Tuyển sinh lớp 6: Cần xét tuyển khách quan

(VOH) - Để dự tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, từ lớp 3 lớp 4 phụ huynh đã cho con học thêm, ôn luyện ngoài giờ học. Không tổ chức thi tuyển là cần thiết nhằm giảm tải việc học cho học sinh cấp 1.
Học sinh tham dự kì thi vào lớp 6 tại trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa năm 2014. Ảnh S.T

Tuyển sinh lớp 6 năm học 2015-2016 tại TP.HCM nhận hết học sinh tốt nghiệp lớp 5 vào học lớp 6 theo phân tuyến theo địa bàn cư trú. Tuy nhiên, một số trường THCS xét tuyển đầu vào có sự thay đổi khi Bộ GD-ĐT cấm thi tuyển lớp 6 và cho phép các trường tiểu học ra đề kiểm tra chung cho học sinh cuối cấp.

Giảm tải việc học cho học sinh cấp 1

Thời gian qua Bộ GD-ĐT đã ra nhiều chỉ thị chấn chỉnh dạy thêm học thêm. Thế nhưng trên thực tế còn tổ chức thi tuyển vào lớp 6 thì không tránh khỏi tình trạng dạy thêm, học thêm. Để dự tuyển sinh vào lớp 6 trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, từ lớp 3 lớp 4 phụ huynh đã cho con học thêm, ôn luyện ngoài giờ học. Không tổ chức thi tuyển là cần thiết nhằm giảm tải việc học cho học sinh cấp 1. Giáo viên và phụ huynh đều ủng hộ quyết định trên. "Việc không thi tuyển nữa sẽ hạn chế được tình trạng học thêm. Trước đây, việc "chạy đua" học thêm để thi tuyển khiến trẻ không còn thời gian vui chơi", một phụ huynh có con đang học lớp 5 cho biết.

Không chỉ cấm thi tuyển, các trường cũng không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không phân ra các lớp chọn trong trường để dàn trải học sinh giỏi ra các lớp là hạt nhân thúc đẩy lớp phát triển. “Nếu để từng cá nhân phát triển, những học sinh giỏi càng ngày càng giỏi và những học sinh yếu càng yếu hơn. Nhưng trong tập thể học tập, giáo viên sẽ chia nhóm để những em giỏi kèm cặp nâng chất lượng học tập”, cô Mạc Nguyệt Nhi, giáo viên trường THCS Phạm Đình Hổ chia sẻ.

Khách quan trong xét tuyển

Bên cạnh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, một số trường THCS cũng có số lượng học sinh đăng ký vượt so với khả năng tuyển sinh của trường. Các trường này tuyển dựa trên điểm tổng kết 2 môn Toán, tiếng Việt cuối kỳ II lớp 5. Như trường THCS Nguyễn Du thời gian qua xây dựng theo mô hình trường tiên tiến, nhận học sinh lớp 5 phường Bến Thành có điểm kiểm tra cuối học kỳ II của môn toán và tiếng Việt từ 19 điểm trở lên và 5 năm liền là  học sinh giỏi. Đối với học sinh trái tuyến đạt 20 điểm và 5 năm liền là học sinh giỏi cùng các tiêu chí khác.

Cô Hoàng Lê An, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du cho biết: “Xét trái tuyến trường lấy ít nhất học sinh giỏi 20 điểm, các tiêu chí cộng thêm như có thành tích thể dục thể thao, học sinh đạt giải Toán, tiếng Anh, Internet, bố mẹ là con của gia đình chính sách, công tác trong ngành công an, bộ đội…”.

Tương tự, đầu vào lớp 6 cũng tương đối khó đối với một số trường như trường THCS Hồng Bàng, trường THCS Lê Quý Đôn...Tuy nhiên, đây là năm đầu tiên bậc tiểu học thực hiện Thông tư 30 thay chấm điểm bằng nhận xét thường xuyên. Thông tư 30 quy định đề kiểm tra cuối học kỳ II lớp 5 do trường ra đề kiểm tra chung. Tuy nhiên, các trường THCS lo ngại nếu để các trường ra đề thi có mức độ khó dễ không đồng đều sẽ không đánh giá khách quan kết quả học tập làm cơ sở xét tuyển vào lớp 6. Do vậy, việc Sở GD-ĐT hoặc phòng GD-ĐT ra đề để đánh giá mặt bằng chung của toàn bộ học sinh và công tác xét tuyển sẽ công bằng hơn.

“Giao công tác ra đề cho phòng giáo dục để có mức đánh giá chung tình hình tất cả học sinh trên địa bàn khách quan, chính xác. Như hướng của tuyển sinh lớp 10 Sở cũng ra đề chung áp dụng cho 24 quận huyện”, cô Phạm Thị Thủy, hiệu trưởng trường THCS Điện Biên chia sẻ.

Phải đảm bảo chỗ học cho học sinh

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám Đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết tuyển sinh lớp 6 THPT chuyên Trần Đại Nghĩa không tổ chức thi tuyển như những năm trước thay vào đó học sinh tham dự bài khảo sát năng lực bằng tiếng Anh để đảm bảo chất lượng đầu vào. Bên cạnh đó, các quận huyện xây dựng mô hình trường tiên tiến, có phương án tuyển sinh trên cơ sở đảm bảo đủ chỗ học cho tất cả học sinh đã hoàn thành chương trình lớp 5 vào học lớp 6 trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và thực hiện công tác phổ cập giáo dục. 

“Về tuyển sinh lớp 6 của TP.HCM huy động 100% học sinh tốt nghiệp tiểu học vào các trường THCS trên địa bàn. Các phòng GD-ĐT sẽ phân tuyến cho các em vào học các trường THCS phù hợp với địa bàn cư trú. Ngoài ra, thực hiện quận huyện xây dựng mô hình trường tiên tiến sẽ có nhận thêm học sinh có điểm kiểm tra cuối học kỳ II của môn Toán và tiếng Việt ở mức cao để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh, bên cạnh nhận hết học sinh cư trú trên địa bàn”, ông Đạt thông tin thêm.

Như vậy với những trường xét tuyển cần có phương án đảm bảo khách quan, công bằng khi tuyển sinh. Bên cạnh đó, với chủ trương của Bộ GD-ĐT, phụ huynh cần dựa trên năng lực của con, cho con học trường theo phân tuyến chứ không nên áp đặt con vào cuộc đua các trường xét tuyển đầu vào khắt khe.