Giúp nông dân hội nhập

(VOH) - Sát cánh trong hai cuộc kháng chiến, hỗ trợ trong những ngày đầu xây dựng lại đất nước và hôm nay tiếp tục đồng hành cùng nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng cạnh tranh hội nhập, Hội Nông dân Việt Nam đã và đang hoàn thành tốt vai trò là tiếng nói của giai cấp, bảo vệ quyền và lợi ích của bà con nông dân.

Không chỉ hỗ trợ về vốn, xây dựng mô hình kinh tế tập thể, liên kết sản xuất, Hội Nông dân Việt Nam còn kiến nghị chính phủ có những chính sách thuận lợi, bảo vệ quyền lợi, nâng khả năng cạnh tranh cho người nông dân như: xây dựng kho chứa bảo quản nông sản tại các vùng chuyên canh để nông dân có thể gửi nhờ hoặc thuê lại với giá ưu đãi, tham gia vào Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia giai đoạn 2015-2020…

Về việc chuẩn bị cho nông dân hội nhập, ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: “Giai đoạn hội nhập TPP, chúng tôi xác định nông dân vẫn là chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, phải cung cấp thông tin, tập huấn, bồi dưỡng làm sao để nông dân nhận thức, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap. Hiện nay có trên 10 mặt hàng nông sản đang xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD nhưng chúng ta vẫn tiếp tục nâng giá trị này lên”.

Nông dân cần được hỗ trợ nhiều mặt để có thể thích ứng với hội nhập (Ảnh: Lan Hương)

Nhiều năm nay, Hội Nông dân thành phố phối hợp với Sở Công thương đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả ở khu vực nông thôn ngoại thành. Thông qua các hội nghị kết nối cung – cầu, mô hình tiêu thụ nông sản, liên kết nhà nông - nhà sản xuất - nhà phân phối, các phiên chợ nông sản… các sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn TP dần gắn kết vào các chuỗi giá trị, tạo sự ổn định cho sản xuất và đầu ra trên thị trường. Đây cũng là chủ trương là định hướng mà thành phố hướng tới. Ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư thường trực Thành ủy đề nghị: “Chúng ta cần thực hiện bằng được những mô hình sản xuất bền vững, mô hình hợp tác hiệu quả trong chăn nuôi, trồng trọt, làm sao giảm chi phí nhưng giữ được giá, tăng lợi nhuận, hiệu quả là rất quan trọng”.

Với chủ trương phát triển nông nghiệp đô thị gắn với công nghệ cao, Hội Nông dân TP chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai nhiều dự án ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ, công nghệ sinh học mang lại hiệu quả cao như trồng chuối giá trị cao, trồng cây giảo cổ lam phục vụ thị trường dược liệu trong nước và xuất khẩu, mô hình hồ thu trữ nước chạt trong sản xuất muối, mô hình nuôi ốc hương, nuôi cua thịt từ giống sinh sản nhân tạo…

Về đề án hỗ trợ nông dân trong hội nhập, ông Trần Trường Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP khẳng định: “Hội Nông dân thành phố tiếp tục thực hiện các đề án được Thành ủy phê duyệt như đề án đưa nông dân học tập mô hình trong và ngoài nước, nâng cao năng lực sản xuất thực hiện quyết định 310 về tái cấu trúc nông nghiệp thành phố. Hội nông dân phối hợp khu Nông nghiệp công nghệ cao trình TP đề án xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2015-2020 để đảm bảo lực lượng lao động nông nghiệp hiệu quả, phục vụ nhu cầu hội nhập, giải quyết lao động trong ngành nông nghiệp kỹ thuật cao”.