Đây là một trong 3 chuyên đề của Ban Lý Luận - Phê Bình - Hội Nghệ sỹ múa TPHCM năm 2022, do trưởng ban Tiến sỹ Phạm Ngọc Hiền chủ trì.
Lớp tập huấn được tổ chức miễn phí nhằm mục đích đi đến thống nhất nội dung, cấu trúc cho một kịch bản múa và tiện việc cho Hội đồng nghệ thuật, nhận xét đánh giá, phân loại kịch bản hàng năm.
Trong chương trình tập huấn hôm nay, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Bá Thái đã chia sẻ về phương pháp viết kịch bản múa cho các biên đạo múa trực thuộc Hội nghệ sỹ múa TPHCM.
Theo Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Bá Thái, bất kỳ một tác phẩm văn học và nghệ thuật trình diễn nào cũng cần phải có kịch bản. Vấn đề kịch bản bao giờ cũng phải được đặt lên hàng đầu. Kịch bản là xương cốt của nội dung câu chuyện kể, nhưng phải được cấu tư theo một hình thức có đầu, có đuôi một cách hợp lý nhất để dẫn dắt người xem theo ý đồ tác giả.
Với bộ môn nghệ thuật múa, riêng với những điệu múa dân gian dân vũ của các dân tộc trên đất nước ta thì thường không cần sử dụng đến kịch bản, các hình thức múa mang tính trình diễn khác như múa mang nội dung tình tiết, các loại hình nghệ thuật múa mang tính trình diễn cao như thơ múa, tổ khúc múa, cảnh múa, hay cao hơn là kịch múa ballet... với những sự kịch tính, có những nhân vật mang tính cách khác nhau, thậm chí đối kháng, thì các phải có kịch bản thật chặt chẽ.
Trong chương trình tập huấn Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Bá Thái cũng chia sẻ những kiến thức về cách viết kịch bản văn học và chuyển thể sang kịch bản cho âm nhạc và múa. Trong đó nhấn mạnh về việc người biên đạo muốn dàn dựng được tác phẩm múa hay thì điều đầu tiên là phải nghiên cứu kịch bản văn học, tiếp theo là chuyển từ kịch bản văn học sang kịch bản sân khấu với lăng kính của người biên đạo. Tiếp theo đó là người biên đạo phải phân cảnh trên cơ sở kịch múa bản múa, để viết thành kịch bản phân cảnh, trong đó ghi rõ tình cảm âm nhạc qua từng phân đoạn.
Ngoài ra, các biên đạo cũng được nghe và trao đổi xung quanh những lưu ý trong thành phần kịch bản múa, những vấn đề về tên gọi tác phẩm, chủ đề và nội dung tư tưởng, bố cục với những phần mở đầu, đặt vấn đề, phát triển, những xung đột, cao trào và giải quyết cao trào, nhân vật, thời lượng...