Tuyển sinh ĐH-CĐ 2012: Dự báo nhiều biến động

(VOH) - Cuối tháng một vừa qua là thời hạn cuối cùng các trường ĐH, CĐ đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2012 cho Bộ GD-ĐT. Với những dự kiến đổi mới trong tuyển sinh năm nay như: thêm khối thi A1 (Toán, Lý, Ngoại Ngữ), xét tuyển nhiều đợt trong năm... cùng với việc các trường mở thêm nhiều ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội… dự báo sẽ tạo thêm nhiều cơ hội trúng tuyển hơn cho thí sinh trong năm nay.
Em Tạ Nguyên Bảo, học sinh trường THPT Gia Định đặt câu hỏi với ban tư vấn về mức lương của ngành Xây dựng  sau khi ra trường - Ảnh: Tiến ThànhTuổi Trẻ
ĐH Khoa học Tự nhiên năm nay tuyển thêm ngành mới là kỹ thuật hạt nhân, thi khối A với 50 chỉ tiêu. Trường ĐH Nông Lâm dự kiến mở chuyên ngành mới trong ngành Quản lý đất đai là Địa chính và quản lý đô thị với 90 chỉ tiêu. Trường ĐH Tài chính - Marketing cho hay, năm 2102 sẽ mở thêm 3 ngành mới là kinh doanh quốc tế, bất động sản, và quản trị khách sạn, tuyển sinh khối A và D1. Tương tự, ĐH Quốc tế - ĐHQG TP.HCM, dự kiến có thêm 2 ngành mới là dược và ngành Kỹ thuật tài chính và quản lý rủi ro và sẽ đề xuất Bộ GDĐT cho phép tuyển sinh theo khối A1 (gồm các môn Toán- Lý- Ngoại ngữ). Xung quanh việc bổ sung thêm khối thi mới hoàn toàn, Ths Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn Lang cho hay:
Trên thực tế, nhiều trường hiện nay khá e dè khi đề xuất tuyển thêm khối A1 Trường ĐH Kinh Tế - Luật (ĐHQG-HCM), hiện đang có khá nhiều trường muốn chuyển một số ngành tuyển sinh theo khối A trước các năm trước sang khối A1, đặc biệt là các trường có khối ngành kinh tế và công nghệ thông tin. Tuy nhiên, TS Nguyễn Kim Quang, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho rằng, tổ chức đồng thời 2 khối A và A1 sẽ gây tâm lý hoang mang cho thí sinh:

Chưa kể, nếu tuyển cùng lúc 2 khối thì chỉ tiêu tuyển sinh của khối A cũng sẽ chia phần cho khối A1. Nhiều thí sinh ở các khu vực vùng sâu vùng xa sẽ cảm thấy bị thiệt thòi vì không tự tin với môn ngoại ngữ so với học sinh ở TP. Tính xa hơn, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh dự thi khối A1 sẽ không biết phải nộp đơn xét tuyển vào đâu vì khối thi này vẫn chưa tạo được sự thống nhất giữa các trường với nhau, chưa biết các trường nào sẽ tổ chức tuyển theo khối A1, trường nào không?

Ngoài ra, tuyển sinh ĐH năm 2012 Bộ dự kiến áp dụng là việc không giới hạn các đợt xét tuyển. Theo đó, các trường có thể thư thả hơn, tuyển đến khi nào đủ chỉ tiêu thì thôi, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn và thời gian tuyển sinh kéo dài đến hết ngày 31/12. Nếu được thông qua trong hội nghị tuyển sinh tới đây, quy định mới này sẽ tạo điều kiện cho thí sinh thêm nhiều thời gian chọn lựa và sẽ có cơ hội trúng tuyển nhiều hơn. Song song đó, cũng cởi trói cho các trường ngoài công lập và các trường ĐH tốp dưới vốn gặp nhiều khó khăn trong việc lấp đầy thí sinh chỗ trống trên giảng đường vào mỗi mùa thi. Thay đổi ở khâu xét tuyển lâu nay cũng là nguyện vọng chung của nhiều trường ĐH-CĐ - Đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐHQG-HCM:

Còn theo PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, quy định mới này sẽ có lợi cho các trường ngoài công lập. Tuy nhiên, nhiều trường công lập có thể sẽ chỉ xét tuyển một lần, nếu xét tuyển rải rác trong năm có thể gây ảnh hưởng đến kế hoạch đào tạo của nhà trường.
Một vấn đề khác cũng đang gây nhiều tranh cãi đó là việc Bộ GD-ĐT dự kiến không phát hành cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012. Theo đó, các thông tin tuyển sinh sẽ được đăng tải trên mạng của Bộ GDĐT và các trang web của các trường ĐH. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng cho rằng: Hiện nay, điều kiện phương tiện thông tin đã phổ biến hơn trước nên thí sinh vùng sâu vùng xa dễ dàng tiếp cận thông tin hơn. Bản thân các trường cũng sẽ tận dụng nhiều kênh để đưa thông tin tuyển sinh đến các thí sinh:
Tuy nhiên, về phía các Sở GDĐT thì cho rằng, khi áp dụng chủ trương trên Bộ GDĐT cũng nên lưu ý đến những học sinh vùng sâu, vùng xa không có điều kiện vào mạng đọc và tìm hiểu. Vì các trường học ở những nơi này không phải trường nào cũng có mạng để phục vụ học sinh và tại nhiều nơi học sinh cũng không có máy tính và mạng để vào.

Bên cạnh đó, việc không phát hành cuốn những điều cần biết về tuyển sinh không chỉ gây khó khăn cho học sinh vùng sâu mà ngay cả khó khăn với những người thu nhận hồ sơ tuyển sinh. Bởi vì đây chính là cẩm nang để cán bộ thu nhận hồ sơ nhìn vào đó để kiểm dò, phát hiện ra sai sót của học sinh. Lỗi thường hay mắc phải nhiều nhất là mã ngành, mã vùng, vùng tuyển sinh, nếu không chỉnh sửa kịp thời ảnh hưởng đến thủ tục dự thi của thí sinh.
Thưa quý vị ! Tất cả các vấn đề trên sẽ được đưa ra bàn bạc và thống nhất trong Hội nghị tuyển sinh dự kiến sẽ được tổ chức trong một vài ngày tới. Với những điểm mới vừa nêu, dự báo kỳ thi tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2012 sẽ có nhiều biến động. Hy vọng rằng, tất cả những cải tiến sẽ được thực hiện theo hướng có lợi cho thí sinh nhất, các trường sẽ được giao quyền tự chủ nhiều hơn trong xét tuyển và quan trọng hơn hết là tránh một kỳ thi đầy căng thẳng, nhiều áp lực cho phụ huynh học sinh và tạo gánh nặng cho xã hội./.