Công dung ngôn hạnh thời hiện đại khác xưa như thế nào?

(VOH) - Người phụ nữ đẹp ngày xưa tuân thủ “tam tòng, tứ đức”, nghĩa là biết nấu ăn, biết chăm sóc gia đình, biết cách ứng xử, nói năng dịu dàng, đằm thắm đạo đức tốt, phẩm chất tốt.

Đây là mẫu người lý tưởng mà bất kỳ người đàn ông trong xã hội nào cũng mơ ước. Tuy nhiên, ngày 8/3, ngày dành riêng để tôn vinh phái đẹp mà nhắc đến chuyện tứ đức thì có vẻ là hơi cũ và khô khan, nặng nề. Song với tinh thần “ôn cố tri ân”, chúng ta cùng nói về chuyện này, vừa vui vừa không thừa chút nào. Bởi phẩm hạnh của bất kỳ con người nào, ở thời đại nào cũng quan trọng.

Phẩm hạnh của người phụ nữ thường được đề cao hơn vì người phụ nữ là người giữ gìn truyền thống gia đình, người chủ yếu giáo dục con cái. Phụ nữ ngày nay, không chỉ đáp ứng đủ những tiêu chuẩn “công, dung, ngôn, hạnh” của xã hội xưa mà trước thử thách của thời đại mới, hình ảnh và trách nhiệm xã hội của phụ nữ cũng thay đổi rất nhiều. Cái đẹp của người phụ nữ trong lễ giáo xưa, đó là Tứ đức: Công, Dung Ngôn, Hạnh. Vậy ngày nay thì sao? Cần phải nhìn nhận như thế nào về “Tứ đức” trong thời hiện đại? VOH có trao đổi với Tiến sỹ xã hội học Phạm Thị Thúy.

VOH: Thưa Tiến sỹ Phạm Thị Thúy, vấn đề nhức nhối của xã hội chúng ta bây giờ vẫn là vấn đề công dung, ngôn hạnh. Cách đây mấy chục năm về trước thì vấn đề này quá bình thường, và hầu như phụ nữ VN thế hệ cũ thì công dung, ngôn hạnh ai cũng có. Nhưng bây giờ chúng ta lại bắt đầu đặt công dung, ngôn hạnh là một tiêu chuẩn để phải theo. Vậy Tiến sỹ nghĩ sao về về “tứ đức” trong xã hội hiện đại?

Tiến sỹ Phạm Thị Thúy: Công, dung, ngôn hạnh luôn được coi trọng trong mọi xã hội, vì đó là tứ đức, mà đức là đứng đầu. Có đức thì mới có sự tu dưỡng, rèn luyện và mới có nhiều sự đóng góp cho xã hội, cho nên dù thời xưa hay thời nay đều cần 4 đức hạnh đó. Nhưng ngôn ngữ và cách hiểu của thời xưa và thời nay nó có sự thay đổi. Chúng ta không nên bắt chước mọi tiêu chí của xã hội cũ mà nên thay đổi cho phù hợp với xã hội hiện đại. Vì rõ ràng trong xã hội hiện đại con người sống trong hoàn cảnh vô cùng khác với xã hội xưa. Vai trò của phụ nữ đang ngày càng có sự khác biệt, không chỉ còn ở trong gia đình, trong mái ấm và trong bếp của mình mà người phụ nữ đóng góp rất nhiều cho xã hội. Cho nên hiểu Công, dung, ngôn hạnh như thế nào cho đúng với thời nay mới là điều chúng ta cần bàn.

Tiến sỹ Phạm Thị Thúy
Tiến sỹ Phạm Thị Thúy

VOH: Tiến sỹ có thấy những phong trào như phụ nữ “ba đảm đang”, hay phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà”  hiện nay, có phải là sự bóc lột đối với người phụ nữ, như một số ý kiến trên mạng xã hội không?

Tiến sỹ Phạm Thị Thúy: Phong trào “3 đảm đang” hay phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà” nó có sứ mệnh trong lịch sử thời chiến tranh chúng ta rất cần hậu phương vững chắc và đề cao vai trò của phụ nữ và sự vững vàng ở hậu phương để cho người ở tiền phương bảo vệ tổ quốc, còn ngày nay nếu chúng ta chỉ nói đến “3 đảm đang” hay “giỏi việc nước, đảm việc nhà” cho riêng phụ nữ thôi là sự thiếu công bằng vì ai cũng cần giỏi việc nước, đảm việc nhà. Đàn ông cũng cần tham gia vào xây dựng kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái, đóng góp vào việc nhà, giúp đỡ vợ con thì tôi cho rằng ai cũng cần. Từ người lớn đến trẻ em, từ người chồng đến người vợ chứ không phải chỉ người vợ. Cho nên nếu chúng ta cứ nhấn mạnh hai danh hiệu đó cho phụ nữ thì sợ rằng chúng ta đang khoác lên cho phụ nữ một cái ách, một cái áp lực mà buộc họ phải hoàn thiện, nếu không hoàn thiện thì giống như họ chưa làm tròn vai, chưa được như sự mong muốn của cộng đồng, xã hội  và gia đình. Theo tôi là không công bằng. Rõ ràng cái “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đàn ông vô cùng cần. Chúng tôi làm nghiên cứu về gia đình về dạy con mà người chồng, người cha mà biết chăm sóc, nuôi dạy con cái, cùng chơi với con và đặc biệt nuôi dạy con thì đứa trẻ sẽ thông minh hơn, tự tin hơn và có nhiều điều kiện phát triển toàn diện hơn những đứa trẻ chỉ có mẹ chăm sóc và nuôi dưỡng.

VOH: Có quan niệm cho rằng, công dung ngôn hạnh chỉ dành riêng cho người phụ nữ, còn người đàn ông thì họ không cần thiết phải quan tâm đến điều này thì Tiến sỹ nghĩ như thế nào?

Tiến sỹ Phạm Thị Thúy: Xét ra 4 đức tính công dung, ngôn hạnh này nếu chiếu theo cho mọi người trong xã hội thì cũng không có gì sai. Công vẫn là sự giỏi giang, nói về nghề nghiệp chuyên môn, cách người đó thể hiện trong xã hội. Đó là cái tài của mỗi người để tạo ra của cải vật chất. Còn dung là cái dung nhan, hình ảnh bên ngoài là vẻ đẹp không chỉ tâm hồn mà cả vẻ đẹp hình thức mà ai cũng cần. Ngôn là cái ngôn ngữ là cách nói năng, cư xửa của mọi người thì thời nào cũng cần và ai cũng cần. Nam hay nữ nếu khéo léo trong việc giao tiếp và biết giao tiếp làm cho các mối quan hệ xung quanh hài hòa thì cuộc sống gia đình cũng như công việc của họ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Cái kỹ năng giao tiếp là chìa khóa để thành công cho nên không thể nói là chỉ có phụ nữ cần thôi còn nam không cần là hoàn toàn không đúng. Về yếu tố hạnh là đạo đức, phẩm hạnh là cách chúng ta sống với người khác, là cách chúng ta cư xử, đối đãi với người khác thì điều này bất kỳ ai cũng cần chúng ta không nên phân biệt đức tính này là của phụ nữ còn đức tính kia là của nam giới và nghĩ là nam giới không cần là hoàn toàn sai.

VOH: Nhân đây Tiến sỹ chia sẻ gì thêm về công dung, ngôn hạnh trước đây và công dung, ngôn hạnh  ngày nay có những điểm gì khác nhau?

Tiến sỹ Phạm Thị Thúy: Khác nhau rất nhiều. Cả nam và nữ đều cống hiến cho xã hội, đều làm những việc chuyên môn tạo ra sản phẩm, vật chất. Cho nên cái công ở đây chính là tài năng để mỗi chúng ta đóng góp cho xã hội này cũng là để nuôi sống bản thân, nuôi sống gia đình. Còn dung ngày nay thì xã hội vô cùng cần, đây chính là vẻ đẹp tâm hồn và vẻ đẹp hình thức. Nếu không coi trọng chúng ta sẽ làm mất đi cơ hội làm cho chúng ta sống thiện lành, tốt đẹp hơn với tất cả mọi người. Với ngôn thì trong xã hội này chúng ta không chỉ giao tiếp trong phạm vi nhỏ mà chúng ta giao tiếp với toàn thể thế giới. Cho nên cách chúng ta giao tiếp, ứng xử trên mạng xã hội, trong công việc, trong tất cả các mối quan hệ, cần có sự lịch thiệp, văn minh, hiện đại và người hiện đại này chúng ta cần có khả năng về ngoại ngữ, có khả năng giao tiếp, ứng xử thông minh, lịch thiệp, khéo léo. Đây là nghệ thuật đi vào cuộc sống thành công và hiệu quả.  Còn hạnh là phẩm chất là đạo đức mà mỗi người đều vô cùng cần. Những người thành công đều là những người làm việc tử tế, sống tử tế. Có cái hạnh thì mới có được sự tín nhiệm, uy tín trong xã hội này.

VOH: Có thể nói cái nền tảng gia đình rất quan trọng trong việc hình thành nhân cách của một con người. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như hiện nay cũng rất khó trong vấn đề phải làm sao để con mình hiểu và làm theo những chuẩn mực của đời trước. Vậy theo Tiến sỹ gia đình cần làm gì để thế hệ trẻ noi theo?

Tiến sỹ Phạm Thị Thúy: Bốn đức tính mà chúng ta đang bàn đến nếu như người cha, mẹ chú ý giữ gìn. Cái dạy con là dạy bằng hành vi chứ không phải dạy bằng lời nói vì thế nếu bố mẹ có công dung, ngôn hạnh tốt thì con cái cũng sẽ học được cái đức tính tốt đẹp của cha mẹ. Đặc biệt là tạo nên được cái nếp nhà, môi trường nhân cách để hình thành nên nhân cách của con ngày càng tuyệt vời hơn. Và tôi rất mong mỗi gia đình chúng ta hãy chú ý để rèn luyện chính mình, để tu tâm, dưỡng tính thì chính các con của chúng ta sẽ học được những điều hay, lẽ phải, những điều tốt từ chúng ta. Và tôi tin rằng con chúng ta nếu có 4 tứ đức này cũng là chìa khóa để con chúng ta thành công rồi. Trao cho con của cải không bằng trao cho con đức hạnh. Nếu tứ đức này nếu các bậc cha mẹ trau dồi trong cuộc sống hàng ngày cho con thì đó là món quà vô giá tặng con.

VOH: Xin cám ơn Tiến sỹ Phạm Thị Thúy!