Tiền nào cũng là tiền của dân !

(VOH) - Bên bàn cà phê sáng, Tư Hưu Trí gật gù, trầm ngâm hồi lâu rồi mở màn: “Chà, dạo này sao thấy mấy cái dự án chi tiêu của một số Bộ, ngành ngốn ngân sách dữ quá. Mỗi cái ước tính lên tới cả vài ngàn tỷ đồng”.

Hai Sài Gòn giãy nảy lên: “Cái gì dữ vậy cha, nói coi”.

Tư hưu trí nói liền: “Đó, mới rồi là vụ Tượng đài ở Sơn La 1.400 tỷ, hay năm 2014, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự kiến đề án 34.275 tỷ đồng, để thực hiện chương trình sách giáo khoa mới sẽ được sử dụng ổn định đến năm 2030. Năm 2012, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch có dự án xây mới và cải tạo nhà hát cấp huyện trên cả nước với quy mô nhỏ nhất là 1.000 chỗ ngồi, lớn nhất là 2.500 chỗ ngồi với số tiền là 10.800 tỷ đồng hay Bộ Xây dựng xây Bảo tàng Hà Nội với kinh phí lên đến 11.000 tỷ đồng mà đến bây giờ không biết trưng bày cái gì, đang “phơi gan cùng tuế nguyệt”.

Ôi thôi nhiều vô số kể, tui không thể thống kê hết ! Vấn đề là các ông Bộ, Thứ trưởng đó có hình dung ra số tiền đó lớn cỡ nào không ? Và hiệu quả phải chi số tiền đó đem lại như thế nào? Nếu với số tiền đó đem đi xây dựng những công trình trực tiếp phục vụ dân sinh như nhà thương, trường học, cái nào lợi hơn…?”.

Suy cho cùng, ý của Tư hưu trí là có cơ sở. Hai Sài Gòn nhớ tại một kỳ họp Quốc hội, Bộ Trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo: "Lãng phí nhất, thất thoát nhất chính là chủ trương đầu tư, còn thi công thất thoát 3 – 5% chỉ là đồng tiền cụ thể. Có lần, trong một phiên họp tổng kết, người đứng đầu Chính phủ cũng từng bức xúc khi đặt câu hỏi: tại sao đường miền núi mà lại làm rộng 60-70 mét, ai quyết định đầu tư ?".

Ảnh minh họa: TTO

Hai Sài Gòn còn thấy điều này nữa, phải nói là “chẳng ra làm sao”, như vụ Tượng đài Bác Hồ ở Sơn La, khi dư luận lên tiếng, ông Chủ tịch UBND Tỉnh mới biện minh là 1.400 tỷ gồm nhiều công trình trong quần thể, chứ thực ra tượng đài Bác Hồ có 200 tỷ thôi !

Nhưng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND tỉnh Sơn La chỉ được tiến hành khởi công xây dựng Tượng đài khi bảo đảm các điều kiện cần thiết theo quy định, trong đó có việc phải báo cáo Ban Bí thư phê duyệt mẫu tượng đài và xác định rõ nguồn vốn. Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND tỉnh Sơn La phải lập dự án xây dựng Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư và quy định pháp luật. Trường hợp Tượng đài “Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc” được gắn liền với các hạng mục công trình công cộng khác trong một dự án thì cần tách bạch thành một hạng mục riêng để thẩm định, phê duyệt theo quy định. Việc quy hoạch, xây dựng các hạng mục công trình công cộng thuộc thẩm quyền của tỉnh cũng phải được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của địa phương trên tinh thần tiết kiệm, thiết thực.

Nói tới đây, Hai Sài Gòn nhớ tới lời ông Tráng A Pao, nguyên Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội nói: “Bác Hồ được nhân dân tôn kính nhưng không phải vì thế mà xây tượng đài thật hoành tráng. Theo tôi nghĩ, tôn kính Bác, phải học tập làm theo tấm gương của Bác là giản dị, tiết kiệm, biết lo cho dân. Hơn nữa, việc xây tượng đài không phù hợp với lối sống giản dị, luôn nghĩ đến cơm no, áo ấm cho nhân dân, như cốt cách Hồ Chí Minh là “Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”, mà thật ra bấy lâu nay Bác đã là tượng Đài trong lòng dân rồi. Đâu cứ gì phải xây cho to lên và tốn kém vậy".

Hay như vụ in sách giáo khoa, Thứ trưởng đã nói thế, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận họp báo đính chính: “Về con số 34.000 tỷ đồng mà chúng tôi nói đây là kinh phí để làm cho nhiều việc, chứ không phải riêng chương trình đổi mới sách giáo khoa. Nhưng lại nói không khéo nên gây hiểu nhầm cho báo chí là con số 34.000 tỷ đồng đó chỉ dành riêng cho đổi mới sách giáo khoa. Vì vậy, việc xuất hiện con số 34.000 tỷ đồng cho đề án đổi mới sách giáo khoa chỉ là do "lỗi kỹ thuật"".

Còn dự án xây dựng và cải tạo nhà hát cấp huyện, khi dư luận lên tiếng thì Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho là "Số tiền 10.800 tỷ đó bao gồm có cả tiền xã hội hóa nữa, chứ ngân sách ít thôi”, mấy anh thấy thế nào?

Ba thợ hồ là người luôn ủng hộ chủ trương của các Bộ ngành TW, nên anh đồng tình là trong lúc ngân sách khó khăn, cần huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, hình thức xã hội hóa là hợp lý.

Tư hưu trí không chịu, cho rằng: Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là tiền dân đóng thuế, ngay cả dưới hình thức vốn xã hội hóa cũng là số tiền mà các tổ chức xã hội đóng góp, thực chất cũng là tiền của dân đóng góp. Người dân là đối tượng bị thiệt hại khi nguồn tiền công không được đầu tư vào công trình xã hội, đầu tư kinh tế, chi vào quỹ bảo hiểm, tăng lương tối thiểu, trồng rừng tránh thiên tai... Ngược lại, một phần nào đó “rơi vào” những cái túi không đáy hoặc một phần nằm chết trong các công trình không có giá trị sử dụng hoặc trùm mền… Đã đến lúc phải có biện pháp ngăn chặn triệt để kiểu thất thoát, tham ô từ chủ trương đầu tư. Thực hiện được giải pháp này không chừng nước ta hóa rồng chỉ sau vài chục năm nữa./.