trẻ là con em công nhân.

Từ năm 2014 thành phố đã triển khai đến 22 dự án xây dựng trường mầm non tại 12 KCX - KCN giải quyết chỗ học cho gần 6.000 con công nhân. Trong đó, đã có 6 dự án đi vào hoạt động tại các khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái, Vĩnh Lộc.

Ảnh minh họa - Nguồn: LĐO.

Hơn 1.500 chỗ học tại các KCN và KCX

Năm học tới sẽ có thêm 3 trường mới đưa vào sử dụng ở khu chế xuất Tân Thuận, khu chế xuất Linh Trung 1 và khu công nghiệp Tân Bình với hơn 1.500 chỗ học.

Q.Bình Tân đang triển khai xây mới trường mầm non Đỗ Quyên và trường mầm non Hồng Mai tại Khu công nghiệp Tân Bình. Đến nay trường mầm non Đỗ Quyên hoàn thành 90% tiến độ, kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học mới với quy mô 20 phòng học và phòng chức năng đáp ứng chỗ học cho hơn 600 trẻ. Tuy nhiên, còn trường mầm non Hồng Mai dự kiến khởi công từ tháng 01/2016 nhưng đến nay chưa triển khai do gặp khó khăn trong giải tỏa mặt bằng, quận đang tập trung tháo gỡ vướng mắc đảm bảo tiến độ xây trường.

Trong năm học mới Q. Bình Tân có 22 trường mầm non công lập, tỉ lệ 24 trẻ nhà trẻ/nhóm và 38 trẻ mẫu giáo/nhóm đều cao hơn chuẩn quy định. Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q. Bình Tân chia sẻ: “Trường mầm non giữ trẻ 6-18 tháng tuổi năm nay tăng thêm trường nằm trong khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), cấp thiết giải quyết cho con công nhân ở các tỉnh lên thành phố dù chỗ học ở thành phố chật hơn ở các tỉnh”.

Với 3 Khu chế xuất - Khu công nghiệp là Linh Trung 1, Linh Trung 2 và Bình Chiểu, Q.Thủ Đức luôn thiếu chỗ học cho con em công nhân. Năm học mới này, áp lực phần nào được giải tỏa khi trường mầm non Khu chế xuất Linh Trung 1 với quy mô 20 lớp nhận 564 học sinh đến nay khối lượng thi công lắp đặt đạt 45%. Hy vọng kịp thời đưa vào sử dụng trong năm học 2016-2017. Còn dự án trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 2  với quy mô 15 lớp nhận 457 học sinh đang lựa chọn nhà thầu lập thiết kế bản vẽ thi công và dự toán, dự kiến trường này sẽ đưa vào sử dụng năm học 2017-2018. 

Năm học mới, phụ huynh là công nhân khu chế xuất Tân Thuận đón tin vui khi trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận khởi công từ tháng 3/2015 đến nay sẽ dự kiến khánh thành vào ngày 01/06/2016 đáp ứng chỗ học cho 510 học sinh.

Công trình trường mầm non Khu chế xuất Tân Thuận đang trong giai đoạn hoàn thành và dự kiến khánh thành đầu tháng 6 tới. Ảnh: P.ANH (PLO)

Niềm vui cũng song hành với nỗi lo

Vì là những trường dành riêng cho con em công nhân nên có đặc thù riêng như mở lớp nhận trẻ 6-18 tháng tuổi và tổ chức giữ trẻ theo ca kíp làm việc của công nhân gồm hai ca: ca một từ 6 giờ đến 14 giờ và ca hai từ 14 giờ đến 21 giờ và nhận trẻ cả ngày thứ Bảy. Do mô hình quá mới nên các trường vẫn lúng túng với chế độ hỗ trợ cho giáo viên giữ trẻ ngoài giờ hành chính.

Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, phó phòng GD-ĐT Q.Thủ Đức cho biết Công đoàn các KCX - KCN không có kinh phí cho khoản hỗ trợ này, kiến nghị mức hỗ trợ cho giáo viên giữ trẻ ngoài giờ đến nay vẫn từ ngân sách hoặc nhà trường và phụ huynh tự thỏa thuận: “Phòng GD-ĐT đề nghị hai phương án: một là hỗ trợ từ kinh phí ngân sách; hai là từ sự hỗ trợ của phụ huynh như hiện nay trên địa bàn quận Thủ Đức có những trường ngoài công lập giữ tăng ca cho phụ huynh theo thỏa thuận từ 10.000-20.000 đồng/giờ".

Cùng lúc nhiều trường mới đi vào hoạt động trong năm học 2016-2017 mà lại làm việc theo ca nên việc nên việc tuyển giáo viên, nhân viên ở các trường này đang gặp nhiều  khó khăn. Để giữ trẻ theo ca thì một lớp cần tăng thêm giáo viên nghĩa là cần 4 cô/lớp để đổi ca với nhau, thay vì chỉ cần hai cô/lớp như bình thường. Trước tình hình này, quận 7 dự tính điều chuyển giáo viên từ các trường mầm non trên địa bàn về công tác trong khi chờ giải quyết kiến nghị tăng nhân sự cho trường mới.

Theo Thông tư liên tịch 06 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ thì trường mầm non chỉ có hai vị trí là y tế phải kiêm công tác kế toán và văn thư phải kiêm công tác thủ quỹ, rất bất cập hoạt động của trường có quy mô lớn trên 500 học sinh. Cũng theo Thông tư 06 cũng không có vị trí nhân viên nuôi dưỡng, trên thực tế đội ngũ này chưa có định biên, lương thấp nên khó tuyển người. Trong khi các trường rất cần bổ sung chức danh nhân viên nuôi dưỡng để hỗ trợ giáo viên chăm sóc trẻ, vệ sinh phòng học, nhà vệ sinh, đồ dùng, đồ chơi.

Bà Trần Bích Ngọc, Phó Phòng GD-ĐT Q.7 băn khoăn: “Đối với biên chế nhân viên nuôi dưỡng thì theo Thông tư tư liên tịch 06 giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ không có chức danh này. Mà hiện nay trường mầm non không có nhân viên nuôi dưỡng rất khó khăn thực hiện vệ sinh môi trường mầm non”

Trước những khó khăn vừa nêu, trong thời gian tới Sở GD-ĐT TPHCM, Sở Nội Vụ và Sở Tài Chính sẽ phối hợp xây dựng phương án nhân sự, chế độ hỗ trợ cho giáo viên theo tình hình thực tế.

Tuy số trường có tăng thêm nhưng vẫn chưa thể giải quyết được hết nhu cầu học tập cho con em công nhân. Hiện nhiều trường phải đang co kéo diện tích để có thêm nhiều chỗ học. Chính vì vậy, thành phố đã có chủ trương điều chỉnh đất trong KCX - KCN để bố trí thêm địa điểm xây dựng trường.

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP cho biết: “Chủ trương của thành phố là hết sức tạo điều kiện cho công nhân, công chức, viên chức, người lao động đang làm tại khu chế xuất - khu công nghiệp tạo sự phát triển chung kinh tế xã hội”.

Nghị quyết 01 về hỗ trợ mầm non trên địa bàn TP.HCM đã đáp ứng nhu cầu bức thiết về chỗ học, giữ trẻ từ 6-8  tháng tuổi cho con công nhân. Trước những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ, để đề án triển khai có hiệu quả trong thực tế rất cần sự quyết tâm và vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ban ngành để công nhân an tâm lao động sản xuất góp phần vào sự phát triển của TP.