Thông tin chính thức kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2012

(VOH) - Sáng 14/2, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến Hiệu trưởng các trường ĐH-CĐ. Những thông tin mới nhất trong kỳ thi tuyển sinh năm 2012 này như bổ sung khối thi A1, xét tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia vào ĐH-CĐ, kéo dài thời gian xét tuyển đến 31/12, điều chỉnh lịch thi năm 2012...cùng với lộ trình đổi mới tuyển sinh đến năm 2020 đã được thống nhất và chính thức công bố tại hội nghị.


Thi đại học. Ảnh minh họa-Internet.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho hay, bên cạnh việc giữ ổn định theo giải pháp 3 chung, kỳ thi tuyển sinh năm 2012 bổ sung 5 đổi mới cơ bản. Thứ nhất, là tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải trong kỳ thi quốc gia vào các trường ĐH, CĐ có ngành đúng hoặc gần đúng với môn học sinh đạt giải. Thứ hai là giao cho các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xét tuyển; ba là bổ sung cụm thi Hải Phòng và cho phép thí sinh dự thi tại cụm Vinh đăng ký học tại các trường ĐH tại TPHCM. Về thời gian thi, kỳ thi năm nay sẽ được tổ chức vào thứ 7, chủ nhật cho các đợt thi. Cụ thể, đợt 1 sẽ diễn ra vào ngày 07 và 08/07, đợt 2 diễn ra vào ngày 14 và 15/07, đợt 3 vào ngày 21 và 22/07. Ngoài ra Bộ sẽ không in và phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh như những năm trước.
PGS.TS Đinh Xuân Khoa, hiệu trưởng ĐH Vinh bày tỏ sự đồng tình với những đổi mới tuyển sinh năm 2012 của Bộ GD-ĐT, trong đó ông nhấn mạnh, việc tuyển thẳng học sinh đạt giải quốc gia vào ĐH sẽ là niềm khích lệ cho các em học sinh:

Về việc bổ sung khối thi A1, TS Đỗ Hữu Tài, Hiệu trưởng ĐH Lạc Hồng, Đồng Nai cho rằng, khối A1 tách ra từ khối A, trong khi đó có những ngành nghề không cần kiến thức môn Hoá, song song đó nếu thi khối A1 với môn Tiếng Anh, đây sẽ là tiền đề để phát triển và đáp ứng đề án nâng cao tiếng anh trong nhà trường. Tuy nhiên, TS Đỗ Hữu Tài cũng bày tỏ sự lo ngại trước tình trạng mất cân đối ngành nghề trong xu hướng chọn ngành của thí sinh hiện nay:

Về vấn đề này, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ cần rà soát lại chỉ tiêu các ngành nghề đến năm 2020, đồng thời tăng cường dự báo nguồn nhân lực để xây dựng có tính chiến lược lâu dài. Thực tế tuyển sinh nhiều năm qua cho thấy, có đến hơn 40% sinh viên theo học các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh và tài chính ngân hàng…Thế nhưng, Bộ vẫn chưa có giải pháp để điều chỉnh sự mất cân đối này.

Đại diện cho các trường thuộc khối năng khiếu - nghệ thuật, PGS.TS Trần Thanh Hiệp, Hiệu Trưởng Trường ĐH Sân Khấu Điện ảnh Hà Nội kiến nghị nên bỏ thi môn Văn hoặc có cơ chế đặc thù đối với các trường này, ông nói:
Liên quan đến các trường khối ngành năng khiếu - nghệ thuật, TS Văn Thị Minh Hương, giám đốc Nhạc viện TPHCM cho rằng, đào tạo trung cấp đối với khối ngành nghệ thuật là tiền đề quan trọng và là nguồn tuyển chính vào ĐH. Do đó, nếu xoá đào tạo trung cấp trong các trường đặc thù này là không hợp lý. Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho hay, đối với những vấn đề liên quan đến các trường này sẽ có cơ chế thi tuyển, đào tạo, chỉ tiêu….đặc thù riêng và sẽ được thống nhất trong thời gian tới.

Riêng việc Bộ không in và phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh, GS Phạm Vũ Luận, Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT có ý kiến:
Một điểm mới trong khâu tuyển sinh năm nay là việc các trường được xét tuyển không giới hạn, và kết thúc trước ngày 31/12. Trước nhiều ý kiến đề nghị dời ngày kết thúc xét tuyển sớm hơn, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM cho rằng, đổi mới trong khâu xét tuyển là một bước tiến quan trọng trong đổi mới tuyển sinh:

Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho hay, lộ trình đổi mới tuyển sinh đến năm 2020 sẽ có những thay đổi sau: từ nay đến năm 2015, vẫn tuyển sinh theo giải pháp 3 chung, sẽ có điều chỉnh bổ sung khối thi, tổ hợp khối xét tuyển, đồng thời giao cho các trường ĐH trọng điểm, các trường năng khiếu xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Từ năm 2016 - 2019, chỉ tuyển sinh một đợt, nhiều môn, trong đó sẽ có 2 môn bắt buộc và Toán và Ngữ Văn và các môn tự chọn. Từ năm 2020 trở đi, khi Luật Giáo dục thực hiện, việc thi tuyển chỉ còn diễn ra ở các trường ĐH tốp đầu, các trường ĐH theo định hướng nghiên cứu. Các trường còn lại sẽ xét tuyển dựa trên kết quả phổ thông.