Tuyển sinh đầu cấp năm học 2011-2012: “Nóng” chuyện chạy trường

(VOH) - Chị Minh sống ở Q. Gò Vấp đang cùng lúc nhờ nhiều chỗ quen biết để xin cho con vào một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia ở Q.Tân Phú, nhưng chị vẫn thắc thỏm lo âu vì nơi nào cũng kêu khó, dù có quen biết và có tiền nhưng chưa chắc chắn có suất vào trường.
Học sinh Trường chuyên THPT Trần Đại Nghĩa sinh hoạt dưới cờ. Ảnh: NLĐ

Lý do mà chị đưa ra là gần cơ quan, tiện đưa rước con, trường chuẩn quốc gia có môi trường học tập tốt, giáo viên giỏi, sân chơi, phòng chức năng rộng rãi… nhưng học phí lại rẻ, cộng các chi phí nhưng cũng chỉ bằng một phần năm so với các trường dân lập. So với các trường lân cận có cơ sở vật chất cũ và chật hẹp hơn, chị tin rằng trường này chất lượng hơn nên cố xin vào:

Tuy thành phố nhiều năm qua không công nhận trường trọng điểm chất lượng cao ở các cấp học nhưng các trường có tiếng tăm lâu nay vẫn thu hút phụ huynh nộp đơn trái tuyến cao hơn nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển mới. Do vậy nhiều quận vẫn phải áp dụng cách tuyển sinh lớp 6 theo điểm chuẩn. Như trường THCS Vân Đồn (Q.4) tuyển học sinh phường 8 nhưng phải có tổng điểm môn toán, tiếng Việt từ 19,5 trở lên, trường THCS Lê Văn Tám (Q.Bình Thạnh) nhận học sinh trong tuyến P.14 và P.26 từ 19 điểm trở lên, trường THCS Nguyễn Du (Q.1) tuyển HS phường Bến Thành có điểm chuẩn 18 điểm trở lên… Tương tự, cùng trong một quận nhưng có tình trạng “kẻ khóc, người cười” vì HS nào được vào Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6) hay trường THPT Nguyễn Hữu Huân ( Q.Thủ Đức) là do phân tuyến của phòng giáo dục. Vậy nên, không chỉ học sinh ngoài tuyến mà cả phụ huynh của học sinh trong tuyến (cư ngụ tại quận có trường trú đóng) cũng chạy trường để mong có một chỗ học như ý. Chị Nguyệt đang tìm mọi cách xin cho con vào trường THCS Nguyễn Văn Tố (Q.10) tâm sự:

Để được học trái tuyến ở trường được coi là “danh tiếng”, nhiều phụ huynh sàng chấp nhận mọi chi phí, thậm chí chấp nhận đưa đón con đi học xa nhà. Nhiều trường đã phải nâng sĩ số để đáp lại sự ưu ái của phụ huynh như: Trường tiểu học Lương Định Của: khoảng 45 HS/lớp, Trường tiểu học Phan Đình Phùng xấp xỉ 44 HS/lớp… Áp lực của lớp toàn học sinh giỏi cộng với sự kì vọng của ba mẹ, nhiều giáo viên không thể sát sao với học sinh trong khi lớp quá đông.. đã làm các em đuối sức. Đó cũng là lí do chị Mai (ngụ Q.2) hối hận đã cố xin cho con học khi… nghe đồn là trường này chất lượng hơn trường nọ:

Bà Nguyễn Thị Yến Thu - Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP, nguyên Phó giám đốc Sở GD - ĐT chia sẻ: thực tế là chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất ở các trường chưa hoàn toàn đồng đều nhau đã làm nảy sinh tình trạng chạy trường. Nhưng mặt khác, nhận thức của các bậc phụ huynh cũng chưa hoàn toàn đúng đắn. Bởi vì, vào được trường tốt không có nghĩa là mọi học sinh đều học giỏi mà căn bản là khả năng, ý thức của học sinh và sự quan tâm của phụ huynh đến việc học của con em mình:

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD - ĐT TP khẳng định: năm học 2011-2012 đảm bảo đủ trường lớp cho HS cư trú ở TP nhưng nhiều quận huyện khó đảm bảo sĩ số chuẩn do lượng dân nhập cư tăng chóng mặt. Về biện pháp lâu dài và bền vững, ông Sơn cho biết TP là địa phương đi đầu trong đầu tư cơ sở và chất lượng đội ngũ nhằm giảm sự khác biệt giữa các trường trong cùng địa bàn cũng như giữa nội - ngoại thành. Hiện nay, chất lượng các trường đồng đều khoảng 70 - 80%, tiến tới đầu tư cho các trường có cơ sở vật chất hạn chế và kéo các trường này phát triển, tuyển GV có KT3 để thu hút giáo viên giỏi ngoại tỉnh và huy động lực lượng tại chỗ:

Ngoài ra, tuyển sinh phân tuyến theo địa bàn nên được các phụ huynh đồng thuận nhằm giảm áp lực tuyển sinh cục bộ tại những nơi có nhu cầu lớn và cũng xuất phát từ tình hình giao thông đô thị đông đúc, đi lại khó khăn. Bên cạnh đó, vào đầu mùa tuyển sinh, các quận huyện tăng cường rà soát chính xác số HS trong độ tuổi cư trú thực tế trên địa bàn và phân tuyến ưu tiên thời gian cư trú. Lãnh đạo sở cũng phân cấp xuống các phòng GD - ĐT địa phương để kiểm tra công tác tuyển sinh.

Trong năm học mới 2011-2012, thành phố đưa vào sử dụng 1.095 phòng học mới ở tất cả các ngành học, bậc học và bổ sung trên 4.681 giáo viên, trong đó nâng số lượng giáo viên có trình độ thạc sĩ. Việc nâng dần chất lượng ở nơi khó khăn không chỉ tạo sự công bằng về cơ hội học tập cho HS mà còn làm giảm dần áp lực tuyển sinh cục bộ tại một số trường và xóa vấn nạn chạy trường gây bức xúc dư luận mỗi mùa tuyển sinh.