Tiền đưa hối lộ, chứng cứ đâu mà đòi?

(VOH) - Thưa bà con! Mấy hôm rày cứ ngồi vào quán cà phê trong xóm là y như rằng chủ đề bàn tán nhiều nhứt là số tiền hối lộ trong vụ án đánh bạc ngàn tỷ.

Tư hưu trí cho là chính Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CNC chuyên về thanh toán điện tử, nói nôm na là ông “trùm” vụ đánh bạc nầy khai nhận đã hối lộ cho ông Phan Văn Vĩnh, nguyên Trung tướng Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát 27 tỷ đồng và 1 triệu 750 ngàn đô la Mỹ; 1 đồng hồ Rolex khai trị giá 7.000 đô la Mỹ.

Nguyễn Văn Dương nhiều lần tổ chức sinh nhật cho ông Phan Văn Vĩnh, trong đó đều mang rượu ngoại đến uống, có những chai Macallan trị giá 100 triệu đồng/chai. Nguyễn Văn Dương nhiều lần đi nước ngoài mua áo tặng ông Vĩnh, trị giá mỗi chiếc khoảng 100 đô la Mỹ trở lên. Nguyễn Văn Dương còn nhiều lần tiếp khách có sự tham gia của ông Phan Văn Vĩnh với chi phí trên 10 tỷ đồng, cho Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao 22 tỷ đồng, cho Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao 700 triệu đồng, một bộ phần mềm diệt virus trị giá 30.000 đô la Mỹ.

Tuy nhiên, về vấn đề này, ông Phan Văn Vĩnh và Ông Nguyễn Thanh Hóa không thừa nhận nên cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ để xác định các ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa hưởng lợi cá nhân nên giai đoạn đầu của vụ án mới chỉ xử lý hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Hai bị cáo Nguyễn Thanh Hóa (sau) và Nguyễn Văn Dương (trước) đối chất tại tòa - Ảnh: NLĐO

Ba thợ hồ thì cho là “đưa và ăn hối lộ mà đòi đầy đủ chứng cứ thì như mò kim đáy biển”. Tư hưu trí thì thắc mắc trong cáo trạng, chính Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ thực hiện chính sách khoan hồng của Nhà nước do sự thành khẩn khai báo của Nguyễn Văn Dương, được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015, nên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự cho Nguyễn Văn Dương về tội đưa hối lộ.

Rõ ràng việc đưa hối lộ đã “thành khẩn khai báo” nên khoan hồng miễn trách nhiệm hình sự. Rốt cuộc rồi vụ án đánh bạc ngàn tỷ nầy có xem xét tội đưa và nhận hối lộ hay không?

Hai Sài Gòn trả lời thắc mắc của anh em trong quán “Đây là vụ án lớn, các bị cáo là những người có vai trò, trách nhiệm lớn trong Bộ Công an, nên theo tôi, việc có truy tố, chưa truy tố tất tần tật đều được tính toán rất kỹ lưỡng, bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp. Đúng là luật pháp của chúng ta, cũng như nhiều nước trên thế giới khi xét xử tội đưa và nhận hối hộ đòi hỏi phải có chứng cứ rõ ràng, đây là công việc rất khó khăn. Ông bà ta đã dạy rồi “có ai chịu cha ăn cướp bao giờ”.

Tư hưu trí bổ sung hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước Tòa án nhân dân TPHCM xét xử vụ TAMEXCO, bị cáo Phạm Huy Phước khai đã hối lộ cho một nữ Phó Chủ tịch UBND TP mấy ngàn đô la. Hội đồng xét xử mời vị nữ phó chủ tịch nầy đến với tư cách nhân chứng, khi tòa hỏi, bà ấy chỉ trả lời duy nhất một chữ “Không” rồi huề, sau đó tuyên án luôn.

Rồi Hai Sài Gòn “liên hệ thực tiễn” hỏi mấy anh có nhớ vụ ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an của Trung quốc từng giữ chức trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị lần thứ 17 và Chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012. Ngày 11 tháng 6 năm 2015, ông Chu Vĩnh Khang bị kết án hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý tiết lộ bí mật nhà nước bởi Tòa án Trung cấp ở Thiên Tân.

Ông Chu Vĩnh Khang và các thành viên trong gia đình ông bị buộc tội nhận hối lộ 129 triệu nhân dân tệ tức hơn 20 triệu đô la. Tội của ông Chu Vĩnh Khang là gì? Nhiều lắm, nhưng về tội nhận hối lộ thì mờ nhạc, rõ ràng nhất là tội lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho người thân của ông ta. Theo tui cái hay của luật pháp Trung Quốc là thu hồi được số tiền, vật hối lộ đã bị tẩu tán cho thân nhân ông ta.

Điều này nói lên “Bất cứ ai đều không có đặc quyền vượt trên hiến pháp, pháp luật” như bình luận của Nhân dân nhật báo Trung Quốc ra ngày 21/6/2015 khẳng định việc xét xử Chu Vĩnh Khang thể hiện thái độ rõ ràng và kiên định của nhà nước Trung Quốc trong việc trừng trị hủ bại tham nhũng.