Đường đua tái hiện tinh thần Khởi nghĩa Nam kỳ

(VOH) - Sáng nay,12/10, cuộc đua xe đạp Nam kỳ khởi nghĩa lần thứ 17 - Vòng đua Ngoạn mục 2014 chính thức khai màn.

Từ cuộc đua đầu tiên vào năm 1993, đến nay giải xe đạp Nam kỳ khởi nghĩa do Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, UBND Q.5 và UBND huyện Hóc Môn phối hợp tổ chức đã trở thành một trong những cuộc đua có bề dày truyền thống và được đánh giá cao trong làng xe đạp thể thao Việt Nam. Bên cạnh việc tạo cơ hội cho các VĐV tranh tài, góp phần thúc đẩy phong trào xe đạp thể thao, cuộc đua Nam kỳ khởi nghĩa còn nhằm giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ hôm nay, nhắc nhớ chúng ta về truyền thống hào hùng, tinh thần quật khởi, ý chí kiên cường bất khuất của thế hệ cha anh đi trước.

Ông Trần Văn Thuận, Giám đốc Đài tiếng nói nhân dân TPHCM, Trưởng ban tổ chức cuộc đua phát biểu tại lễ khai mạc.

Cuộc đua xe đạp Nam kỳ khởi nghĩa năm nay quy tụ 13 đội đua mạnh trên cả nước tham dự, gồm TPHCM, Vinamit TPHCM, Dây cáp điện Vĩnh Thịnh Hóc Môn, Dược Domesco Đồng Tháp 1, Dược Domesco Đồng Tháp 2, Bảo vệ thực vật An Giang, Gạo Hạt ngọc trời An Giang, ADC Truyền hình Vĩnh Long, Thanh Sơn Hóa Nông, TDC Bình Dương, Trẻ Bình Dương, VTV Cần Thơ và Bến Tre. Giải lần này thi đấu theo lộ trình từ TPHCM qua Đồng Nai, TP Vũng Tàu, Phan Thiết, Bình Thuận, Phan Rang Tháp Chàm, Ninh Thuận, TP Đà Lạt, Bảo Lộc, Lâm Đồng và như mọi năm, chặng cuối sẽ về lại vùng đất anh hùng Hóc Môn, TPHCM.  

Qua 16 lần tổ chức với nhiều mốc son đáng nhớ, trong mỗi chiến thắng, trên từng km đường đua đều nhắc nhớ tinh thần khởi nghĩa Nam kỳ kiên cường, dũng cảm, ý chí bất khuất của đồng bào Nam bộ hơn 70 năm trước. Vì thế, mỗi danh hiệu mà các tay đua giành được đều là những chiến tích đáng tự hào. Gần nhất, mùa giải 2013, ADC Truyền hình Vĩnh Long đã giành thắng lợi vang dội khi đoạt cúp vô địch đồng đội chung cuộc, đồng thời tay đua Hồ Văn Phúc giành luôn cú đúp danh hiệu áo vàng và áo đỏ. Đây là chiến thắng hết sức ấn tượng, chiến thắng của ý chí mạnh mẽ, của tinh thần "thép". Với Hồ Văn Phúc, chiến thắng đó không chỉ bằng vào sự nỗ lực của cá nhân mà còn đến từ sự đoàn kết của cả đội: "Cuộc đua năm trước, ở chặng Nha Trang lên Đà Lạt, leo đèo Khánh Lê rất khó khăn, sương mù dày đặc, lại mưa, tầm nhìn chỉ vài ba mét thôi. Thi đấu rất cực khổ, vô đua, tôi chỉ biết thi đấu hết sức mình, vượt qua những khó khăn gian nan nhất để giành thành tích. Áo vàng, áo đỏ cũng là thành tích của cả đội. Cúp NKKN với đội lúc nào cũng quan trọng". Phúc cho biết.

 Có chứng kiến các cua rơ bất chấp đèo cao, sương mù dày đặc với cái lạnh cắt da mới thấy được họ đã vượt qua sự khắc nghiệt đường đua bằng bản lĩnh và cả sự dũng cảm để về đích an toàn, ông Trần Văn Thuận, Giám đốc Đài TNND TPHCM, Trưởng Ban tổ chức chia sẻ: "Tinh thần NKKN mỗi cuộc đua đều thể hiện rõ ý chí, bản lĩnh, truyền thống bất khuất của dân Nam bộ. Cuộc đua gian nan nhất là năm 2013, tôi nhận thấy các VĐV đã thể hiện được tinh thần nhiệt huyết, dũng cảm, tinh thần vượt khó, đồng đội của những VĐV mang tính chuyên nghiệp".

Giải năm nay, những đồng đội của Hồ Văn Phúc như các tuyển thủ quốc gia Bùi Minh Thụy, Trịnh Đức Tâm trở lại đường đua, tiếp thêm sức mạnh cho ADC THVL bảo vệ danh hiệu. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh năm nay được đánh giá không dễ dàng với đội đua đương kim vô địch. Các đội đua mạnh như Dược Domesco Đồng Tháp gồm những hảo thủ như vua leo núi Lê Ngọc Sơn,  Nguyễn Trường Tài, Nguyễn Tấn Hoài, đội Bảo vệ thực vật An Giang với đương kim áo vàng, áo xanh Cúp truyền hình 2014 Hồ Huỳnh Vạn An, Nguyễn Thành Tâm, và đội đua TPHCM với 2 tuyển thủ quốc gia Mai Nguyễn Hưng, Lê Văn Duẩn, rồi Đinh Quốc Việt... đều sẵn sàng cho một cuộc lật đổ, hứa hẹn những vòng quay của cuộc đua NKKN 2014 thật sự hấp dẫn và ngoạn mục.

Phải chinh phục 2 ngọn đèo Ngoạn Mục và Prenn ở chặng Phan Rang Tháp Chàm đi Đà Lạt là thử thách lớn nhất với các tay đua tại giải năm nay. Để giành thắng lợi chung cuộc thì từng đội, từng VĐV phải đồng lòng nỗ lực hết mình trên suốt hành trình hơn 800 km đầy gian khổ, nhiều thách thức mới có thể đạt kết quả cao nhất. 

Cuộc đua xe đạp NKKN lần thứ 17 năm nay còn được xem là lần dợt quan trọng cho các đội kiểm tra lực lượng lần cuối, trước khi bước vào tranh tài ở Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Ông Ngô Quang Vinh, Phó Tổng thư ký Liên đoàn xe đạp mô tô Việt Nam, Phó chủ tịch Liên đoàn xe đạp mô tô TPHCM đánh giá: "Vòng đua này, tôi nghĩ là vòng đua hợp lý nhất trong năm 2014 để các đội chuẩn bị cho ĐH TDTT toàn quốc. Chúng ta đã dời cuộc đua lên trước 1 tháng, với số đội tham dự, tên tuổi VĐV, đặc biệt là các VĐV vừa dự ASIAD 17 cũng về đua, tôi cho rằng là thành công lớn của giải chúng ta".

Đây là lần đầu tiên sau 7 năm, các cuộc đua xe đạp mới quay trở lại cung đường đèo Ngoạn Mục, sau khi cung đường này được sửa chữa, nâng cấp xong. Chính cung đường quen mà lạ này cũng đặt ra nhiều thử thách cho công tác bảo vệ lộ trình đường đua. Thêm vào đó, một số đoạn của Quốc lộ 1 đang trong quá trình thi công cũng dự báo một cuộc đua vất vả cho đoàn mô-tô bảo vệ lộ trình. Ông Phạm Văn Lai, Đội trưởng đội mô tô TP khẳng định: "Lực lượng mô-tô thể thao TP đã chuẩn bị sẵn về phương tiện cũng như con người để tham gia giải NKKN. Đường đua dự báo là rất khó khăn, nhưng các anh em chuẩn bị tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ, bảo vệ đoàn đua thành công tốt đẹp".

Các địa phương nơi đoàn đua đi qua và dừng chân đều đã sẵn sàng hỗ trợ BTC những điều kiện tốt nhất có thể. Trên hành trình này, tỉnh Lâm Đồng là nơi đoàn đua dừng chân lâu nhất, 2 ngày tại TP hoa Đà Lạt và 1 ngày tại TP Bảo Lộc. Đặc biệt, chặng đua từ Phan Rang Tháp Chàm lên Đà Lạt có thể cũng sẽ là chặng đua quyết định các kết quả chung cuộc của giải. Ông Vũ Văn Quang, Phó GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết: "Các VĐV đến Đà Lạt, Lâm Đồng trong điều kiện địa hình Đà Lạt có thể nói so với lộ trình đi qua là rất khó khăn. Địa phương cũng tạo điều kiện cùng Đài TNND TPHCM tổ chức giải thành công, tạo điều kiện cho VĐV xe đạp VN cọ xát, phát triển".

Ông Trần Văn Thuận- Giám đốc Đài TNND TP, Trưởng Ban tổ chức cuộc đua nhắn gửi: "Để phát huy truyền thống NKKN thể hiện trong cuộc đua kỳ này, tôi có mấy vấn đề đặt ra với anh em VĐV, là tinh thần vượt khó dũng cảm, ý chí chinh phục, tinh thần thể thao cao thượng lúc nào cũng phải có ở VĐV. Công tác chấm điểm cũng cần sự công tâm của trọng tài. Đoàn đua cần phối hợp nhịp nhàng, có tinh thần tổ chức, phục vụ, đoàn kết, kỷ luật, chắc chắn cuộc đua sẽ thành công".

Bên cạnh việc tập trung cho công tác chuyên môn, trên hành trình lên đến gần 1.000 km, nếu tính cả di chuyển, đoàn đua còn có nhiều hoạt động khác khá phong phú như giải quần vợt giao hữu dành cho các thành viên tham gia đoàn đua, đại diện BTC địa phương, trao học bổng cho học sinh nghèo tại Hóc Môn, trao nhà tình thương… Tại TP Đà Lạt, đoàn đua còn tổ chức đêm Gala để tạo sự gắn kết, giao lưu giữa các thành viên tham gia, tri ân các nhà tài trợ… Chính sự đồng hành của các doanh nghiệp, nhà tài trợ đã tạo tiền đề cho thành công của giải, góp phần phát triển phong trào xe đạp thể thao nước nhà. Đó cũng là nguồn động viên lớn để BTC từng bước nâng chất, nâng tầm, đưa cuộc đua phát triển lớn mạnh hơn nữa trong thời gian tới.