Chờ...

Hàng trăm lượt khách dự Lễ hội Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở TPHCM

(VOH) - Lễ hội Đền Trần Xuân Mậu Tuất 2018 được Quận 1 tổ chức trong 3 ngày 8, 9 và 10 tháng Giêng âm lịch (tức 23, 24 và 25/2).

Lễ hội Đền Trần, ở Nam Định là một trong những nghi lễ quan trọng, thu hút hàng triệu lượt du khách mỗi dịp đầu năm. Với khoảng 174 năm trị vì, Triều đại Nhà Trần cũng xuất hiện nhiều anh tài, nhân kiệt được lưu lại trong sử sách. Trong số đó, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được xem là nhà thiên tài chính trị, quân sự đại tài, 3 lần đánh tan giặc Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế kỷ 13.

Những chiến công hiển hách cùng với đức độ của Trần Hưng Đạo đã khiến cho nhân dân cả nước kính trọng và lập đền thờ để thờ cùng ở nhiều nơi. Ở TPHCM, sáng 24/2, hàng trăm người dân của Thành phố và các tỉnh lân cận nô nức tham dự chính lễ Lễ hội đền Trần Xuân Mậu Tuất 2018 - một trong những nghi lễ truyền thống ở Thành phố mang tên Bác, thể hiện đức tin của người dân đối với Đức thánh Trần Hưng Đạo. 

Như mọi năm, Lễ hội Đền Trần Xuân Mậu Tuất 2018 được Quận 1 tổ chức trong 3 ngày 8, 9 và 10 tháng Giêng âm lịch (tức 23,24 và 25/2). Đây là một hoạt động mang tính truyền thống, có ý nghĩa tốt đẹp được tổ chức mỗi dịp đầu năm mới, để mọi người dân đến dâng hương, dâng hoa, cúng lễ, bày tỏ lòng ngưỡng mộ trước công đức to lớn của Vị anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo, cũng như cầu mong Quốc Thái dân an ấm no hạnh phúc. Lễ hội thu hút hàng trăm lượt người đến hành lễ, vọng bái.

Chính điện đền Thánh Trần Hưng Đạo tại TPHCM

Ông Lê Tiến sĩ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Tân Định, quận 1 - Trưởng Ban tổ chức Lễ hội Đền Trần Xuân Mậu Tuất cho biết hoạt động Lễ hội xuân Đền Đức thánh Trần Hưng Đạo năm 2018 rơi đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968. Đây cũng là một dịp mà Ban quản trị Đền Trần muốn tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động nhằm phát huy tinh thần ý chí quật cường của nhân dân ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước suốt thời gian qua.

Diễn ra trong đợt cao điểm của nhiều hoạt động chính trị, xã hội đáng chú ý, tuy nhiên, Lễ hội Đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo vẫn trang nghiêm và long trọng theo đúng nghi thức đề ra. Phần lễ do các vị cao niên chủ trì, đọc bài tế ngưỡng vọng công lao to lớn của Đức Thánh Trần với lịch sử dân tộc. Riêng đối với phần hội, Ban tổ chức cũng xây dựng nhiều hoạt động phong phú như: múa lân sư rồng, trên diễn các ca khúc xuân, các làn điệu dân ca, tế lễ để tạo không khí rộn ràng trong ngày xuân.

Bà Lương Thị Kim Phi, Trưởng Ban Nghi lễ Đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo, TPHCM nói: "Trong 3 ngày diễn ra chúng tôi tổ chức nhiều lễ hội với Ban tế nam, Ban tế nữ. Tất cả quý vị thập phương, bá tánh về đều chiêm ngưỡng tượng Ngài. Tất cả nhân dân bây giờ, đa số bà con ai cũng hết sức tôn trọng, tín ngưỡng lễ bái dân gian của Việt Nam mình hiện tại. Sau phần hội hôm nay, ngày mai Ban tế nữ sẽ lễ tất và kết thúc Hội xuân 2018."

Không chỉ lập công lớn với 3 lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, giữ vững giang sơn đất nước, Trần Hưng Đạo còn là một tấm gương đức độ, biết khoan thư sức dân trong mọi việc nên được nhân dân tôn kính, lập đền thờ để mong Đức Thánh Trần tiếp tục hộ quốc an dân.

Bà Lê Thị Ngọc Bích, người dân quận Gò Vấp nói: "Khi tôi đặt chân đến đây, tôi cảm thấy rằng trong lòng mình tự nhiên thấy bình an, thanh thản và cảm thấy ấm cúng. Con cái của tôi cũng như là bất cứ ai khi mà đã đặt chân đến đây rồi sẽ tìm hiểu và biết rõ hơn về nguồn gốc cội nguồn dân tộc. Đây là một trong những chiến tích của lịch sử Việt Nam. Chính vì vậy mà họ cũng sẽ về truyền đạt lại cho con cháu của mình, những thế hệ sau này về chiều dài lịch sử của đất nước để lịch sử không bao giờ bị mai một."

Ngoài những hoạt động truyền thống, lễ hội xuân còn trao tặng nhiều suất học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại các trường tiểu học trên địa bàn quận 1.

Hiện cả nước có gần 1.000 di tích thờ Đức Thánh Trần, trong đó, nơi thờ tự chính của Trần Hưng Đạo là ở Đền Kiếp Bạc, Thị xã Chí Linh, Hải Dương. Đây là nét tín ngưỡng độc đáo của dân tộc, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây tốt đẹp của dân tộc ta từ xa xưa.