"Càng yêu thư pháp, càng yêu chữ Quốc ngữ thì càng thêm yêu tổ quốc"

(VOH) - Nghệ nhân thư pháp Võ Dương với chặng đường gần 20 năm gắn bó cùng niềm đam mê thư pháp đang nắm giữ 3 kỷ lục Việt Nam và 1 kỷ lục Châu Á liên quan đến bộ môn nghệ thuật này.

Đặc biệt, Võ Dương được công nhận danh hiệu Nghệ nhân Quốc gia Thư pháp Việt đầu tiên của Việt Nam vào năm 2019. Cũng trong năm này, anh còn xác lập một kỷ lục Thế giới với tác phẩm sách thư pháp bằng tiếng Việt “Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp - Những năm tháng cuộc đời” làm bằng bìa gỗ nặng khoảng 500kg. 

*VOH: Với Võ Dương thì thư pháp là nghề hay nghiệp và cơ duyên nào đưa anh đến với bộ môn thư pháp này? 

Nghệ nhân Võ Dương: Tới thời điểm hiện giờ thì Võ Dương có thể khẳng định đó là một cái nghiệp, không đơn thuần là cái nghề nữa. Trước đây, Võ Dương làm bên kỹ thuật và với niềm đam mê thư pháp, thì chỉ xem như một thú chơi, tiêu khiển những lúc nhàn rỗi. Nhưng mà tới hiện giờ thì Võ Dương gần như sống với bộ môn thư pháp này và có thể xem đây như là nghiệp của mình, “nó” đã chọn mình. Và người đã đưa Võ Dương đến với thư pháp có thể nói là một người ông quá cố của Võ Dương. Thì ông là người rất yêu thích về thư pháp Hán ngôn và sau này là thư pháp chữ Việt.

“Càng yêu thư pháp, càng yêu chữ Quốc ngữ thì càng thêm yêu tổ quốc” 1
Ảnh: HUTECH

*VOH: Bên cạnh niềm đam mê thì đâu là động lực thôi thúc anh không ngừng trao dồi kỹ năng, không ngừng sáng tạo xuyên suốt quá trình theo đuổi bộ môn nghệ thuật thư pháp?

Nghệ nhân Võ Dương: Ban đầu, thật ra mình không nghĩ mình sẽ trở thành một nhà thư pháp, một nghệ nhân hay một nhân vật nào đó. Nhưng mà qua quá trình mình chơi, tìm hiểu và cảm thấy thư pháp chữ Việt khá mới và mình càng ngày càng phải nâng tầm thư pháp lên. Để mà thư pháp đi vào lòng người thì mình kết hợp rất nhiều yếu tố, không chỉ đơn thuần nét chữ, nghệ thuật, hội họa, tâm tư tình cảm và nhất là cái tâm của mình hướng về nét chữ. Mình muốn mang cái nét chữ không đơn thuần là nét chữ như người ta thường nói là “rồng bay, phượng múa” mà nét chữ phải có cái hồn, cái tâm. Và mọi người khi mà nhìn tác phẩm đó thì cảm nhận được, thấy được những hình ảnh, câu chữ muốn thể hiện trong tác phẩm đó.

Qua quá trình mình trao dồi và thể hiện các tác phẩm thì mình nhận thấy rất nhiều người muốn tìm hiểu thư pháp. Từ đó thì con đường nhân duyên mình được đứng lớp và dạy cho nhiều thế hệ. Đây là bước mình tiến bộ nhất tại vì khi mình truyền đạt lại cho mọi người thì mình càng phải nâng tầm bản thân cũng như nét chữ của mình lên. Từ những người học trò đó mình học hỏi rất nhiều điều mà ở thực tế hoặc trong quá trình mình thực hiện các tác phẩm mà mình không có được. Sau hơn 10 năm giảng dạy thì mình cũng đã đúc kết ra được giá trị về thư pháp.

*VOH: Theo anh thì đâu là những mặt hạn chế của bộ môn nghệ thuật thư pháp hiện nay?

Nghệ nhân Võ Dương: Bộ môn thư pháp vẫn có những chủ quan nhất định. Thứ nhất, bộ môn thư pháp hiện giờ vẫn chưa có trường lớp giảng dạy. Thứ hai, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về thư pháp và chưa có định hình nào chuẩn mực về thư pháp cho nên mọi người cứ nghĩ thư pháp là những chữ gì đó khó đọc hoặc là mình cứ việc nguệch ngoạc ra là thư pháp. Ngay cả những người viết thư pháp, mà tôi xin thưa ngay cả tôi luôn, chỉ có những năm trở lại đây tôi ngộ ra, tôi nhận ra vấn đề về thư pháp mình phải dồn cả cái tâm, cái trí, cái lực của mình vào thì nét chữ mới đạt được giá trị nhất định. Còn lại những người hời hợt thì bộ môn thư pháp vẫn chưa đạt tới trình độ đó. Chính vì vậy nên có nhiều người muốn có tác phẩm thư pháp nhưng chưa tìm đúng tác phẩm chất lượng để sở hữu và chưa hiểu nhiều về thư pháp. Đặc biệt năm nay tôi gặp rất nhiều người tìm mua thư pháp và khi người ta nghe tên tuổi, thấy được chữ của tôi thì người ta rất ngưỡng mộ và người ta nói đây là tác phẩm mà tôi cần tìm và tôi cần phải treo.

*VOH: Võ Dương chia sẻ về tâm tư, mong muốn của bản thân sẽ tiếp tục cống hiến, đóng góp cho xã hội thời gian tới đây?

Nghệ nhân Võ Dương: Thứ nhất hiện nay tôi vẫn còn đang sinh hoạt Đảng và tôi còn trẻ nên lúc nào tôi cũng muốn truyền ngọn lửa đam mê, nhất là những câu nói nổi tiếng của Bác Hồ thì tôi cũng muốn là giới trẻ, thứ nhất phải tìm hiểu bộ môn thư pháp, học thư pháp. Để làm sao mình rèn luyện tâm tính, cũng như khi bạn yêu nét chữ thư pháp, đó là chữa thuần Việt, chữ Quốc ngữ của mình. Các bạn yêu chữ đó rồi thì các bạn sẽ yêu đất nước Việt Nam, bảo vệ tổ quốc và khi các bạn đặt cả tâm hồn vào tâm tư tình cảm vào những nét chữ thì các bạn sống sẽ có ích cho xã hội, mang lợi ích cho xã hội, mang nét đẹp thư pháp. Mà bây giờ thư pháp tôi nhìn nhận như một báu vật, bản sắc riêng của văn hóa chữ Việt và muốn truyền lại cho tất cả giới trẻ, cũng như là thế hệ trẻ và từ đó thì mình càng yêu thêm đất nước Việt Nam mình.

*VOH: Xin cảm ơn anh về cuộc trao đổi này.