Lịch sử không lãng quên

(VOH) - Thưa bà con! Không biết có chuyện gì buồn mà sáng sớm Tư hưu trí kẹp nách tờ báo, mặt bí xị, nước mắt lưng tròng sà vào bàn cà phê với anh em. Đây là chuyện lạ lần đầu tiên mới thấy ở anh, nên anh em trong bàn không dám hỏi han chi...

Sau một lúc ổn định, Tư hưu trí mới mở miệng: “Mấy anh coi nè, khi chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược ở các điểm cao thuộc huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang 30 năm trước cán bộ chiến sĩ Sư đoàn 356 đã khắc trên báng súng những lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá”, “Giặc nầy phải đánh, không thắng không về”… cán bộ chiến sĩ Sư đoàn đã thực hiện đúng lời thề ấy: giữ vững trận địa, buộc quân Trung Quốc phải rút chạy. Thân xác hàng trăm cán bộ chiến sĩ Sư đoàn còn nằm lại đến nay vẫn chưa được qui tập, hàng trăm cán bộ chiến sĩ bị thương vẫn chưa lập được hồ sơ chế độ thương binh liệt sĩ cho họ. Tui hỏi mấy anh có đau không, sự hy sinh của anh em mình bị lãng quên rồi sao?”.

Nghe Tư hưu trí đặt vấn đề ai nấy trong bàn cà phê đều bùi ngùi đồng cảm với sự bức xúc của Tư hưu trí. Cựu chiến binh Bảy Nghiệp cho biết anh rất mừng khi vừa qua Chủ tịch nước khẳng định cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của quân dân nước ta là chính nghĩa, chúng ta chỉ phản kích để tự vệ chứ không tiến đánh ai hết, đó là chiến trường hoàn toàn nằm trên đất chúng ta, nằm ở phí

a chúng ta với phân giới cắm mốc rõ ràng. Điều đó chứng tỏ chúng ta đã chiến đấu để bảo vệ mảnh đất biên cương của mình không phải bàn cãi gì thêm... 

Tư hưu trí “chận họng” Bảy Nghiệp liền: Tui ức là tại sao đến bây giờ nước ta mới lên tiếng chính thức? Tại sao tui nói như vậy? Tui hỏi mấy anh, trong chúng ta không ai không biết chị Hoàng Thị Hồng Chiêm, người nữ cán bộ Thương nghiệp đã sát cánh cùng chiến sĩ đồn biên phòng Pò Hèn - Quảng Ninh chiến đấu kiên cường, hướng dẫn hàng trăm đồng bào sơ tán về tuyến sau, được Nhà nước tuyên dương anh hùng. Khi tấm gương hy sinh của chị trên đỉnh chốt Pò Hèn, ngôi trường liên cấp I,II nơi chị học tập đã đổi tên thành trường Hoàng Thị Hồng Chiêm. Bức tượng một tay cầm AK, một tay cầm lựu đạn và ánh mắt rực lửa hướng về kẻ thù hiện vẫn được giữ tại ngôi trường. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do nào đó mà Sở Giáo dục Đào tạo tỉnh Quảng Ninh đã ban hành công văn số 112, ngày 18/6/1998 đổi tên trường Hoàng Thị Hồng Chiêm thành trường THCS Bình Ngọc. Bức tượng của chị ở sân trường cũng bị quét nhiều lớp nước vôi rất dày để làm mờ đi dòng chữ ghi tên cùng chiến công của chị trên thân bệ đá. Có lẽ ai đó cố tình muốn quên đi lịch sử chăng? Còn nữa, những sự hy sinh của những chiến sĩ ở 6 tỉnh biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước năm 1979, rồi trong cuộc chiến bảo vệ biển đảo ở Hoàng Sa năm 1974, ở Trường Sa năm 1988, trước đây một vài năm cũng không được phép nhắc đến, lý do vì sao?

Anh em trong bàn cà phê bàn luận mỗi người một kiểu. Thấy anh em tranh luận sôi nổi, Hai Sài Gòn góp ý như vầy: Không phải đến giờ nầy chúng ta mới lên tiếng vì cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc nước ta năm 1979, nhân dân cả nước biết, toàn thế giới biết và sự thật bao giờ cũng là sự thật, làm sao giấu được, mà giấu để làm gì? Tuy nhiên trong quan hệ với Trung Quốc thì cũng có nơi có lúc, nhất là ở các địa phương vì sự tế nhị, vì mục tiêu giữ hòa hiếu lẫn nhau nên cách cư xử từng nơi cũng “lờ” đi không muốn nhắc lại những căng thẳng giữa ta và Trung Quốc. Chứ lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha ta, những người đã có công, những người đã hy sinh cho đất nước, lịch sử không quên ai hết. Từ Hồ Quý Ly đến những công thần nhà Nguyễn có công dựng nước và giữ nước, hay gần đây các liệt sĩ Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phạm Hồng Thái là người của Quốc Dân Đảng đã anh dũng hy sinh chống thực dân Pháp cũng được Đảng và Nhà nước ta công nhận và ghi ơn.


Chủ tịch nước Trương Tấn Sang xuống tận chân cầu thang chào đón các cựu chiến binh Sư đoàn 356 - Ảnh: TTO.

Vấn đề Hai Sài Gòn tâm đắc nhất là trong buổi gặp gỡ cựu chiến binh Sư đoàn 356 của Chủ tịch nước ngày 14/7 đã chỉ đạo: “Đề nghị văn phòng truyền đạt ý kiến của tôi cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng: Một là vấn đề quy tập hài cốt liệt sĩ. Những đồng đội còn sống ở đây để anh em nằm lại nơi biên cương là không thể ngủ được. Hai là vấn đề giải quyết chế độ, chính sách, nếu vì nhiều lý do không còn giấy tờ cần thiết thì phải tạo điều kiện giải quyết linh hoạt trên cơ sở quy định. Không vì quan liêu mà không làm. Ngay ngày mai, Ban liên lạc Sư đoàn phối hợp với các cơ quan có liên quan bắt tay vào làm sớm, chúng tôi sẽ cùng tham gia. Ba là việc xây dựng nhà thờ tưởng niệm, tôi đồng ý, vấn đề bây giờ là nghiên cứu thiết kế sao cho hợp lý”.

Rồi Hai Sài Gòn “tóm lại”: Như thế lịch sử đâu có lãng quên những người đã vì nước vì dân. Hơn lúc nào hết trong tình hình hiện nay, việc nhớ ơn, đền ơn những người đã vì dân vì nước cần phải được toàn xã hội thực hiện một cách tốt nhất. Đó là đạo lý, là truyền thống của người Việt Nam mình mà.