TPHCM: Tăng học phí có phù hợp với mức sống của người dân?

(VOH) - HĐND TP.HCM vừa thông qua tờ trình điều chỉnh mức thu học phí đối với các trường học công lập trên địa bàn TP.HCM từ năm học 2013-2014. Như vậy trong năm học 2013-2014 các trường công lập trên địa bàn TP.HCM sẽ bắt đầu thu theo mức học phí mới theo nhóm học sinh sống ở các quận nội thành và nhóm học sinh sống ở các huyện ngoại thành. So với khung học phí hiện nay đang áp dụng được ban hành năm 1998, mức học phí mới được điều chỉnh tăng trung bình 3 lần. Trong năm học tiếp theo 2014-2015 học phí sẽ tăng hơn, thực hiện theo Nghị định 49 (năm 2010) của Chính phủ. Theo đó, điều chỉnh học phí nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và không ảnh hưởng đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Đài TNND TP.HCM có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM:

Thưa ông, mức học phí mới tăng trung bình 3 lần so với hiện nay có phù hợp với mức sống của người dân trên địa bàn thành phố?

Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM (ảnh: baogiaoduc)

Từ năm 1998 mức học phí như THCS 15.000 đồng/tháng, THPT 30.000 đồng/tháng nếu đặt ra các cơ sở so sánh, đối với những người nhận được lương nhà nước thì mức lương tối thiểu từ 290.000 đồng/tháng (năm 1998) đến tháng 07/2013 đã tăng lên 1.150.000 đồng/tháng, còn về thu nhập của người lao động nếu không phải là nhận lương nhà nước thì thực hiện điều tra bằng số liệu của Tổng cục thống kê để tính toán mức học phí không vượt quá 5% thu nhập bình quân của từng hộ gia đình theo khu vực. Đổi mới cơ chế thu chi học phí này để học phí trở lên mức bình thường so với những vấn đề tôi vừa để cập.

Thưa ông, việc điều chỉnh mức học phí mới có ảnh hưởng đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn không thưa ông?

Thực hiện nghị định 49 của Chính phủ, đây là lộ trình thực hiện từ năm 2010-2015. Trong nghị định này có hai nội dung cơ bản lớn là miễn giảm học phí, thực hiện các chế độ chính sách cho người học và đổi mới cơ chế thu chi học phí thì TP.HCM đã thực hiện miễn giảm học phí cho hộ nghèo, các đối tượng chính sách theo quy định. Đồng thời kể cả một số vùng sâu vùng xa như xã đảo Thạnh An (Cần Giờ) thành phố cũng thực hiện tốt.



Thưa ông, khi học phí tăng đồng thời các trường sẽ có những biện pháp gì để nâng cao chất lượng đào tạo?

Mỗi nhà trường tổ chức hoạt động giáo dục cho học sinh không chỉ có việc giảng dạy kiến thức mà phải rất nhiều hoạt động khác đáp ứng mục tiêu giáo dục như là giúp học sinh chưa ngoan thành ngoan, thụ động thành chủ động, giúp học sinh chưa hoà nhập được với tổ chức đoàn thể trở nên hoà nhập, có kĩ năng, hoặc giúp học sinh say mê nghiên cứu khoa học. Như vậy đòi hỏi thực hiện rất nhiều hoạt động giáo dục trong nhà trường thì từ đâu, tất cả điều này cần khoản kinh phí để thầy cô thực hiện công tác giáo dục toàn diện.

Thưa ông, trong năm học mới các các khoản nhà trường thu hộ chi hộ như tiền ăn, phục vụ bán trú…được tính toán như thế nào để đảm bảo chất lượng chăm sóc học sinh?

Như tôi vừa nêu, học phí gồm các khoản đảm bảo cho tất cả hoạt động của nhà trường có học sinh, giáo viên, các hoạt động, còn lại những khoản phục vụ cho các em bán trú ở trường mà mọi người dân có con em đi học thì gọi là thu hộ, chi hộ như nước, ăn uống…để đảm bảo cho học sinh ở trường từ sáng đến chiều. Nhà trường thực hiện thu hộ, chi hộ sao cho thống nhất, quy củ, nề nếp

.

Cảm ơn ông đã dành cho Đài cuộc phỏng vấn.