Vĩnh biệt huyền thoại công nghệ William English, cha đẻ của chuột máy tính hiện đại

(VOH) - William English - tên tuổi huyền thoại của nền công nghệ thế giới và là “cha đẻ” của chuột máy tính, đã qua đời ở tuổi 91.

William English là ai?

William English tên đầy đủ là William Kirk English, và còn được biết đến với tên gọi Bill, là kỹ sư máy tính người Mỹ, được đánh giá là một trong những nhà phát kiến vĩ đại, người đi tiên phong mở ra kỷ nguyên phát triển rực rỡ của giao diện máy tính hiện đại ngày nay, là một trong hai người đã sáng chế ra chuột máy tính đầu tiên trên thế giới.

William English đã qua đời tại một bệnh viện ở San Rafael, California vào ngày 26/7 vừa qua vì suy hô hấp, hưởng thọ 91 tuổi.

Sinh ngày 27/1/1929 tại Lexington, William English theo học ngành kỹ thuật điện tại Đại học Kentucky trước khi gia nhập hải quân Mỹ cho đến tận cuối những năm 1950. Năm 1960, ông làm việc tại Viện nghiên cứu Stanford (S.R.I) và tại đây ông đã có dịp cùng làm việc với một huyền thoại khác là kỹ sư Douglas Englebart (đã qua đời năm 2013).

Năm 1968, ông cùng với Douglas Englebart đồng sáng chế ra mẫu chuột máy tính đầu tiên, cho phép người dùng điều khiển các đối tượng trên giao diện màn hình máy tính. Đây là phát minh mang tính lịch sử, đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc của ngành công nghệ máy tính trên toàn thế giới.

Vĩnh biệt huyền thoại công nghệ William English, cha đẻ của chuột máy tính hiện đại

William English đang thử nghiệm nguyên mẫu chuột máy tính đầu tiên, được giới thiệu vào năm 1968. Ảnh: S.R.I International

Đồng sáng chế ra mẫu chuột máy tính

Theo một số đồng nghiệp của hai kỹ sư tại SRI, Douglas Engelbart là người đã đưa ra ý tưởng về một thiết bị cơ học có thể di chuyển con trỏ trên màn hình máy tính và thực hiện các nhiệm vụ riêng biệt bằng cách chọn các biểu tượng hoặc hình ảnh cụ thể. William English đã biến điều này thành hiện thực, chế tạo con chuột máy tính đầu tiên và thông qua một loạt các thử nghiệm, ông cho thấy nó có thể điều hướng màn hình nhanh hơn bất kỳ thiết bị nào khác được phát triển tại S.R.I. Mẫu chuột máy tính thuở sơ khai đã ra đời, là một chiếc hộp gỗ với phần bánh lăn bên dưới để di chuyển trên bề mặt phẳng.

Tại sự kiện giới thiệu mẫu chuột máy tính đầu tiên với bài thuyết trình “The mother of all demos” tại San Francisco vào ngày 9/12/1968, Bill cùng cộng sự cũng đã xây dựng nên nhiều khái niệm sẽ đến với máy tính trong nhiều thập kỷ tương lai, như giao diện người dùng đồ họa, chỉnh sửa văn bản trực tuyến, cuộc gọi video và liên kết siêu văn bản. Ngoài ra, tại sự kiện này, nhiều khái niệm liên quan trực tiếp, là nền tảng cho điện thoại thông minh và máy tính bảng vô cùng hiện đại ngày nay cũng đã ra mắt.

Với mẫu chuột máy tính đầu tiên với phần vỏ bằng gỗ và bên trong có hai bánh xe kim loại để cung cấp dữ liệu theo hai trục sau đó chuyển tải lên thiết bị, Douglas Englebart là người chịu trách nhiệm thuyết trình nguyên lý hoạt động của sản phẩm, còn William English dàn xếp mọi thứ phía sau hậu trường nằm cách nơi thuyết minh tận 30 dặm (tại Menlo Park, California), và tất cả được thể hiện qua một video được trình chiếu trực tiếp xuất hiện trên sân khấu, cho thấy sự tương tác liền mạch giữa chuột và màn hình máy tính.

Trong khi Englebart được coi là người có tầm nhìn, English là một trong những người thực sự nắm bắt được các ý tưởng và có tài năng để đưa chúng thành hiện thực - Bill Duvall, người từng cộng tác với hai kỹ sư suốt những năm tháng tại S.R.I, nhận định.

Nguyên mẫu chuột máy tính là một chiếc hộp gỗ với phần bánh lăn bên dưới để di chuyển trên bề mặt phẳng. Ảnh: BBC

Vĩnh biệt huyền thoại công nghệ William English, cha đẻ của chuột máy tính hiện đại

William English (trái) và nhà đồng sáng chế Douglas Engelbart (phải) đang cầm trên tay nguyên mẫu chuột máy tính đầu tiên. Ảnh: NY Times

Năm 1971, William English rời SRI và gia nhập hãng công nghệ Xerox PARC, nơi ông đã phát minh ra chuột bi, với phần bánh lăn ở bên dưới chuột được thay bằng một viên bi. 

Ý tưởng về chuột máy tính được xem là ý tưởng đi trước thời đại, khi vào thời điểm đó giao diện người dùng của hệ điều hành trên máy tính vẫn chỉ là giao diện đơn giản với các câu lệnh, thay vì giao diện đồ họa trực quan như hiện nay.

Nếu không có sự xuất hiện của chuột máy tính, có lẽ chúng ta sẽ vẫn phải sử dụng các giao diện dòng lệnh kiểu MS-DOS phức tạp và bất tiện trong thời gian dài. Ngoài ra cũng chính nhờ khả năng sử dụng không giới hạn của chuột máy tính, khái niệm giao diện người dùng đồ họa (Graphics User Interface - GUI) đã ra đời và là nhân tố không thể thiếu trên mọi nền tảng hệ điều hành hiện nay, kể cả giao diện cảm ứng.

Vĩnh biệt huyền thoại công nghệ William English, cha đẻ của chuột máy tính hiện đại

William English là một trong những nhà tiên phong, đặt nền móng cho kỷ nguyên phát triển rực rỡ của công nghệ ngày nay với loạt thiết bị hiện đại như máy tính, điện thoại thông minh, máy tính bảng với màn hình cảm ứng ưu việt. Ảnh: NY Times

William English đã ra đi nhưng di sản của ông và các cộng sự vẫn còn mãi, sẽ tiếp tục được kế thừa và ngày càng phát triển. Xin được tri ân và gửi lời chào vĩnh biệt đến William Kirk English - vĩ nhân của nền công nghệ thế giới!

Thanh Duyên