Nông thôn Việt Nam: Nhìn lại chặng đường 5 năm phát triển

(VOH) - Năm 2015 là năm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bởi đây là năm cuối cùng của kế hoạch thực hiện giai đoạn 5 năm từ 2010-2015. Nhìn lại chặng đường đã qua rõ ràng kết quả đạt được của chương trình đến nay là không nhỏ, khi mà nhiều nơi thông qua chương trình đã làm “thay đổi diện mạo” những vùng quê.

Ảnh minh họa: sotttt.hanoi.gov.vn

Nông thôn chuyển mình

Từng con đường, tuyến hẻm, bệnh xá, trường học được xây mới, tạo điều kiện để khu vực nông thôn chuyển mình rút ngắn khoảng cách với thành thị. Phản ánh rõ nét nhất cho điều này chính là mức thu nhập bình quân đầu người vùng nông thôn đã tăng khoảng 1,9 lần so với năm 2010 và đạt 24,4 triệu đồng/năm; cùng với đó số hộ nghèo ở nông thôn được giảm mạnh, còn 8,2%.

Nhấn mạnh sự đổi thay này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhìn nhận: “Hiện nay đời sống nông thôn những xã, những huyện mà đạt tiêu chí nông thôn mới có khác gì thành thị đâu và đây cũng là một nội dung để phát triển bền vững. Cấp ủy nào, tỉnh ủy nào, huyện ủy nào đặc biệt quan tâm, xác định đúng trọng tâm; tập trung chỉ đạo, có chương trình, có kế hoạch, có trọng tâm, trọng điểm, có sơ kết, có rút kinh nghiệm, có khen thưởng, có phê bình, có bố trí đúng cán bộ thì nơi đó làm tốt”.

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 11/2015, cả nước có 1.298 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân/xã là 12,9 tiêu chí (tăng 8,2 tiêu chí so với 2010); số xã khó khăn nhưng có nỗ lực vươn lên (xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên) là 183 xã.

Ở cấp huyện, đã có 11 huyện được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ngoài ra còn 8 huyện, thị xã đã có tờ trình của UBND tỉnh, thành phố đề nghị xét, công nhận.

Có thể nói Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân, lôi cuốn người dân vào xây dựng nông thôn mới. Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sôi động khắp cả nước.

Nhiều cách làm hiệu quả

Ông Bùi Hòa An, Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè chia sẻ kinh nghiệm mà huyện đã có được trong quá trình phấn đấu thành huyện nông thôn mới: “Điều quan trọng đầu tiên là sự nhận thức của đội ngũ cán bộ công chức, có nhận thức tốt, có kế hoạch công tác riêng của từng Đảng viên thì việc xây dựng nông thôn mới, việc tuyên truyền vận động trong bà con nhân dân mới đạt được yêu cầu và trên hết là cái sự đồng lòng, sự ủng hộ, sự chung tay góp sức của bà con nhân dân, của các doanh nghiệp và của các đơn vị hỗ trợ”.

Bên cạnh đó, để có được thành công, nhiều tỉnh - thành đã biết cách cụ thể hóa các chính sách của Trung ương, chủ động ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với đặc thù của địa phương mình. Điển hình như tại TPHCM thông qua chính sách cho vay vốn để giúp người nông dân có điều kiện tái sản xuất hay đầu tư sản xuất mới từ đó đã phát huy hiệu quả của chương trình.

Ông Khưu Minh Hưng, một nông dân nuôi cá ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi bộc bạch: “Thấy có hiệu quả cao nên tôi mới mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất cá sạch và cá thác lác. Cá này giá cao nên tôi có vay thêm 9,8 tỷ đầu tư thêm cho ăn thức ăn sạch và liên hệ làm hàng xuất khẩu qua châu Âu và Mỹ”.

Cũng có không ít hạn chế

Đi liền với thành công nào cũng chứa đựng những hạn chế và thách thức đặt ra. Bởi nhìn lại thời gian qua có thể thấy rằng, phần lớn các xã đều tập trung cao phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là làm đường giao thông nhưng các nội dung về phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường thì chưa được quan tâm đúng mức. Đã có sự chênh lệch lớn về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền.

Trong khi số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới ở Đông Nam bộ là 34%, đồng bằng sông Hồng là 23,5%, miền núi phía Bắc và Tây Nguyên mới chỉ đạt khoảng 7%.

Chỉ ra nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, về khách quan xuất phát điểm của đa số các xã còn thấp trong khi nguồn lực của cả Nhà nước, người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, nhất là ở các địa phương miền núi, chương trình triển khai vào thời kỳ khó khăn về kinh tế, việc huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới cũng gặp nhiều khó khăn.

Về chủ quan, theo ông là nhận thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, sự lãnh đạo, chỉ đạo của nhiều cấp ủy chính quyền thiếu sâu sát quyết liệt, một bộ phận lại quá nôn nóng chạy theo thành tích, tiêu chí cơ chế chính sách có một số điểm chưa phù hợp, vận dụng máy móc kém hiệu quả, thậm chí gây lãng phí nguồn lực.

Nhìn thẳng sự thật để khắc phục những bất cập và hướng đến một giai đoạn mới phát triển ổn định hơn là điều cần thiết cho bất kỳ chương trình nào, đặc biệt khi đây lại là một trong những chương trình lớn của Đảng và Nhà nước dành cho khu vực nông thôn.

Vì vậy trong giai đoạn tới, đòi hỏi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị tiếp tục nỗ lực chung tay thực hiện. Phấn đấu đến năm 2020 phải có 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới; và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Đây là những mục tiêu rất cụ thể và thiết thực, đáp ứng được yêu cầu phát triển nông thôn mới trong giai đoạn tới.