Tự tiện “trưng dụng” tài sản là lạm quyền à nha!

(VOH) - Thưa bà con, sau kỳ nghỉ Tết, anh em trong nhóm Hai Sài Gòn kéo nhau ra quán cà phê, trong khi chờ đợi, Ba thợ hồ “khai khẩu” làm anh em chưng hửng hết: “Bắt đầu từ ngày 15/2 thực hiện thông tư 01/2016 của Bộ Công An thì Cảnh sát giao thông có quyền trưng dụng, trưng thu phương tiện giao thông, kể cả máy thông tin liên lạc tức là điện thoại di động khi kiểm tra…”.

Tư hưu trí “độp” liền “biết thì nói, không biết dựa cột mà nghe, chuyện đó “xù” rồi kia mà”.

Nhiều anh em chưng hửng không biết thực hư ra sao, nên hỏi, Hai Sài Gòn giải thích cho anh em là ngày 4/1, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư số 01/2016 quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của Cảnh sát giao thông (có hiệu lực từ ngày 15/2/2016), trong đó quy định CSGT có quyền trưng dụng tài sản kể cả thiết bị thông tin liên lạc "theo quy định pháp luật", nhưng không quy định rõ là theo luật nào, trong khi đó, luật trưng mua, trưng dụng tài sản đã quy định rất rõ các trường hợp được trưng dụng tài sản; thẩm quyền trưng dụng tài sản; trình tự thủ tục trưng dụng tài sản. Đây là điều làm cho dư luận và nhân dân bức xúc.

Tư hưu trí bổ sung thêm, theo luật Công an nhân dân, thì CSGT chỉ là người thi hành chứ không có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản, nên nếu thi hành thông tư, CSGT sẽ có quyền ra đường cầm gậy, vác còi ra trưng dụng tài sản người dân, như vậy là lạm quyền, là trái luật.

Ảnh minh họa - Nguồn: Báo Giao thông.

Hai Sài Gòn thông tin rốp rẻng về việc nầy: “Trước sự không đồng tình của dư luận, ngày 4/2 Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh, Phó Cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), đã ký Công văn số 525/C67-P9 gửi Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm giải thích rõ hơn nội dung thực hiện Thông tư số 01, quy định cho CSGT được trưng dụng tài sản của dân. Nhưng việc trưng dụng phải được thực hiện đúng Luật.

Riêng lực lượng CSGT chỉ được thực hiện quyền hạn trưng dụng phương tiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an. Công văn khẳng định “việc trưng dụng phương tiện phải được thực hiện theo đúng luật trưng mua trưng dụng tài sản có hiệu lực từ năm 2008. Cũng trong công văn nầy, Bộ Công An cũng nói rõ việc kiểm soát người trên phương tiện đang kiểm soát - tức là không phải người lái xe - là hành khách chỉ thực hiện khi có sự đồng ý của thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra.

Sau khi thông tin cho anh em, Hai Sài Gòn “túm” lại: rất hoan nghinh Bộ Công An và Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt đã lắng nghe và hiểu được tâm tư bức xúc của người dân, nên đã kịp thời có văn bản nói rõ, nói cụ thể cho người dân biết, vậy là không phải CSGT muốn trưng dụng, trưng thu gì cũng được đâu mà phải có quyết định của Bộ trưởng Bộ Công An.

Anh em ai nấy đều “ồ” lên hết, ít ra cũng phải có tôn ti trật tự chứ, đâu thể nói “quy định pháp luật” chung chung như vậy, ai muốn làm gì cũng được, như thế là lạm quyền.

Riêng Ba thợ hồ thắc mắc: “Tại sao thông tư Bộ trưởng ký đáng lý toàn ngành Công An thực hiện, mà sao quy định chỉ có CSGT là được phép trưng thu trưng dụng phương tiện kể cả phương tiện thông tin liên lạc, cái nầy tui nghe bà con bàn tán vì CSGT sợ người dân dùng diện thoại di động ghi hình ghi âm.

Hai Sài Gòn chận suy nghĩ của bạn mình lại liền “Cái gì biết chắc, cụ thể thì nói, nói để xây dựng, nói để sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, không thể nghe nói lung tung rồi phát tán thông tin, như thế là sai, thậm chí là vi phạm pháp luật”.

Anh em ai cũng tán đồng ý kiến của Hai Sài Gòn và bổ sung thêm “mấy cơ quan soạn thảo văn bản pháp quy cũng phải làm theo hiến pháp và pháp luật chứ”. Có vậy mới tránh sự chồng chéo trong các văn bản dưới luật và góp phần an dân.