Tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013: Hồ sơ giảm, ĐH địa phương khởi sắc

(VOH) - Sáng 7/5, các Sở GD-ĐT đã tiến hành bàn giao hồ sơ cho các trường ĐH-CĐ phía Nam. Bức tranh tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2013 được phác họa bằng những thông tin tích cực: lượng hồ sơ giảm, các nhóm ngành kinh tế sụt giảm trong khi khối ngành sư phạm, kỹ thuật, y dược tăng lên. Đặc biệt, các trường ĐH địa phương đã trở thành ưu tiên chọn lựa hàng đầu của thí sinh tỉnh nhà.
 Hồ sơ tuyển sinh tại các trường ĐH-CĐ tại các địa phương khởi sắc.ảnh minh họa: TTO

Năm nay Sở GD-ĐT Đk Lk nhận hơn 47.000 hồ sơ đăng ký dự thi, giảm hơn 2.000 bộ hồ sơ so với năm ngoái. Lượng hồ sơ của Sở GD-ĐT Bình Thuận và Lâm Đồng giảm gần 1.000 hồ sơ; Khánh Hòa giảm 800 hồ sơ. Các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, Trà Vinh, Bạc Liêu, Đồng Tháp….có lượng hồ sơ giảm nhẹ. Ngược lại, một số tỉnh có lượng hồ sơ tăng nhẹ hoặc tương đương năm ngoái như: An Giang tăng khoảng 1.000 hồ sơ; Kiên Giang, Tây Ninh, Bến Tre tăng nhẹ, chưa đến 500 hồ sơ. Ông Nguyễn Văn Từ, Trưởng phòng giáo dục Thường xuyên- Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Cần Thơ cho biết, năm nay tỉnh có hơn 20.000 hồ sơ, giảm gần 900 hồ sơ so với năm ngoái. Trong đó, ĐH Cần Thơ và ĐH Y Dược Cần Thơ được thí sinh chọn lựa nhiều nhất. Ông Nguyễn Văn Từ đánh giá: “Các trường ĐH địa phương, chủ yếu các thí sinh nộp vào ĐH Cần Thơ trên 16.000 hồ sơ. Số còn lại dự thi vào các trường ở TP.HCM, khoảng 4.000 hồ sơ. Khối A vẫn là khối đông nhất, kế đến là khối B. Đặc biệt năm nay các thí sinh lựa ngành tương đối chính xác hơn so với trước đây. Thứ hai là số hồ sơ ảo năm nay giảm rất nhiều”.

TP.HCM là địa phương có lượng hồ sơ đông nhất nhì cả nước với hơn 148.000 hồ sơ, tăng 2.500 hồ sơ so với năm ngoái. Trong đó, ĐH Sài Gòn đứng đầu với hơn 16.000 hồ sơ. Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cũng nhận hơn 25.000 hồ sơ, trong đó nhóm ngành kinh tế giảm, khối ngành sư phạm nông lâm tăng. Tương tự, trong số gần 15.000 hồ sơ của tỉnh Tây Ninh, chỉ có 46 hồ sơ vào ĐH Ngân Hàng TP.HCM, ĐH Kinh Tế chỉ có hơn 160 hồ sơ. Sở GD-ĐT Bến Tre có gần 30.000 hồ sơ, trong đó 23 hồ sơ vào ĐH Ngân Hàng, khoảng 200 hồ sơ vào ĐH Kinh Tế. Lí giải thực tế này, ông Đỗ Trọng Tạo, chuyên viên phòng giáo dục Thường xuyên - chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho rằng, thí sinh đã cân nhắc kỹ hơn trong việc chọn trường, đặc biệt năm nay thí sinh thi vào ngành tài chính, ngân hàng giảm 1/3 so với năm ngoái.

Mặc dù chưa thống kê đầy đủ lượng hồ sơ, thế nhưng TS Phan Ngọc Minh, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM ước tính năm nay có khoảng từ 3.500 - 4.000 hồ sơ, trong khi năm ngoái con số này là 11.000 hồ sơ. Nguyên nhân có thể do yếu tố khủng hoảng trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng buộc nhiều tổ chức này phải tái cơ cấu. Nhu cầu tuyển dụng về nhân sự phần nào đã tác động đến định hướng lựa chọn nghề nghiệp của các em trong tương lai. Tuy nhiên, việc giảm hồ sơ vào trường năm nay không phải là vấn đề quá lo lắng của nhà trường là bởi vì: “Số lượng hồ sơ giảm sẽ làm tăng cơ hội trúng tuyển của các thí sinh dự thi năm nay. Bởi vì chỉ tiêu của trường năm nay cũng không giảm so với năm ngoái bao nhiêu. Tuy nhiên, có mặt tích cực ở đây là: tự bản thân các thí sinh đã có sự phân hóa về mặt chất lượng”.



Chi phí học tập không cao, điều kiện gần nhà cộng với việc đào tạo sát với nhu cầu nhân lực của địa phương…đã giúp các trường ĐH vùng, ĐH địa phương năm nay “đắt hàng” hơn, với sự ưu tiên hàng đầu của thí sinh, kế đến mới là các trường ĐH-CĐ tại TP.HCM. Đơn cử, hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đều có thí sinh dự thi vào Trường ĐH Cần Thơ với lượng hồ sơ đứng đầu. Đó là các tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ, Cà Mau, An Giang, Bạc Liêu…Tiếp theo là các trường thuộc tỉnh nhà: hơn 8.000 hồ sơ vào ĐH An Giang trong tổng số 23.000 hồ sơ; hồ sơ vào Trường ĐH An Giang chiếm gần 40% hồ sơ; ĐH Nha Trang chiếm lượng hồ sơ đông nhất của tỉnh Khánh Hòa; Trường CĐ Tây Ninh đứng đầu trong tổng số hồ sơ của tỉnh…Ông Lê Trường Xin, Trưởng phòng Giáo dục Chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Đk Lk phấn khởi cho biết, ĐH Tây Nguyên có đến hơn 14.000 hồ sơ, chiếm tỷ lệ 30% hồ sơ thí sinh của tỉnh Lâm Đồng, đây là tín hiệu đáng mừng cho các trường địa phương: “Thật ra không có sự biến động trong việc lựa chọn ngành nghề. Nhưng xu hướng các thí sinh chọn Trường ĐH Tây Nguyên là để phù hợp với điều kiện kinh tế, các em được học ở gần nhà, số mã ngành của ĐH Tây Nguyên tương đối nhiều và hợp với địa bàn Tây Nguyên như: chăn nuôi trồng trọt, nông nghiệp. Năm nay số hồ sơ có giảm so với năm ngoái do lệ phí cao, các thí sinh lựa chọn chính xác ngành nghề, hạn chế hồ sơ ảo”.


Một số trường ĐH-CĐ đã có những thống kê sơ bộ về lượng hồ sơ vào trường mình. Trường ĐH Kỹ Thuật Công nghệ TP.HCM năm nay tổ chức thi nên nhận khoảng 14.000 hồ sơ. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành nhận hơn 15.000 hồ sơ, tăng 50% so với năm ngoái, trong đó hơn 500 hồ sơ liên thông. Trường ĐH Sư Phạm cũng nhận hơn 23.000 hồ sơ, tăng 5.000 hồ sơ. Trong khi đó, Trường ĐH Tài chính Marketing có khoảng 22.000 hồ sơ, giảm đến 10.000 hồ sơ so với năm 2012. ĐH Kinh Tế nhận hơn 11.000 hồ sơ, giảm khoảng 5.000 hồ sơ. Ths Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông Lâm cũng cho hay, tổng số hồ sơ đăng ký dự thi vào trường hơn 46.000 hồ sơ, giảm hơn 4.000 hồ sơ, trong đó các địa phương có số hồ sơ nhiều như: TP.HCM, Đồng Nai, Bình Định, Tiền Giang…