Trường ngoài công lập không tuyển đủ chỉ tiêu vì học phí cao

(VOH) - Thời điểm này đã gần cuối tháng 8, thế nhưng, nhiều trường ngoài công lập vẫn đang trong tình trạng ngóng chờ sinh viên bởi lý do học phí quá cao. Theo ghi nhận của phóng viên Đài, do không kham nổi mức học phí tăng cao, nhiều phụ huynh đã phải cho con học nghề thay vì vào hệ ngoài công lập.


TS chờ nộp hồ sơ xét tuyển NV2 tại trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Ảnh: SGGP

>> Nghe bài viết

Trong khi Bộ GD-ĐT khẳng định nguồn tuyển nguyện vọng bổ sung trong kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm nay rất dồi dào do điểm sàn đã tính đến nguồn tuyển của từng khối, hệ số dư các khối rất nhiều nhưng năm nào các trường ĐH-CĐ ngoài công lập cũng kêu không thể tuyển đủ chỉ tiêu vì thiếu nguồn tuyển. Thực trạng “thừa nguồn tuyển, thiếu người học” của trường ngoài công lập ắt hẳn lại là điệp khúc trong năm nay.

Đây là giai đoạn nước rút để thí sinh tìm cho mình một chỗ học vào các trường ĐH-CĐ còn chỉ tiêu xét tuyển. Trong khi các trường ĐH công lập còn ít chỉ tiêu, thì hàng loạt các trường ĐH-CĐ ngoài công lập vẫn còn thiếu từ hàng trăm đến hàng ngàn chỉ tiêu chỉ còn trông chờ vào đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung để lấp đầy. Đơn cử, ĐH Nguyễn Tất Thành dành 1.200 chỉ tiêu, chiếm 80% chỉ tiêu tuyển sinh của trường năm nay để xét tuyển nguyện vọng 2. ĐH Hồng Bàng xét tuyển gần 4.000 chỉ tiêu. Trường cũng dự trù không tuyển đủ nên lên phương án vét thí sinh bằng nguyện vọng 3 cho đến ngày 30/11. Tương tự, ĐH Kỹ Thuật Công nghệ, ĐH Hoa Sen cũng chia ra làm nhiều đợt xét tuyển. 

Thế nhưng, dù điểm xét tuyển nguyện vọng bổ sung của các trường ngoài công lập chỉ bằng điểm sàn, cộng với thời hạn xét tuyển rất rộng rãi, tạo thuận lợi cho thí sinh nộp hồ sơ vào trường mình, thế nhưng, các trường vẫn lo ngay ngáy việc tuyển không ra thí sinh, trong khi lượng thí sinh trên điểm sàn chưa đậu đại học vẫn còn dồi dào. Tại sao lại có nghịch lý “thừa nguồn tuyển - thiếu người học”? Một trong những ý kiến được đưa ra sau đây sẽ lý giải phần nào: "Nói chung trường tư thục đóng tiền hơi nhiều, nhiều bạn gia đình không khá giả sẽ chọn vào trường công lập. Em hy vọng nếu đủ điểm thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn. Dù sao thì bằng công lập cũng hay hơn là bằng ngoài công lập". Đó là chia sẻ của thí sinh Lê Hoàng Minh, em vừa thi trượt ngành Công nghệ ô tô, trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật. Với điểm thi chỉ bằng sàn, nếu nộp vào các trường công lập sẽ rất khó có khả năng trúng tuyển, còn nếu chọn trường ĐH ngoài công lập có cùng ngành nghề đào tạo thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn, tuy nhiên song song đó là mức học phí của các trường này lại khiến cho em băn khoăn. 

Sự đắn đo, cân nhắc trên cũng là lo lắng chung của thí sinh và phụ huynh khi quyết định chọn trường ngoài công lập cho con em mình. Chưa kể trong năm học mới này, nhiều trường ngoài công lập tăng học phí đáng kể với lý do trượt giá đã tạo nên tâm lý bất an cho thí sinh và phụ huynh. Nhiều trường năm nay thu học phí trên 10 triệu như: ĐH Kỹ thuật công nghệ TPHCM, ĐH Ngoại ngữ - tin học TPHCM, ĐH Hồng Bàng. Trường ĐH Văn Lang năm nay công bố, mức học phí từ 12 đến 19 triệu/năm, trong khi năm ngoái chỉ từ 8 - 14 triệu. Trong đó, có một số ngành có mức học phí khá cao như: ngành CNTT đào tạo theo chương trình của trường ĐH Hoa Kỳ học phí từ 22- 26 triệu/năm; ngành Quản trị khách sạn và ngành Quản trị du lịch lữ hành học phí cao nhất 29 triệu/năm. Một số trường còn có mức học phí cả năm ngất ngưởng như: ĐH Kinh Tế - Tài chính: 70 - 90 triệu; ĐH Quốc Tế Miền Đông: 15 - 30 triệu; ĐH Tân Tạo: 3.000 USD, ĐH Hoa Sen: 39 -45 triệu. Ông Võ Văn Tuấn, Trưởng Phòng đào tạo ĐH Văn Lang giải thích: "Trường chỉ tăng học phí khoá mới. Nhà trường tăng học phí cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó cũng có vấn đề trượt giá. Vấn đề chính là nhà trường muốn phát triển cơ sở vật chất nên cam kết các khoá sinh viên đang học sẽ không tăng học phí. Trường công bố học phí 1 lần ngay từ đầu và không thu khoản phí nào khác, đó là cam kết của trường".

Có thể nói, học phí cao chính là rào cản lớn nhất khiến học sinh và phụ huynh cân nhắc khi chọn trường ngoài công lập. Thứ hai là thí sinh đạt tiêu chuẩn nhưng không nộp hồ sơ ở các trường đó vì không đủ uy tín và chất lượng. Vậy cho nên, mọi năm vẫn xảy ra tình trạng nhiều trường ngoài công lập còn dư chỉ tiêu nhưng không đào đâu ra người học. Nhằm "cứu nguy" cho trường ngoài công lập, Bộ GD-ĐT năm nay nới rộng thời gian tuyển sinh cho các trường để các trường chủ động hơn trong việc xét tuyển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: "Bộ xử lý bằng cách cho các trường tuyển sinh mềm dẻo hơn, giao cho các trường chủ động trong việc xét tuyển: không giới hạn số nguyện vọng cũng như thời gian xét tuyển. Đồng thời cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn đợt trước. Vì vậy thí sinh có thể nộp nhiều hồ sơ xét tuyển vào nhiều trường khác nhau. Các trường cũng có thể xét tuyển đến khi nào đủ chỉ tiêu".

Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH-CĐ ngoài công lập, do các trường ngoài công lập chủ yếu sống bằng nguồn học phí nên đôi khi điều này đã trở thành áp lực cho cả nhà trường và thí sinh: "Các trường ngoài công lập do chủ yếu sống bằng học phí nên đôi khi có những giải pháp không thỏa đáng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Bởi vì không có sinh viên thì không có học phí, mà không có học phí thì trường không sống được. Tuy nhiên, một số trường tự thấy lợi ích lâu dài của trường mình nên cố gắng phấn đấu nâng cao chất lượng và tạo ra uy tín. Các trường ngoài công lập hiện nay bên cạnh thực hiện chương trình khung của Bộ còn cố gắng khắc phục nhược điểm của chương trình đào tạo chúng ta lâu nay như: chú trọng kỹ năng…".

Vì vậy, chỉ còn giải pháp làm sao cho thí sinh, phụ huynh an tâm với chất lượng của chương trình đào tạo, đầu ra sinh viên đáp ứng nhu cầu xã hội thì mới có thể thu hút được người học. Thêm nữa, cần phát huy thế mạnh của trường ngoài công lập như tự chủ trong tài chính, nguồn nhân lực, đào tạo kỹ năng mềm, hợp tác với doanh nghiệp... để thu hút thí sinh vào học bằng uy tín và chất lượng của mình./.