Soi khán giả hay thưởng thức giọng ca thí sinh?

(VOH) - Kính gửi quý Tòa soạn! Tình cơ lướt web, tôi có đọc được một tin ngắn của độc giả Phó soi trên mục giải trí của Phụ nữ TP.HCM online về chương trình Tuyển chọn giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM với tiêu đề và nội dung như ở dưới. Vì đây là chương trình liên quan đến việc phát huy giá trị nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, nên tôi có vài lời bàn về nhận định này.

Chán với “người xưa cảnh cũ” (27.8.2013)

PN - Giải Bông lúa vàng 2013 (diễn ra tại Đài tiếng nói nhân dân TP.HCM, phát thanh trực tiếp trên sóng AM 610Khz và trực tiếp truyền hình trên kênh HTV1 lúc 14g thứ Bảy hàng tuần) có số lượng khán giả theo dõi khá đông.

Nhưng khán giả xem đài HTV1 đã phát hiện chương trình có điều rất lạ: dù đã tám chương trình, lại là trực tiếp nhưng lần nào cũng thấy khuôn mặt những khán giả quen thuộc không chỉ ngồi đúng vị trí mà màu áo, kiểu áo, tư thế cũng... y chang nhau. Là một chương trình được đánh giá có chất lượng tốt, phát hiện được nhiều thí sinh có giọng ca hay nhưng mỗi lần máy quay lia đến cảnh khán giả tại chỗ vỗ tay hoan hô... là cứ thấy lại “người xưa cảnh cũ” mãi.

Phó soi

Bạn thưởng thức gì: Soi khán giả hay thưởng thức giọng ca thí sinh?

Gửi bạn Phó soi!

Đọc thông tin Chán với “người xưa cảnh cũ” trên mục giải trí của Phụ nữ TP.HCM online ngày 27.8 tôi không hiểu bạn Phó soi thưởng thức điều gì trong các chương trình Tuyển chọn giọng ca cải lương Giải Bông lúa vàng do Phòng Biên tập Văn nghệ Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM tổ chức: Soi khán giả, hay thưởng thức giọng ca của các thí sinh? Là một sinh viên của Khoa Văn học Ngôn ngữ trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM, tuy là người miền Bắc nhưng tôi cũng rất thường xuyên đến Hội trường của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM dự khán các chương trình văn nghệ được phát sóng trực tiếp của cả 2 đài phát thanh và truyền hình. Chính vì vậy tôi thấy mình cần phải có trách nhiệm trao đổi lại vài lời với độc giả Phó soi như sau:

Trước hết, nếu bạn Phó soi hay bất kỳ một khán/ thính giả nào đã từng đến địa chỉ Hội trường của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (số 3, đường Nguyễn Đình Chiểu), vào các buổi chiều thứ 7 hàng tuần thì sẽ nhận thấy một điều vô cùng thú vị và đáng trân trọng là khán giả đến dự khán rất đông, rất ổn định và quen thuộc. Mặc dù đây là giai đoạn sân khấu cải lương đang hết sức thưa vắng công chúng, nhưng với những khuôn mặt rất quen mà bức ảnh đăng tải lại là những công chúng hết sức gần gũi với loại hình nghệ thuật này. Họ đã “ghiền” cải lương còn hơn cả người tình, và là một phần máu thịt không thể thiếu trong cuộc sống. Họ tới dự khán thường xuyên như thế có gì là lạ? Tôi thấy những hình ảnh chật kín khán giả dự khán trong hội trường của Đài VOH mà HTV1 chuyển tải trên sóng là hết sức chân thực và khách quan, không hề có sự dàn xếp, tô vẽ nào. Mặc dù 14 giờ chương trình Tuyển chọn Giọng ca cải lương giải Bông lúa vàng hay giải Giọng ca cải lương hàng tuần mới bắt đầu, nhưng khoảng từ 12 giờ, hoặc 12 giờ 30 trở đi, cổng 2 của Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, khán giả mộ điệu tập trung ở đây. Vì thế nên 13 giờ nhà Đài đã phải mở cổng này để cho công chúng vào trong. Họ đến sớm để làm gì? Để nhận chỗ ngồi quen thuộc; một thói quen rất hay đấy chứ! Hơn nữa, đây là chương trình không bán vé, rất thích hợp với những người lớn tuổi, vì thế họ thường đến sớm để nhận chỗ chứ chẳng có ai đi dàn xếp khán giả cả. Đây là một đặc tính rất chung của khán giả mộ điệu cải lương nói chung chứ chẳng riêng gì chương trình này. Họ thích ngồi vào những chỗ quen thuộc, cộng với các góc camera đã được định vị khá cố định, nên lý do mà bạn Phó soi thắc mắc theo tôi là có lý; nhưng nếu bảo “không chỉ ngồi đúng vị trí mà màu áo, kiểu áo, tư thế cũng... y chang nhau” thì theo tôi bạn nói hơi quá đáng. Thực tế công chúng đến dự khán của chương trình rất giản dị. Hầu như họ không có khái niệm mong được lên hình, mà cốt yếu đến để được thỏa mãn đời sống tinh thần là chính. Hơn nữa, bạn Phó soi có được bao nhiêu bức hình để minh họa điều bạn đã nói không, mà sao bạn lại đưa ra nhận xét phiến diện thế?

Thứ hai, tôi từng thấy nhà báo Phạm Phú Túc thường cầm những tập thư dày mà khán thính giả từ khắp nơi gửi về Đài hàng tuần; trong đó có những ý kiến chia sẻ hết sức chân thành và xúc động. Có thể nói từ lâu rồi, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã là một địa chỉ quen thuộc với nhiều người mộ điệu. Trong lúc trình độ thẩm mỹ của người dân đang bị “loạn chuẩn” và tự phát như hiện nay, mà một chương trình văn nghệ đậm đà hương vị dân tộc lại có được một lượng công chúng ổn định như thế thật là vô cùng quý. Cá nhân tôi còn cho rằng, chính những hình ảnh rất đỗi thân quen ấy đã tô đẹp thêm rất nhiều cho chương trình và tạo nên một thương hiệu chất lượng cao trong đời sống tinh thần của người dân Việt. Nếu không như thế thì làm sao chương trình có sức sống bền bỉ suốt 20 năm qua và nhà tài trợ là Công ty phân bón Bình Điền thương hiệu Đầu trâu lại độc quyền chung thủy gắn bó với chương trình bằng ngần ấy chặng đường dài? Thậm chí khi HTV1 còn chưa tham gia hỗ trợ chương trình phủ sóng ra xa hơn, có nhiều người miền Bắc khi vào Nam du lịch đã từng mong rằng, giá như Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có thể phủ sóng rộng ra ngoài đó để cho nhiều người cùng theo dõi! Theo tôi, đó là sự thắng lợi vượt bậc của những người tổ chức và ngày càng thể hiện được sự sâu sắc và tiến triển tích cực của chương trình. Chưa cần nói đến công lao phát hiện được khá nhiều giọng ca tốt (nguồn nhân lực dự bị hùng hậu cho sân khấu cải lương, nếu có chính sách hậu cuộc thi tích cực), thì việc chương trình thu hút được một lượng khán/ thính giả trên phạm vi rất rộng đã là thành công vượt bậc rồi. Có rất nhiều khán thính giả ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ở miền Tây, miền Đông, Tây Nguyên…; thậm chí ở cả hải đảo, miền Bắc cũng đã từng dõi theo và gọi điện thoại tới Đài để xin giao lưu một câu vọng cổ, hay một bài bản ngắn của âm nhạc cải lương đã nói lên điều đó. Cái hay và cuốn hút của chương trình là ở chỗ khán giả ca một nơi, người đàn ngồi một chỗ, họ chỉ gặp nhau trên sóng phát thanh mà tạo thành một sân chơi vô cùng thú vị…Thậm chí có nhiều bạn trẻ khi được ban tổ chức ưu ái mời lên sân khấu giao lưu thì run quá quên luôn cả bài ca. Đó chính là những nét gần gũi đáng yêu của chương trình. Cá biệt có khán giả mộ điệu đến từ tỉnh Đồng Tháp; anh lên giao lưu một câu vọng cổ hài theo quy định, nhưng vì ca xuất sắc đến nỗi ban tổ chức phải phá lệ, mời anh ca tiếp câu thứ hai. Khi anh đọc xong số điện thoại theo yêu cầu của MC Hữu Luân thì ngay sau đó, những cuộc điện thoại từ khắp nơi đã gọi về.

Thứ ba, tôi thường gặp cảnh những người dân thật thà chất phác từ những tỉnh rất xa như Cà Mau, An Giang, Trà Vinh…đến Đài để theo dõi chương trình. Họ đến Đài trước tiên là để theo dõi phần so tài của các thí sinh với tất cả những đẹp nhân văn vốn có của chương trình. Không chỉ có những thí sinh là người khiếm thị mà có cả những bạn là những người khuyết tật khác nữa. Có thí sinh dù phải chống nạng ra sân khấu, nhưng phần thi ca thì lại hết sức bản lĩnh và tự tin. Như MC Hữu Luân từng nói nhiều lần, rất nhiều người dự khán trong Hội trường Đài có thể ca được các bài bản cải lương, vọng cổ; chính vì thế mà phần đông công chúng đến Đài còn mong muốn được thỏa nỗi khát khao là được trực tiếp bước lên sân khấu giao lưu những câu ca mộc mạc như chính tâm hồn giản dị của họ. Một sân chơi hết sức gần gũi với người dân và tạo cho họ những cơ hội tốt để nói lên những suy nghĩ giản dị, chân thành của chính họ như thế thì sao mà không có sức hấp dẫn? Thậm chí từ các tỉnh xa, người ta cùng nhau hùn tiền lại để thuê xe lên thành phố, xem hết chương trình thì lại tất tả ra xe để trở về nhà… Phải thừa nhận chương trình vẫn thu hút lượng công chúng lớn tuổi mạnh hơn giới trẻ, nhưng theo tôi, tất cả những yếu tố như vậy đã làm cho chương trình này luôn có được một lượng công chúng khá dồi dào và ổn định đến thú vị, chứ không hề “chán”, tự phát như bạn Phó soi nghĩ. Nhất là bây giờ Sài Gòn đang là mùa mưa, cứ chiều tới là thường lại có mưa; nhưng bất chấp, khán giả mộ điệu vẫn đội mưa đến Đài. Họ là những ai? Không phản đối với bạn Phó soi là những người dự khán mà camera của HTV1 lấy hình ảnh thường là những người có đời sống tâm lý khá ổn định, nhưng những người có tuổi này thường đến sớm để chọn ghế đầu cho dễ theo dõi. Thực tế thì ở phía sau đó còn khá nhiều bạn trẻ là những người lao động chân chính, những công nhân từ các khu công nghiệp, khu chế xuất, thậm chí có cả những bạn sinh viên và trí thức nữa. Nhưng vì tâm lý người trẻ tuổi phải kính trọng người trên, phần lại ngại vì sự soi dọi của ống kính nên bạn Phó soi không thấy hết đó thôi, chứ thực ra chương trình không “chán” kiểu cảnh xưa người cũ như bạn nói đâu.

Nói vậy, cũng là để tôi muốn nói với bạn Phó soi rằng: bạn Phó soi nên phải soi sâu vào chiều sâu của vấn đề, của chương trình, chứ đừng soi vào công chúng một cách giản đơn và hời hợt, vì soi kiểu ấy, dễ làm mọi người không thấy hết giá trị của chương trình lấp lánh bản sắc văn hóa dân tộc mà Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã dày công xây dựng.