Điểm ưu tiên trong thi cử: Nên hay không ?

(VOH) - Tư hưu trí và Ba thợ hồ tranh luận nhau “có nên cộng thêm điểm ưu tiên trong thi cử, xét tuyển hay không?” tới độ “đỏ mặt tía tai” thì Hai Sài Gòn xuất hiện và bị lôi kéo vào làm trọng tài bất đắc dĩ.

Ba thợ hồ cho rằng chuyện cộng thêm điểm ưu tiên đã có từ thời “tám hoánh” ở nước ta, ở một số nước trên thế giới cũng có chế độ này, bởi suy cho cùng thì xuất phát điểm của mỗi thí sinh, sự phát triển về văn hóa, kinh tế, xã hội của mỗi vùng, miền là khác nhau. Ở các thị xã, các thành phố, ai cũng được đi học và có điều kiện học tập tốt, hơn học sinh nông thôn, trong khi đó đề thi chung cho mọi học sinh, nên chính sách cộng điểm ưu tiên chính là tạo ra sự công bằng trong thi tuyển, bù đắp những thiệt thòi cho các học sinh.

Ảnh minh họa - Nguồn: VNE.

Tư hưu trí thì cho rằng kỳ thi đại học là cuộc tranh đua chuyên môn, để lựa chọn những người thực sự có khả năng. Vậy nên, tất cả mọi thí sinh đều bình đẳng trước chuyên môn và người có trình độ sẽ được chọn. Anh lập luận “Thi để làm gì ? Có phải để lựa chọn người giỏi không? Do đó đã nói là thi, hay xét tuyển thì phải kiểm soát đầu vào để những người có năng lực tốt nhất đậu trong kỳ thi đó.

Nghe 2 anh bạn đưa ra lập luận ai cũng có lý hết, có sức thuyết phục hết, làm Hai Sài Gòn lùng bùng cái “lỗ nhĩ”. Kỳ thi 2 trong một ở nước ta đang xét tuyển giai đoạn 2. Nhìn chung kỳ thi tổ chức như thế là hay đó nhưng vô giai đoạn xét tuyển gây nhiều bức xúc cho học sinh và gia đình họ.

Chuyện này Hai Sài Gòn chưa bàn tới, chỉ tham gia ý kiến với Tư hưu trí và Ba thợ hồ thế này. Thứ nhứt chế độ cộng thêm điểm ưu tiên trong thi cử là phổ biến ở miền Nam trước năm 1975, cũng như ở nhiều nước trên thế giới, tùy theo, nhưng chung nhứt là bảo đảm chất lượng tuyển sinh sau đó. Có nơi họ áp dụng ưu tiên trong chánh sách miễn giảm học phí hoặc các điều kiện sinh hoạt hay chế độ ưu đãi phi kiến thức khác như chỗ ăn ở, đi lại… Chúng ta luôn nói về sự quan trọng của kỹ năng sống, kỹ năng mềm, nhưng lại chấp nhận cộng điểm ưu tiên tới mức vô lý để chấp nhận tuyển sinh những người thậm chí không có đủ kỹ năng cứng, tức kiến thức phổ thông. Thực tiễn các năm qua đã minh chứng cả trăm ngàn cử nhân ra trường thất nghiệp có phải hậu quả của đầu vào ?

Cả Tư hưu trí và Ba Thợ hồ đều sốt ruột nên “dí” Hai Sài Gòn là trả lời nên hay không cộng điểm ưu tiên ?

Hai Sài Gòn trả lời là nên cộng thêm điểm ưu tiên, nhưng “một vừa hai phải” thôi, vì trong kỳ xét tuyển vừa qua, điểm ưu tiên được cộng thêm theo qui định cao nhứt là 3 điểm, một số em được cộng thêm điểm khuyến khích thêm tới 3,4 điểm nữa, trong khi điểm thi chỉ chênh nhau 0,25 tức ¼ điểm là cho kết quả đậu rớt khác nhau.

Thí sinh vui mừng sau buổi thi tại Hội đồng thi trường ĐH Ngoại thương - Ảnh: SVVN

Hai Sài Gòn xin dẫn chứng theo thông tin trên báo mạng Vietnamnet  thì  tại trường Đại học Y Hà Nội, tính đến ngày 11/8 thí sinh có thực điểm cao nhất là 29,75 điểm, thí sinh nầy được cộng ưu tiên 1 điểm, nên tổng điểm là 30,75 điểm, nhưng đứng thứ 9, trong khi một thí sinh khác chỉ có 24,75 điểm, được cộng 6,5 điểm ưu tiên và khuyến khích đủ loại, nghiễm nhiên xếp thứ 6 trong danh sách với 31,25 điểm, hơn cả điểm tuyệt đối. Hay trong chương trình “Vấn đề hôm nay” trên kênh truyền hình Quốc Phòng VN, hôm đầu tuần thông tin trường Đại học Xây dựng Hà Nội có gần 60% thí sinh được xét tuyển nhờ cộng thêm điểm ưu tiên, như thế là “quá hớp”.

Từ những thực tiễn này, Hai Sài Gòn thấy việc cộng thêm điểm ưu tiên là cần giữ lại nhưng mức độ bao nhiêu là được thì các nhà hoạch định chính sách nên tính toán cho khoa học, thiết thực và thuyết phục. Hai Sài Gòn đề xuất cộng điểm ưu tiên tối đa nên ở mức 5% điểm trần của trường tổ chức thi, xét tuyển. Bởi mục tiêu cuối cùng trong thi, xét tuyển là chọn những người thật sự giỏi giang để đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Tư hưu trí và Ba thợ hồ nhẩm tính số điểm ưu tiên theo đề xuất của Hai Sài Gòn nếu áp dụng vào cụ thể ở mấy trường “hot” nhứt năm nay chỉ thêm từ một điểm rưỡi đến tối đa 2 điểm nếu tính qui tròn, và như thế là khả thi, chấp nhận được.