Tình yêu trò thắp sáng lòng yêu nghề

(VOH) - Chưa bao giờ hết khó khăn, nhưng cũng chưa bao giờ lùi bước… Mong ước lớn nhất của những giáo viên vùng sâu vùng xa TP là học sinh của mình chăm chỉ, vượt qua những gian nan để thành người.

Nhờ tình yêu thương và sự dạy dỗ của thầy cô mà những đứa học trò nghèo quanh năm chỉ biết đến ruộng đến vườn đã biết mơ những giấc mơ lớn hơn ngoài việc trở thành những người nông dân như cha mẹ mình.   

Để đến trường, các học sinh ở trường THPT Long Thới, huyện Nhà Bè, TPHCM phải qua đò. Ảnh: Dân trí

Chỉ cách cây cầu Phú Xuân, trong khi nhờ đô thị hóa, quận 7 đã mọc lên san sát những tòa nhà cao tầng thì người dân ở huyện Nhà Bè còn “thôn quê” lắm, quanh năm quanh quẩn với ruộng vườn, hôm nhập trường dắt tay con đến tận cửa lớp tha thiết: “tôi ít học, trăm sự nhờ... thầy cô”. Mà thật vậy, chuyện học trò ở các xã Hiệp Phước, Nhơn Đức, Long Thới hàng ngày phải có mặt trên những chuyến đò ngang từ 4, 5 giờ sáng để kịp bắt xe buýt tới trường vẫn là chuyện thường. Nhưng đâu chỉ đối diện với chuyện đò giang cách trở… Trong số 1.200 học sinh của trường THPT Long Thới, có đến 40% thuộc diện hộ nghèo. Các em một buổi đi học, một buổi đi làm vườn, rửa chén, chằm lá thuê đến khuya, hay có em phải lội sông bắt cá từ tờ mờ sáng… Lấm lem, thiếu thốn là thế, vậy mà trời mưa học trò vẫn lội nước đến trường, vẫn dành cho thầy cô những tình cảm mộc mạc chân thành. Các giáo viên “bén duyên” với trường từ khi mới có trường. Ấy là khi ngày mưa ngập nước mênh mông không phân biệt đâu là sông đâu là đường, vì con sông chạy dọc theo đường, học trò ngày nào cũng ra dẫn đường vì lo thầy cô bị ngã xe. Có lẽ chính tình nghĩa thầy trò trong trẻo đã giữ chân gần 80% thầy cô phương xa với ngôi trường của những học trò nghèo này. Nhiều giáo viên của trường THPT Long Thới ngày ngày vượt đoạn đường 20km để đi dạy, trời chưa sáng tỏ là các thầy cô đã vội vã tới trường, trên ghi đông lúc nào cũng toòng teng cà men cơm.  Lương chỉ ở mức 2.000.000 - 2.500.000 đồng/tháng nhưng nhiều thầy cô không bỏ đi. Cô Lê Thị Hoàng Oanh, giáo viên môn sinh bày tỏ:

Cứ như thế, ngôi trường qua bao thế hệ vẫn ấm áp với những mẩu chuyện về những thầy cô giáo từ xa về nguyện gắn bó với học trò. Thu nhập không cao, có không ít thấy cô phải thuê nhà trọ để ở, cuộc sống khá chật vật. Vậy mà các thầy các cô không chút đắn đo khi trích những đồng lương ít ỏi của mình đóng học phí cho trò. Biết được ở đâu có chương trình học bổng, thầy cô tự xoay sở làm hồ sơ cho các em. Học trò ra trường, thầy cô tìm đến những người quen biết gửi gắm chỗ trọ, chỗ làm thêm cho các em học ĐH, CĐ. Thậm chí quên đi cả bất hạnh riêng để chăm lo cho sự nghiệp trồng người… Như thầy Mạc Đinh Trung, dạy Văn, một tay vừa chăm sóc người vợ bị tai biến nằm một chỗ, vừa lo động viên hai con học tập thành tài, song vẫn chu toàn công tác. Vất vả là thế, nhưng thầy gắn bó rất lâu với trường, bởi dường như trong thầy, vắng những khuôn mặt thơ ngây, từng con chữ của học trò mới là nỗi buồn lớn nhất. Thầy Trung thường nhắn nhủ: “hãy biết ước mơ, các em cũng có thể mơ những giấc mơ lớn, bởi các em có khả năng, chỉ cần nỗ lực hết sức, rồi một ngày các em sẽ có thể tự hào bước đi trên đôi chân mình, trở về xây dựng quê hương Nhà Bè”:

Có lẽ, hình ảnh cậu học sinh cá biệt đứng khóc ngon lành giữa sân trường, tay run run ôm bộ quần áo mới của thầy cho vẫn còn đọng mãi trong lòng thầy Lê Duy Tuấn, trường THCS Long Phước, quận 9 đến tận bây giờ. Là vùng xa nhất của quận 9, tứ bề sông nước, chính mảnh đất Long Phước hiền hòa, chính tình yêu từ những lớp học sinh đầu trần, chân đất đã níu chân thầy Tuấn và nhiều thầy cô khác gắn bó với các em đến ngày hôm nay. Những năm 90, khi cù lao Long Phước, quận 9 vẫn còn “đò sông cách trở”, mái lá lụp xụp bên dòng kênh, thầy giáo Tuấn đã bắt đầu gắn bó với học sinh nơi đây. Những ngày mưa, con đường đất đỏ lún sâu, thầy đứng ở bến đò, chờ học sinh đạp xe ngang qua rồi hai thầy trò chở nhau vào trường. Học trò của thầy cũng hiền lành, chân chất như chính thiên nhiên nơi đây vậy. Buổi đi học, buổi ra đồng phụ giúp gia đình hay bưng bê phụ hàng quán. Trường có hơn 400 học sinh, nhưng có gần 200 em thuộc diện nghèo. Nhắc đến học sinh, thầy cứ kể liên miên, mắt cười hấp háy khi nhớ đến từng em một:

Có lẽ, những tình cảm hồn nhiên, trong sáng của các em đã trở thành động lực níu chân thầy ở lại Long Phước này ngót nghét 16 năm. Đều đặn 5g30' sáng, thầy chạy xe từ quận 10 xuống trường, đoạn đường mất gần 1 tiếng 30 phút, ấy vậy mà không hôm nào thầy trễ tiết. Cùng với thầy Tuấn, hơn 20 giáo viên của trường không quản ngại đường xa vẫn ngày ngày bám lớp. Cô Nguyễn Thị Mộng Hoa Phượng, Phó hiệu trưởng cho biết, trường THCS Long Phước là một trong những trường nằm ở “vùng sâu, vùng xa” của quận 9. Đa số các giáo viên còn rất trẻ mới tốt nghiệp, sau 4, 5 năm họ lại xin chuyển công tác. Bởi, dù đã được nối với đất liền bằng cây cầu Trường Phước, nhưng tình đất, tình người nơi đây vẫn mộc mạc và chân chất. Cái vẻ đẹp của buổi chiều vùng quê, từng đàn cò theo nhau về vườn cò trú ngụ thấy bình yên đến lạ thường, cùng sự ấm áp của tình thầy trò, sự sẻ chia của đồng nghiệp… họ đã cùng sát cánh bên nhau. Cô Phượng khoe, học sinh trường mình dù không đủ điều kiện học tập như các trường khác, nhưng đội ngũ thầy và trò luôn phấn đấu dạy tốt, học tốt, năm nào cũng có học sinh giỏi cấp TP. Năm ngoái, trường có 7 học sinh giỏi cấp thành phố. Mới đây, trường tổ chức hội thao chào mừng ngày 20/11, các thầy cô đã không nén xúc động trước những màn biểu diễn đẹp mắt, sự tập luyện kỳ công của các em. Cô Phượng tâm tư:

Mỗi chiều tan trường, những tà áo dài thướt tha về ngang cầu Trường Phước, hình ảnh các cô giáo chưa bao giờ đẹp hơn thế, trong sự thanh bình, trong trẻo của mảnh đất này. Thiên nhiên hiền hòa, con người chân chất… đã giữ chân các thầy, cô ở lại nơi đây, để cùng nuôi dưỡng tình yêu trò, lòng yêu nghề.

Trong những lời giảng của thầy cô, không có những nhọc nhằn đường xa, không có nỗi nhớ gia đình... Chỉ có những kiến thức, tình yêu thương, lòng kiên trì, sự vươn lên trong cuộc sống, sự đam mê, niềm tin đi đến tận cùng của sự đam mê mà thầy cô ngày ngày thắp lên trong lòng học trò, bởi mỗi chặng đường các em đi đều có tinh thần nhiệt huyết của các thầy cô soi đường.

Thùy Trang - Thùy Linh