Thí điểm điều trị cho người nghiện ma túy bằng Suboxone

(VOH) - Ngày 12/5, UBND TPHCM, Ủy ban Phòng chống AIDS và Trung tâm Y tế Dự phòng quận Gò Vấp khai trương cơ sở y tế đầu tiên trên cả nước điều trị thuốc cai nghiện mới Suboxone cho 200 người nghiện ma túy trong vòng 2 năm dưới sự tài trợ của tổ chức E’sther (Pháp) và Viện Quốc gia Hoa Kỳ về lạm dụng ma túy.

Hiện có khoảng 30 bệnh nhân tự nguyện tham gia vào chương trình nghiên cứu này.

Nguyễn Quốc Bảo là một trong những bệnh nhân tham gia uống Suboxone đầu tiên trong dự án nghiên cứu. Sử dụng ma túy hơn 10 năm nay, 5 lần đi cai nghiện nhưng không thành công cho biết: “Uống vô không bị vật vã. Thời gian dò liều từ 3 ngày đến một tuần thì mấy ngày đầu cảm thấy hơi mệ, nhưng sau đó bình thường. Thuốc này thuận tiện là cách 2 đến 3 ngày mới dùng một lần. Mình có thời gian đi làm việc chứ không như Methadone ngày nào cũng phải uống. Thuốc này phải uống trong 6 tháng, sau đó mới giảm liều, giảm từ từ đến khi nào hết thì thôi”.

Hội đồng khoa học Bộ Y tế đã phê duyệt đề tài nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 4 về điều trị cai nghiện bằng Suboxone. Đây là loại thuốc mới có ưu điểm hơn hẳn Methadone bởi thuốc có thời gian bán hủy dài hơn, không tương tác với thuốc lao và thuốc điều trị HIV/AIDS. Những người này, nếu cai nghiện bằng Methadone sẽ phải dùng liều cao gấp 2-3 lần so với liều thông thường nên chi phí điều trị tốn kém và có khả năng gây độc cao. Bác sĩ Nguyễn Trung Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng quận Gò Vấp phân tích, thuốc Suboxone phú hợp với người nghiện khá lâu, người nghiện bằng đường tiêm chích, người nghiện có nguy cơ cao về bệnh lao, HIV. Nếu người mới nghiện thì không nên uống Suboxone.

Suboxone, loại thuốc mới có nhiều ưu việt hơn Methadone - Ảnh minh họa (Nguồn Infonet).

Theo khẳng định của Tiến sĩ, bác sĩ Lê Trường Giang – Chủ tịch Hội Y tế Công cộng – đại diện thực hiện dự án này tại TPHCM, những người nghiện các chất dạng thuốc phiện sẽ được uống Suboxone miễn phí trong vòng một năm điều trị. Sau 2 năm thực hiện chương trình cho 200 người Nhà nước và Bộ Y tế sẽ đánh giá hiệu quả để tiếp tục mở rộng chương trình. “Việc mở rộng sẽ có nhiều phương thức. Có thể là xã hội hóa, tức là người bệnh phải trả tiền hoặc Nhà nước một phần và xã hội hóa một phần. Cái này chưa nói trước được. Chúng ta còn phải chờ kết quả nghiên cứu”. Ông Giang cho biết. 

Tại TPHCM hiện quản lý hồ sơ của 19.000 người nghiện. Theo bác sĩ Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP, việc sử dụng ma túy qua đường tiêm chích đã kéo theo sự bùng phát dịch HIV, viêm gan B và C, làm tăng tỷ lệ nhiễm HIV trên các đối tượng khác trong cộng đồng. Từ tháng 4/2014, TPHCM triển khai điều trị Methadone thay thế các chất dạng thuốc phiện được đánh giá rất khả quan, mang lại lợi ích cho bản thân và gia đình người nghiện. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có khoảng 2.000 người được điều trị tại cộng đồng. “Đây là chất điều trị cai nghiện mới tại Việt Nam, tuy nhiên ở các quốc gia châu Âu đã chứng minh là có hiệu quả. Chính vì vậy, việc triển khai ở Gò Vấp sẽ giúp chúng ta có một phương pháp điều trị mới và được đa số người nghiện tin tưởng sẽ tuân thủ theo phác đồ này”.

Một số điểm khác biệt giữa hai loại thuốc này là thuốc Methadone bán hủy trong vòng 24 giờ nên người điều trị Methadone phải uống thuốc này hàng ngày. Đối với thuốc Suboxone, thuốc có thời gian bán hủy dài hơn, từ 37 đến 48 giờ nên người điều trị chỉ cần uống 2 hoặc 3 lần một tuần. Do vậy, điều trị bằng Suboxone giúp có lợi hơn về thời gian, tạo điều kiện để người điều trị có thể làm việc nhiều hơn như khẳng định của ông Vincent Trias – Điều phối viên của dự án E’sther tại TPHCM: “Thuốc Suboxone là thuốc mới vào ở Việt Nam và chắc chắn thuốc này sẽ giúp xã hội, bệnh nhân, gia đình rất nhiều. Dự án 5 năm tại VN nhưng bây giờ chúng tôi đang suy nghĩ để có một dự án khác với hy vọng thuốc này vào nhiều hơn ở Việt Nam”.